Hà Tĩnh muốn sân bay quốc tế: Không hợp lý...

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hà Tĩnh nên đầu tư hệ thống hậu cần bài bản sau sản xuất, thay vì chạy theo dự án mà không biết có hiệu quả hay không
Hà Tĩnh muốn sân bay quốc tế: Không hợp lý...
Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch sân bay quốc tế. Ảnh minh họa

Xem Video: Duyệt quy hoạch sân bay Sa Pa

Cũng cho rằng, đề xuất quy hoạch cảng hàng không Hà Tĩnh với quy mô sân bay quốc tế cấp 4C có 2 đường băng dài hơn 1.800 m của UBND Hà Tĩnh là không phù hợp thực tế, GS.TS Đặng Đình Đào (ĐH.KTQD, Hà Nội) cảnh báo hiện tượng "cả làng làm sân bay".

Vị GS phân tích, nhiều năm trước đây đã có một phong trào xây dựng cảng biển, vì lý do này quy hoạch về cảng biển đã bị phá vỡ do địa phương nào cũng xin và cũng làm. Cuối cùng, có nhiều dự án cảng biển xin quy hoạch xong tới nay vẫn bị treo hoặc có thực hiện cũng không hiệu quả.

"Kịch bản này đang lặp lại với dự án sân bay. Rõ ràng đang có một cuộc chạy  đua xin dự án làm sân bay của các địa phương, từ Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng... cho tới Quảng Trị và bây giờ là Hà Tĩnh, địa phương nào cũng muốn có.

Hiện tượng trên có thể được lý giải là do các địa phương đang phải chịu sức ép về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tâm lý ai cũng sợ chịu trách nhiệm nên việc xin được dự án để giải được ngân càng nhanh sẽ càng tốt.

Tiếp theo, liên quan tới dự án là liên quan tới lợi ích, vì điều này nên cứ xin được dự án thì địa phương sẽ có tăng trưởng, có lợi ích đi sau. Dự án càng lớn, lợi ích càng nhiều, lợi ích ở đây không chỉ là lợi ích về tăng trưởng chung, điều này ai cũng biết.

Thực tế những suất đầu tư cao, dự án BOT đội vốn, kéo dài thời gian thu phí, mua sắm thiết bị y tế đội giá... đều là sự thật, những lĩnh vực đầu tư khác cũng rất khó tránh được thực trạng này.

Sân bay, cảng biển là những lĩnh vực đòi hỏi đầu tư rất lớn, nếu may mắn được chấp thuận, các khoản giải ngân sẽ ra tấm, ra món, như vậy, địa phương vừa đạt được mục tiêu có dự án, vừa đạt được tiến độ giải ngân, lại vừa có lợi nhuận, vậy thì tội gì không xin, không làm", GS Đặng Đình Đào chỉ rõ.

Tuy nhiên, đứng trong bối cảnh hiện nay, vị GS cảnh báo, kiểu làm quy hoạch chạy theo sức ép giải ngân công, làm quy hoạch theo kiểu chạy đua dự án, chạy theo lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương là rất tai hại.

Vì nếu làm sân bay có thể có dự án ngay, giải ngân được ngay nhưng hiệu quả kinh tế, hiệu quả về tài chính mà dự án mang lại hoàn toàn không khả thi.

Hà Tĩnh đã có hai sân bay gần bên cạnh là sân bay Đồng Hới và Vinh, khoảng cách không quá xa (từ Hà Tĩnh tới Vinh là 70km và từ Hà Tĩnh tới Đồng Hới khoảng 150km), trong khi trục giao thông kết nối giữa Hà Tĩnh với các tỉnh thành khác đều rất phát triển, di chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian (đường sắt, đường bộ) không cần thiết phải có thêm một sân bay nữa.

Hơn nữa, hầu hết các sân bay địa phương đều đang bị lỗ do nhu cầu đi lại không cao, thu nhập người dân còn thấp, nếu làm thêm một sân bay nữa thì nguy cơ lỗ là rất lớn.

"Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, môi trường đầu tư cũng như lòng tin của người dân đối với lĩnh vực đầu tư công.
 
Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực khác, vấn đề khác cần được quan tâm, đang bức xúc về nguồn vốn, cần phải được đầu tư bài bản mới có thể tạo bước đột phá trong phát triển của địa phương và các ngành.

Nếu không tính toán thận trọng việc đầu tư vừa không hiệu quả mà lãng phí rất lớn", vị chuyên gia cảnh báo.

Hà Tĩnh nên đầu tư thế nào?

Riêng Hà Tĩnh, vị chuyên gia cho rằng thay vì đầu tư làm sân bay, Hà Tĩnh nên tiên phong đi đầu cả nước trong việc đứng ra xây dựng một quy hoạch hệ thống hậu cần sản xuất làm gia tăng giá trị hàng hóa nông thành phẩm, thúc đẩy lưu thông cho Hà Tĩnh.

Cụ thể là đầu tư xây dựng phát triển một số khu công nghiệp bài bản, quy mô, hiện đại, trong đó sẽ hình thành nên các làng vận tải, làng hậu cần chuyên nghiệp.

Tiếp theo, trên các hành lang kinh tế của Hà Tĩnh, xây dựng các trung tâm logistics xanh, hiện đại, hình thành nên những bộ mặt văn minh giao thông, văn minh thương mại (bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm...), qua đó sẽ thu hút các nhà đầu tư, đầu tư vào Hà Tĩnh.

"Nếu làm được việc này, Hà Tĩnh chắc chắn sẽ trở thành một trong 63 tỉnh thành đi đầu về hệ thống hậu cần bài bản sau sản xuất gồm: phân phối, lưu thông, tiêu dùng... hàng hóa cho thật tốt.

Làm được việc này sẽ làm gia tăng giá trị hàng hóa của địa phương, gia tăng nguồn thu ngân sách, làm giàu cho địa phương. Tôi cho rằng, đầu tư như vậy mới là hướng đi đúng, thay vì chạy theo dự án làm xong mà không biết có hiệu quả hay không", GS Đặng Đình Đào gợi ý.

Từ câu chuyện của Hà Tĩnh, vị chuyên gia cho rằng việc giải ngân công cần phải gắn với mục tiêu, chiến lược, quy hoạch phát triển chung của cả nước.

Riêng với lĩnh vực giao thông, ông cho rằng, giải ngân công nên thiết kế theo quy hoạch tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm, trú trọng tới các dự án liên quan tới hậu cần, có tính kết nối, lan tỏa cao.

Cụ thể là quy hoạch logistics, phát triển các trung tâm logistics hiện đại một mặt hạn chế tai nạn giao thông, mặt khác gia tăng kết nối, khai thác triệt để lợi thế trên hành lang kinh tế Đông – Tây; tiến tới xây dựng một nền kinh tế xanh, hiện đại.

"Đáng ra việc này phải được làm tốt từ lâu rồi, tuy nhiên, tới nay các trung tâm logistics được coi là mô hình kinh doanh mới trong chiến lược khai thác các hành lang kinh tế nhưng suốt dọc hàng nghìn cây số đường quốc lộ và đường cao tốc không có một trung tâm logistics. Điều này dẫn tới tai nạn, xung đột giao thông, nảy sinh các điểm nghỉ cưỡng bức, quán ăn vỉa hè, giao thông nhếch nhác. Chưa hết, tình trạng đường tới đâu nhà dân mọc tới đó, mỗi lần mở đường là phải đền bù cho dân, rồi lại nảy sinh bức xúc, mâu thuẫn, lại kéo dài thời gian.

Đây là thời điểm rất tốt để các bộ, ngành bàn bạc với nhau đưa ra một bài toán đầu tư hiệu quả hơn, đầu tư nhiều hơn cho những khâu giúp mang lại giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất nhiều hơn thì mới tạo ra nguồn thu cao hơn cho nền kinh tế. Đầu tư là phải giúp cả người dân và cả xã hội đều có lợi, có như vậy, đầu tư mới hiệu quả", vị chuyên gia gợi ý.

Cũng liên quan tới hậu cần, vị chuyên gia đề cập tiếp tới tình trạng hạn hán tại các tỉnh miền Tây - Nam bộ thì phải có giải pháp cụ thể hơn để giúp người dân ổn định đời sống, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ, phải đầu tư xây dựng các bể chứa, tích nước hiện đại chứ không thể thụ động ngồi chờ vào nguồn nước tự nhiên, để tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng.

"Muốn làm được như vậy rõ ràng phải có tiền, mà theo tôi, việc đầu tư vào những dự án bê tông hóa hồ, bể chứa nước ngọt cho người dân vùng ĐB SCL là vô cùng cần thiết, phải được ưu tiên", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật