Ngôi nhà cuối đời của nhạc sư Vĩnh Bảo

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo năm nay đã 103 tuổi. Ông vẫn khỏe, vẫn minh mẫn, và có cách nói chuyện gần gũi, dí dỏm, đặc sệt chất Nam Bộ với tất cả những người đến thăm và đàm đạo cùng ông tại ngôi nhà nhỏ ở Cao Lãnh, Đồng Tháp – nơi mà sau này chắc chắn sẽ trở thành nhà lưu niệm về ông…
Ngôi nhà cuối đời của nhạc sư Vĩnh Bảo
Nhạc sư Vĩnh Bảo

Từ nhỏ sớm rời nơi chôn nhau cắt rốn (làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, Sa Đéc, nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Nguyễn Vĩnh Bảo - tên khai sinh của nhạc sư Vĩnh Bảo, sống rày đây mai đó, đem theo niềm đam mê đàn tranh, đàn kìm mà ông “kim chỉ” tự học từ thú tiêu khiển của người cha vốn xuất thân điền chủ yêu thích đờn ca tài tử.

Đi tứ xứ, không phải chỉ ở trong nước mà ra cả nước ngoài, ở đâu, nhà của Vĩnh Bảo dù mua hay mướn cũng nhỏ vì với ông tiếng đàn tranh, đàn kìm, đàn gáo, đàn cò… vang lên ngày ngày trong ngôi nhà mới là điều quan trọng. Làm nhiều nghề để mưu sinh, kể cả dạy tiếng Pháp, tiếng Anh nhưng niềm đam mê với âm nhạc dân tộc mới là sự gắn bó máu thịt với Vĩnh Bảo. Ông chơi rành tất cả những nhạc cụ của âm nhạc tài tử và tiếng đàn tranh của ông được giới sành điệu đánh giá là đa cảm và sang trọng bậc nhất. 

Là một bậc thầy về âm nhạc dân tộc, nhạc sư Vĩnh Bảo đã đón nhận rất nhiều sự vinh danh bằng giải thưởng và bằng cấp ở trong và ngoài nước; bằng sự kính trọng và ngưỡng mộ của các thế hệ học trò. Nhưng có lẽ với ông, món quà đặc biệt nhất về cuối đời mà ông không ngờ mình có được là căn nhà hiện tại ở quê nhà, nơi cha sanh mẹ đẻ.

Sau lần cuối về Cao Lãnh năm 1973, hơn bốn mươi năm sau, tháng 3.2018 nhạc sư Vĩnh Bảo mới lại có chuyến về thăm quê thật nhiều cảm xúc. Cảnh cũ đã thay đổi quá nhiều, ông không còn nhận ra Mỹ Trà ngày thơ bé nhưng nỗi niềm mong muốn hồi hương sống tiếp quãng đời còn lại tự nhiên cuộn lên trong lòng vị nhạc sư vốn đã rời xa Mỹ Trà từ rất, rất lâu rồi, giờ ở tuổi bách niên giai lão!

Lãnh đạo Đồng Tháp hiểu lòng vị nhạc sư danh tiếng, đã trân trọng mời ông về Cao Lãnh sống những năm tuổi già, rồi vận động các mạnh thường quân góp sức cùng gia đình giúp ông xây dựng một căn nhà nhỏ yên tĩnh, êm đềm bên con rạch Cái Sâu (đường Đinh Bộ Lĩnh).

Cũng như khi còn ở Sài Gòn, ngôi nhà hiện tại của nhạc sư lại luôn mở rộng cửa đón môn sinh và những người mến trọng tên tuổi ông, đến hòa đàn hoặc trò chuyện về âm nhạc tài tử. Ngôi nhà nhỏ của nhạc sư ở Cao Lãnh giờ đây còn là phim trường ghi những thước phim tài liệu về ông – một “báu vật nhân văn sống”, là nơi ông bầu bạn hàng ngày với cây-đàn-tranh-đời-người của ông, là nơi ông vẫn truyền dạy những điệu thức cổ nhạc hò, xự, xang, xê, cống…, những ngón đàn thấm đẫm hồn Việt, mê hoặc lòng người; và cả những bài học làm người, làm nghề sống động qua những câu chuyện ông kể dí dỏm, sâu sắc ít thấy trong sách vở.

Thỉnh thoảng nhà của nhạc sư Vĩnh Bảo cũng xuất hiện trên bản tin thời sự truyền hình, vì lãnh đạo trung ương và một số địa phương khác, biết ông trở về sống ở Cao Lãnh đã ghé thăm. Kể tên ra không hết. Khi lên sóng truyền hình với biết bao lời ca ngợi, vị nhạc sư “tuổi trời”, như từ bấy lâu nay, vẫn suy nghĩ một cách có trước có sau, với sự khiêm tốn chân thành: “Tên Vĩnh Bảo rồi người ta có thể quên nhưng tên Đồng Tháp thì không thể không nhớ”; hoặc: “Suốt hơn 80 năm chơi đàn, tính ra tôi đã tiếp cận với hơn 200 nhạc sư, nhạc sĩ ở ba miền đất nước, người nào tôi gặp - dù nhiều hay ít - cũng là thầy của tôi”. 

Trong ngôi nhà nhỏ giản dị của nhạc sư Vĩnh Bảo ở Cao Lãnh, có gì quý nhất ngoài  tiếng đàn và không gian tràn ngập tình thầy trò mỗi lần có dịp tụ họp? Ảnh: TL

Giờ đây, nhạc sư Vĩnh Bảo đã bớt nhanh nhẹn khi đi lại, tai nghe bắt đầu kém thính nên ông không còn dạy nhạc online nữa. Không còn cảnh môn sinh ở nước ngoài quay clip bản nhạc, khúc thức đang học gửi về cho thầy nửa đêm ngồi xem chấm điểm hoặc chỉnh sửa. Nhưng chuyện thường xảy ra là nhiều người muốn làm môn sinh của ông ở trong nước, mỗi khi có dịp là kéo xuống ngôi nhà Cao Lãnh bắt đầu vang tiếng, vừa thăm ông-tiên-nhạc-sư vừa mở ra buổi trình diễn đờn ca tài tử ngay phòng khách! Bộ ghế salon đơn giản nép một bên không thể chứa nổi mười mấy học trò lao nhao “thầy ơi, đờn cho con ca bài này”.

Khi thì thầy hòa đàn cùng NSƯT Hải Phượng. Khi thì thầy hòa đàn với nghệ sĩ Văn Hai. Khi thì cùng nhạc sĩ Hoài An. Khi thì cùng giảng viên Nhạc viện TP.HCM Nguyễn Thúy Uyển. Ông thầy lừng danh còn hòa đàn cùng với cả bác sĩ sản khoa Hoài Thư… hoặc đàn cho TS. Lê Hồng Phước (giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) hát bài vọng cổ, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát hát bản Lưu thủy trường. Toàn những học trò cưng mà tình thầy trò luôn quyện lẫn tình yêu âm nhạc dân tộc. Chứng kiến những giây phút xúc động ấy, chúng tôi – những người ngoại đạo tận mắt tận lòng cảm nhận để hiểu thêm vì sao ông thầy đờn nhỏ bé này lại lớn đến thế trong lòng người mộ điệu. 

Lại nghĩ, trong ngôi nhà nhỏ giản dị của nhạc sư Vĩnh Bảo ở Cao Lãnh, có gì quý nhất ngoài  tiếng đàn và không gian tràn ngập tình thầy trò mỗi lần có dịp tụ họp? Rồi tự mình trả lời cho chính mình: điều quý giá hơn cả, chính là vị chủ nhân - linh hồn của ngôi nhà. Trong dáng vẻ của một vị tiên ông tóc bạc uyên thâm, lịch lãm, lúc trò chuyện, lúc hòa đàn, ông quả đúng là bảo vật sống của đờn ca tài tử Nam Bộ mà mảnh đất sen hồng Đồng Tháp có hạnh phúc được chia sẻ chặng cuối cuộc đời ông... 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật