Hơn 20 năm qua, hình ảnh người chiến sĩ công an lao động tích cực trong vườn cây ăn quả lúc ngoài giờ hành chính, khi là ngày nghỉ cuối tuần, rồi thức khuya dậy sớm để chăm sóc, yêu vườn cây đã hút mắt nhìn và để lại thiện cảm với bà con hàng xóm…
Chính sự dày công chăm sóc vườn cây từ lúc còn công tác trong lực lượng công an huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng, đến năm 2019, đủ tuổi nghỉ hưu, cũng là lúc ông Đàm Hữu Ái, xóm Ảng Giàng, xã Hồng Việt được hưởng thành quả cao nhất của mình, với thu nhập hơn 300 triệu đồng từ bán quả.
Ngày còn công tác trong lực lượng vũ trang, ông Ái luôn gắn trên mình hai từ chiến sĩ cho đến ngày nghỉ hưu (không chức vụ), nên sau mỗi ngày hoàn thành công việc cơ quan, ông lại tranh thủ về nhà thay đồ bảo hộ để làm vườn, trồng cây, nghiên cứu các loại cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng.
Gia sản để hình thành vườn cây trái tươi tốt hôm nay, vốn là mảnh đất vườn thừa kế do cha ông để lại, cũng chỉ có mấy nghìn mét vuông, năm 1996, vợ chồng ông Ái đã bỏ chút tiền lương tích lũy, để thuê máy san gạt cho bằng phẳng rồi trồng cây ăn quả theo hướng dẫn của sách khoa học kỹ thuật.
Người lao động chăm sóc cây ăn quả tại vườn của ông Đàm Hữu Ái.
Từ sự đam mê đó, đã hun thúc ông hăng say lao động, trồng chăm sóc cây ăn quả các loại. Hình ảnh ông Ái gắn bó với vườn cây trái đã tạo được ấn tượng tốt với hàng xóm, khi hết giờ cơ quan, ông lại về nhà làm vườn, lao động như một nông dân thực thụ.
Nghĩ đến đâu làm việc đến đó, vợ chồng ông bắt tay vào cải tạo hơn 3.000 m2 đất gia đình, rồi nhập giống vải thiều ở Đại học Thái Nguyên về trồng thử. Nhưng được thu hoạch lại khó cạnh tranh với các loại vải từ Bắc Giang, Hải Dương đưa lên. Nhiều vụ bán hết vải cũng chỉ đủ thu hồi vốn.
Không nản chí, ông tiếp tục vay mượn để mua thêm 2 ha đất để trồng thêm các loại cây ăn quả khác như chanh 4 mùa, cam, bưởi, mít…
Không chỉ tìm nguồn giống bảo đảm chất lượng, ông Ái còn tìm hiểu đặc tính của mỗi loại cây trồng để bố trí cho phù hợp, nhằm giúp cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao và phòng chống sâu bệnh hiệu quả.
Theo đó, vườn cây được bố trí thành nhiều vườn nhỏ để trồng từng loại cây. Bên ngoài là cây cam, vào trong dần là chanh bốn mùa, bưởi, mít. Ông làm thêm nhiều lối đi lại để tiện chăm sóc, thu hoạch, làm các rãnh nước để chống ngập úng vào mùa mưa. Thu mua phân chuồng về ủ vài tháng rồi mới đem bón cho cây nên cây phát triển tốt, quả thơm ngon, mọng nước.
Đến nay, gia đình ông trồng hơn 400 cây chanh 4 mùa, giống của Hàm Yên (Tuyên Quang); hơn 300 cây cam Vinh; 200 cây bưởi Diễn, da xanh, Tân Lạc; 200 cây mít Thái, mít ruột đỏ Bình Phước. Ngoài ra, ông còn có khu chuồng trại chăn nuôi hơn 200 m2. Trung bình lúc cao điểm ông nuôi 20 lợn nái, 200 lợn thịt/lứa. Mấy năm nay, từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông thu hơn 300 triệu đồng. Gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động địa phương.
Ông Ái vui vẻ chia sẻ: Vợ chồng tôi đều là cán bộ nhà nước nên về đến nhà phải tranh thủ cả tối để làm vườn. Năm 2019 tôi vừa nghỉ hưu, nên có thêm nhiều thời gian để chăm sóc vườn cây ăn quả. Hiện nay, các loại quả của gia đình có đầu ra ổn định trong huyện và gửi đi nhiều khách hàng ở thành phố Cao Bằng.
Ông Đàm Hữu Ái (áo tím bên trái) giới thiệu về cách trồng bưởi cho khách tham quan.
Còn ông Đào Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết: Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân phát triển các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay vẫn là việc các hộ dân sản xuất theo kiểu manh mún, tự phát. Sản phẩm đưa ra thị trường chưa có thương hiệu nên giá trị còn thấp...
Do đó, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành, các địa phương để khâu nối các mô hình kinh tế hộ gia đình thành các tổ hợp tác, đăng ký nhãn hiệu, mã vạch, dán tem sản phẩm để khẳng định thương hiệu sản phẩm, tích cực liên kết với các doanh nghiệp thu mua nông sản, để đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.