Làm thế nào để xây dựng đại học thông minh?

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đẩy mạnh học trực tuyến, khai thác các giải pháp về thư viện số, sử dụng các công nghệ cao vào việc giảng dạy, học tập…
Làm thế nào để xây dựng đại học thông minh?
Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành - Ảnh: BTC

Tại hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 (diễn ra ngày 17.9), đại diện Cục CNTT – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đối với việc triển khai ứng dụng CNTT trong giáo dục đại học cần tập trung vào hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, đẩy mạnh dạy học trực tuyến; đẩy mạnh triển khai các giải pháp về thư viện số, kho học liệu số dùng chung; xây dựng, phát triển nguồn học liệu mở phục vụ cơ sở giáo dục đại học và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa. Ngoài ra, cần hình thành mạng học tập mở trong cơ sở giáo dục đại học và liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường ứng dụng CNTT đổi mới công tác khảo thí…

Về phía các Trường đại học, theo TS Hoàng Lê Minh (Trưởng khoa CNTT, Trường đại học Văn Lang), tại Khoa CNTT của trường đã ứng dụng các công nghệ số như sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt thông minh (FaceID with AI), ứng dụng điện toán đám mây biên (Edge Cloud Computing) để điểm danh sinh viên tham dự lớp học, xác thực sinh viên dự thi bằng Kiosk thông minh. Dữ liệu điểm danh được hệ thống thông báo tự động qua email cho sinh viên, giảng viên theo thời gian thực (real-time).

Trong thời gian qua, để thích nghi với tình hình dịch bệnh COVID-19, Trường đại học Văn Lang nhanh chóng thay đổi cách giảng dạy phù hợp với tình hình dịch bệnh. Cụ thể, 80 % học phần được giảng dạy online với hơn 70% sinh viên tham dự. Khoa CNTT cũng nhanh chóng thay đổi, cập nhật và nâng cấp dịch vụ điểm danh trên Kiosk trở thành mô hình dịch vụ điểm danh online hoàn toàn mới, sáng tạo và hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, khoa CNTT của Trường đại học Văn Lang đã xây dựng “Hồ sơ điện tử sinh viên”. Theo TS Minh, hồ sơ điện tử sinh viên (Student Digital Profile) sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu tự động, lấy từ các dữ liệu liên quan tới hoạt động đào tạo và quản lý sinh viên được thu thập từ các phần mềm và hệ thống thông tin quản lý đào tạo, công tác sinh viên đang vận hành trong thực tế, cũng như các dữ liệu thô (hồ sơ, giấy tờ, văn bản) do Khoa CNTT đang quản lý như phần mềm Edusoft.Net, phần mềm Học trực tuyến Moodle, phần mềm Microsoft Teams và Office 365; hệ thống điểm danh sinh viên bằng nhận diện khuôn mặt thông minh IS-FaceID giám sát, phân tích và cảnh báo kết quả học tập của sinh viên Khoa CNTT.

Ngoài ra, TS Hoàng Lê Minh cũng cho biết khoa CNTT hiện đào tạo 1.200 sinh viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT tại TP. HCM, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ 4.0, với nền tảng công nghệ lõi là CNTT, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng “kỹ sư phân tích dữ liệu” của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu (bên cạnh “kỹ sư phần mềm”, “kỹ sư ứng dụng CNTT”).

Liên quan đến chuyển đổi số trong ngành giáo dục, tại buổi làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về công tác chuyển đổi số tại Học viện, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, cuộc CMCN lần thứ 4 mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, tạo ra cơ hội cho một số đại học bứt phá vươn lên thành đại học hàng đầu.

Đối với phương pháp đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây, đầu vào là quan trọng, cách học là quan trọng, dạy học là quan trọng nhưng bây giờ, chuẩn đầu ra là quan trọng. Trước đây, đại học so với chính mình; bây giờ, đại học phải so với các đại học khác; vì thế, việc ban hành bộ tiêu chí và đo đạc, so sánh, đánh giá là quan trọng…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật