Cô giáo về hưu không chồng con, ngày bán vé số dành tiền từ thiện: Đêm đi dạy tình thương

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ban ngày rong ruổi bán vé số mưu sinh, tối cô giáo nghỉ hưu đến dạy ở lớp học tình thương. Tiền kiếm được ở tuổi xế chiều, cô dành để từ thiện giúp đỡ những người khó khăn. 
Cô giáo về hưu không chồng con, ngày bán vé số dành tiền từ thiện: Đêm đi dạy tình thương
Cô Ba tự hào khi nói về sự tiến bộ của những học trò. (Ảnh báo Bình Dương)

Xem Video: Chuyện lạ người bán vé số thi đậu công chức 

Câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Ba, năm nay 72 tuổi, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một sẽ khiến nhiều người cảm động lẫn nể phục hành xử của một người có trái tim yêu thương. Ở tuổi xế chiều, không chồng con, cô Ba chọn cuộc sống cống hiến cho xã hội và giúp người trong khả năng của mình. 

Trước đây, cô Ba là giáo viên trường tiểu học và nghỉ hưu vào năm 2003. Khoảng 9 năm nay, cô dọn đến sống ở nhà trọ và chỉ lủi thủi một mình. Đôi lúc buồn, cô từng có ý định vào trung tâm nuôi dưỡng người già nhưng suy đi tính lại thấy không hợp nên thay đổi ý định. Quay về sống trong căn nhà trọ, ban ngày cô đi bán vé số vừa để khuây khỏa vừa kiếm thêm thu nhập ngoài lương hưu hằng tháng. 

Tuy lớn tuổi nhưng cô Ba rất nhiệt huyết tham gia từ thiện. Biết điều này, có người giới thiệu và từ đó cô bén duyên với lớp học tình thương. Công việc vừa giúp cô đỡ nhớ bục giảng, lại góp phần rất lớn giúp nhiều em nhỏ nhà nghèo mù chữ. “Hỏi thăm nhiều em nhỏ đi bán vé số, cô thấy hầu như em nào cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đi học. Thôi thì mình còn sức khỏe, không phải lo gì nhiều nên ráng ra đây giúp các em biết con chữ để sau này có cuộc sống tốt hơn. Mình là một giáo viên nghèo nên chỉ có tấm lòng vậy thôi...”, cô Ba chia sẻ.

Từ năm 2016 đến nay, cứ chiều tối là cô Ba đến lớp học tình thương để gieo con chữ cho các em nhỏ. Lớp đã có 20 em, được chia theo từng nhóm và mỗi nhóm có trình độ khác nhau (từ lớp 1 đến lớp 5). Niềm vui của người giáo già là nhìn các em ngoan ngoãn lễ phép, từ việc không biết mặt chữ, nay các em đã biết đánh vần làm toán. Bước ra đời, xuất phát điểm của các em đã thua thiệt, nếu không biết chữ còn thiệt thòi và khó khăn hơn biết bao. 

Bài học đầu tiên cô Ba dạy các em nhỏ là cách làm người tử tế. (Ảnh: báo Bình Dương)

Ở lớp học tình thương, ngoài việc được học chữ, các em nhỏ còn được cô Ba tận tình dạy học làm người. Cô uốn nắn từng đứa nhỏ từ chuyện ý thức dọn bàn ghế sau khi ăn xong, xếp hàng ngay ngắn rồi lễ phép với người khác. “Mỗi em khi đến với lớp học này, cô đều có một yêu cầu trước tiên là phải lễ phép. Khi biết lễ phép, các em sẽ cố gắng hơn trong học tập để sau này trở thành những công dân tốt...”, cô Ba cho biết. Tiên học lễ, hậu học văn. Bài học làm người đã được cô Ba ưu tiên và cũng nhờ đó những em nhỏ ở lớp học tình thương là những đứa trẻ tuy nghèo nhưng tử tế, được uốn nắn đàng hoàng. 

(Ảnh báo Bình Dương)

Mỗi ngày, cô Ba bán khoảng 100 tờ vé số. Một nửa tiền lời sẽ được cô dùng cho sinh hoạt, phần còn lại cô để dành làm từ thiện. Thậm chí nếu thiếu thì cô trích thêm tiền lương hưu của mình để giúp đỡ người khó khăn hơn. Nghĩ lại, cô Ba sống neo đơn lại tự lực mưu sinh dù tuổi đã cao nhưng tấm lòng cô rất giàu có khi sẻ chia cùng người khác. Bởi vậy giàu hay nghèo là do cách bạn nhìn và cảm nhận cuộc sống này. Có nhiều kẻ dù tiền chất đầy nhưng vẫn than nghèo là do không biết đủ. Và khi biết sống sẻ chia như cô Ba, tự khắc sẽ “nhận” về rất nhiều và từ đó không thấy thiếu thốn gì vì tình thương đã lấp đầy cuộc sống. 

“Cô cũng không dư dả gì, chỉ là một giáo viên nghèo thôi, nhưng bằng sức của mình cô muốn được chia sẻ một phần khó khăn với người nghèo khó hơn. Chỉ làm những việc nhỏ nhỏ vậy thôi nhưng thấy lòng mình nhẹ nhàng lắm...”, lời chia sẻ của cô Ba khiến nhiều người càng thêm quý nể. 

Đợt dịch vừa rồi, dù có thời gian vé số phải tạm ngưng phát hành và ảnh hưởng đến nhiều người nhưng cô Ba vẫn trích ra một ít tiền đã dành dụm để mua mì, gạo, nước tương gửi tặng những em học trò nghèo. Tấm lòng của người giáo già nhiều chúng ta phải kính cẩn nể phục, cả một đời cô mang trách nhiệm “trồng người” và gieo tình thương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật