‘Yên Tử được UNESCO công nhận, người ta sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn’

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một chuyên gia nghiên cứu di sản văn hóa. Ông là người đã đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh làm hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên thế giới lần thứ nhất năm 1994. Chính ông cùng với đại diện tỉnh Quảng Ninh đã có mặt trong kỳ họp thứ 18 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Phuket, Thái Lan, để bảo vệ thành công bộ hồ sơ này.
‘Yên Tử được UNESCO công nhận, người ta sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn’
Vườn tháp Huệ Quang, tại Yên Tử.

Xem Video: Đặc sản núi rừng Yên Tử, Quảng Ninh 

//

GS.TS Trương Quốc Bình.

Mới đây, nhân dịp GS.TS Trương Quốc Bình đến dự hội thảo về nhận diện các giá trị nổi bật toàn cầu của Yên Tử do tỉnh Quảng Ninh chủ trì mới đây để trình UNESCO công nhận di sản thế giới, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông.

- Thưa GS.TS Trương Quốc Bình, từ kinh nghiệm làm hồ sơ cho Vịnh Hạ Long, theo ông đâu là những giá trị nổi bật nhất của di tích - danh thắng Yên Tử để chúng ta có thể lựa chọn trình UNESCO?

+ Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã vinh dự có dịp phối hợp với tỉnh Quảng Ninh làm hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên thế giới lần thứ nhất vào năm 1994 về giá trị thẩm mỹ và rồi lần thứ hai vào năm 2000 về giá trị địa chất địa mạo. Tôi cũng đã đồng hành với Huế, với Hội An, với Phong Nha - Kẻ Bàng trên hành trình các di sản này trở thành di sản thế giới.

Từ những kinh nghiệm đó, tôi thấy để một di sản văn hóa được công nhận, trở thành di sản thế giới phải đảm bảo những tiêu chí rất khắt khe. Những năm qua, đã có những ý kiến khác nhau của các chuyên gia trong nước và quốc tế về giá trị của khu di tích Yên Tử. Theo chúng tôi không nhất thiết phải đề xuất nhiều tiêu chí vì chỉ cần đáp ứng 1 trong 10 tiêu chí là có thể trở thành di sản thế giới. Mặt khác, khi đã xác định loại hình di sản văn hóa thì chỉ đề xuất việc xem xét các tiêu chí văn hóa mà không đề xuất những tiêu chí về tự nhiên như chỉ dành cho các di sản hỗn hợp giống như Tràng An.

Ngoài những giá trị lịch sử văn hóa đã được khẳng định, quần thể di tích Yên Tử còn có thế mạnh về cảnh quan sinh thái. Đây là vùng đại diện tiêu biểu của cảnh quan sinh thái trên địa bàn của cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang bởi ở đó tích hợp đầy đủ các yếu tố địa hình đặc trưng rừng núi, trung du, đồng bằng và biển. Sự đa dạng các yếu tố tự nhiên, tất yếu dẫn đến sự đa dạng văn hóa mà tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Thiền tông, phong tục tập quán, tục trò, tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền là những biểu hiện sinh động.

Khu vực này là nơi phát hiện ra những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng liền mạch, nhiều lớp văn hóa được tìm thấy của nhiều thời kỳ chồng lớp lên nhau theo thời gian, lớp dưới có niên đại cổ hơn lớp trên, là cơ sở hình thành và phát triển của những làng xã cổ truyền Việt Nam. Đây chính là cái nôi chứa đựng lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đậm đặc xuất hiện và tồn tại qua quá trình liên tục trong lịch sử, là cơ sở khoa học trong nghiên cứu sử học, văn hóa và nghiên cứu liên ngành.

Cần thừa nhận một thực tế khách quan là do những thay đổi của tự nhiên và lịch sử, những tác động của các cuộc chiến tranh, môi trường thiên nhiên và sự phát triển của đời sống xã hội, nhiều công trình kiến trúc, mộ táng vùng cư trú, sản xuất các di vật xưa bị biến dạng, chôn vùi, bồi lấp, phá hủy, bị đào phá. Tuy nhiên, những di tích, di chỉ, di vật nơi đã được Nhà nước quan tâm đặc biệt, công nhận di tích, tổ chức khai quật, tu bổ, tôn tạo, trưng bày các di vật ở bảo tàng và tiến hành các hội thảo, xuất bản sách, tuyên truyền nghiên cứu quảng bá du lịch đã góp phần khẳng định tính xác thực của các di sản văn hóa đa dạng và phong phú này.

- Vậy theo giáo sư, chúng ta cần tập trung vào những điểm nào khi đánh giá Yên Tử?

+ Dù cho khu vực Yên Tử có không ít giá trị không thể phủ nhận về tự nhiên với sự hiện diện của các yếu tố đặc trưng rừng núi, trung du, đồng bằng, biển nhưng hồ sơ này cần tập trung khai thác giá trị về văn hóa những giá trị tiêu biểu của quá trình tích tụ liên tục về thời gian đa dạng về loại hình, phân bố đậm đặc và mang biểu hiện sinh động của văn hóa Việt Nam. Hiếm có vùng nào lại có đầy đủ những mốc lịch sử nổi tiếng đánh dấu sự phát triển gắn với các giai đoạn của lịch sử dân tộc như các tỉnh Đông Bắc Việt Nam nói chung và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương nói riêng.

Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại địa bàn nghiên cứu quần thể di tích Yên Tử là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, thuyết phong thủy. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Phục dựng nghề làm nón truyền thống ở Yên Tử.

Rõ ràng, hệ thống di tích trong khu di sản dày đặc bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ quý hiếm, đặc biệt là những bản kinh văn và các bản sách quý hiếm chứa đựng những giá trị tinh thần tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt từ nhiều thế kỷ. Những giá trị tinh thần tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ đó luôn đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam được các thế hệ tiếp nối, kế thừa ngày một phát triển và đang được các thiền sư sau này truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, sự hiện diện của kho tàng di sản mộc bản đang được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm là những di sản văn hóa vô giá đã được cộng đồng thế giới vinh danh là di sản tư liệu thế giới. Trong số này, cuốn mộc bản “Thiền tông bản hạnh” được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.

- Theo giáo sư, những công việc cần kíp mà chúng ta phải làm ngay lúc này là gì?

+ Tôi kiến nghị thành lập bộ máy quản lý liên khu di tích quốc gia đặc biệt. Với Yên Tử, phải làm sao thành lập một Ban quản lý liên khu di tích của vùng đông bắc gồm 3 tỉnh lấy Yên Tử làm hạt nhân trung tâm. Có thể lấy tên là quần thể di tích Yên Tử vùng Đông Bắc Việt Nam. Chúng ta nên tập trung vào sự độc đáo sự tồn tại của các di tích có liên quan đến thiên nhiên có những giá trị về tôn giáo tín ngưỡng. Chúng ta cũng không quên những giá trị về cảnh quan, những giá trị phi vật thể. Tất cả tạo ra không gian văn hóa tôn vinh thêm chứ không làm mờ đi các giá trị còn lại của Yên Tử.

Du khách hành hương lên Yên Tử.

- Theo giáo sư, khi Yên Tử được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì sẽ có ý nghĩa như thế nào với phát triển du lịch?

+ Việt Nam chúng ta đã tham gia làm hồ sơ trình UNESCO từ 1987, hiện đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt ở Quảng Ninh chúng ta có Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận. Phải khẳng định rằng, Vịnh Hạ Long được công nhận di sản thiên nhiên thế giới đã tạo điều kiện để chúng ta quản lý Vịnh Hạ Long tốt hơn; các giá trị phát huy tốt hơn, tạo cơ sở để phát triển du lịch bền vững. Nói thật trước 1994, khi Vịnh Hạ Long chưa được UNESCO công nhận thì vấn đề môi trường chưa đặt ra, việc khai thác quản lý các hang động chưa được quan tâm nhiều. Từ 1994, khi Vịnh Hạ Long được công nhận thì kinh tế di sản ngày càng phát triển, kíc‌h thí‌ch việc phát triển du lịch. Khách du lịch quốc tế vào đông và du lịch nội địa cũng đông. Việc bảo vệ môi trường Vịnh ngày càng được quan tâm hơn. Các cảng than được di chuyển ra khỏi bờ Vịnh, công tác chống xả dầu thải ra biển, phân ly dầu thải được quản lý tốt hơn.

Còn giá trị đặc biệt nữa là khi di sản được UNESCO công nhận thì sẽ tôn vinh vị thế của quốc gia dân tộc trên trường quốc tế. Yên Tử được UNESCO công nhận, người ta sẽ biết đến Việt Nam biết đến Quảng Ninh nhiều hơn.

- Trân trọng cám ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật