Tuyển sinh 2020: Mập mờ thông tin, thí sinh băn khoăn ngay cả khi… đỗ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện tượng không gửi hồ sơ vẫn có giấy báo trúng tuyển và hiện tượng cào bằng điểm sàn của hầu hết các khối ngành, khối trường đang khiến thí sinh băn khoăn thật sự.
Tuyển sinh 2020: Mập mờ thông tin, thí sinh băn khoăn ngay cả khi… đỗ
Minh bạch thông tin, hướng dẫn cụ thể là sự chỉ dần hết sức quan trọng để giúp thí sinh có lựa chọn chính xác nhất trong mùa tuyển sinh năm 2020. Ảnh: Khánh Huy

Chê điểm thấp rồi mới… mời nhập học

Cách đây khoảng nửa tháng, nhiều thí sinh ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP HCM nhận được nhiều tin nhắn đến từ trường ĐH Gia Định với nội dung chê thí sinh có điểm thi thấp, mời chào vào học trường ĐH Gia Định… Sau đó, trường ĐH Gia Định gửi tin nhắn xin lỗi với nội dung: “Hiện nay hệ thống SMS của ĐH Gia Định đang bị sự cố nghiêm trọng. Nhà trường rất xin lỗi nếu bạn bị làm phiền bởi các tin nhắn trong ít giờ qua”. Thực chất, cách gửi tin nhắn hàng loạt đang được rất nhiều trường áp dụng.

Tiếp đó, thông tin từ THPT An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết,có 191/259 học sinh lớp 12 trường này cùng nhận giấy báo trúng tuyển của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ông Lê Thanh Vân, Hiệu trưởng trường THPT An Thới, nói: “Đầu năm 2020, sau khi kết thúc học kỳ I, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đến trường THPT A Thới tư vấn tuyển sinh. Giấy báo trúng tuyển được gửi tới phụ huynh, học sinh từ cuối tháng 8. Tuy nhiên, nhiều học sinh tưởng có nhầm lẫn bởi các em cũng không nhớ mình có đăng ký xét tuyển vào trường hay không”.

Về phía ĐH Quốc tế Hồng Bàng, PGS. Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường xác nhận có sự việc nói trên. Tất cả thí sinh sau đó trúng tuyển vào trường theo phương thức xét học bạ. Ông Phong khẳng định, trường xét tuyển đúng quy chế, có đầy đủ phiếu đăng ký của các em.

Thực tế là đối với nhiều trường, việc sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh rất cần thiết, bởi đó là cách để có thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Với một số trường ngoài công lập, việc nhắn tin, gửi email, thông báo thí sinh trúng tuyển (dù thí sinh có nộp hồ sơ xét tuyển hay không) vẫn diễn ra thường xuyên. Và vấn đề này khó kiểm soát vì thiếu công cụ và các giải pháp kỹ thuật để quản lý. Trong trường hợp này, chính bản thân thí sinh khi được thông báo đỗ, trúng tuyển cũng băn khoăn không rõ mình xét tuyển khi nào, có nộp hồ sơ hay không?

Cào bằng điểm sàn, thí sinh rất dễ tưởng lầm

Hiện nay, các trường ĐH bắt đầu công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhưng có một thực tế dễ nhận thấy là cả trường hot, trường top cao, đến các trường top 2, cả những khối ngành điểm chuẩn rất cao như Y – dược, An ninh, Quân đội đều đang lấy mức điểm sàn tương đương nhau.

Năm 2019, điểm sàn nhóm ngành Y - dược và Sư phạm theo quy định của Bộ là từ 18 đến 21 điểm. Các trường cũng lấy luôn mức điểm này làm điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Trong khi đó, điểm trúng tuyển của trường ĐH Y Hà Nội cao nhất là 26,75 điểm, thấp nhất là 19, 9 điểm, cao hơn mức điểm sàn thấp nhất gần 2 điểm. Cùng năm, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào các trường CA như Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, ĐH Phòng cháy chữa cháy đều ở mức 17,75 điểm, riêng đối với nhóm ngành Y gửi đi đào tạo là 18 điểm.

Cào bằng mức điểm sàn, nhận hồ sơ xét tuyển như hiện nay còn ảnh hưởng tương đối nhiều đến nguồn tuyển, khi chính bản thân các trường top 2, cũng cùng mức điểm sàn như vậy, nhưng phải chờ điểm chuẩn của trường top 1, khi thí sinh cảm thấy khả năng đỗ không cao mới chuyển nguyện vọng. Các thí sinh khi nộp hồ sơ hay đăng ký xét tuyển cũng còn băn khoăn ranh giới có… đỗ hay không.

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Thí sinh nên so sánh kết quả thi của bản thân với điểm chuẩn của các năm gần đây, chú ý đến sự dịch chuyển phổ điểm của năm 2020, từ đó sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp theo hai tiêu chí: Mong muốn (sở thích nghề nghiệp của bản thân, uy tín của trường ĐH) và dự báo điểm chuẩn của ngành/chương trình đào tạo cụ thể.

Nếu kết quả thi không thực sự thuyết phục thì thí sinh nên có thêm những lựa chọn an toàn. Thực tế, nhiều ngành điểm chuẩn không quá cao nhưng sau khi tốt nghiệp, sinh viên lại có những nghề nghiệp thú vị và có cơ hội việc làm, có sự nghiệp tốt.

Rõ ràng là khi các trường có quyền tự chủ tuyển sinh, việc đa dạng phương thức xét tuyển, việc tự đảm bảo ngưỡng đầu vào là thuộc quyền hạn của từng trường. Nhưng minh bạch thông tin rất quan trọng. Ở góc độ thí sinh, bản thân các em không hoàn toàn rành rõ về điểm sàn, điểm chuẩn, càng không phải em nào cũng hiểu về tất cả các hình thức xét tuyển trong một trường, chứ chưa nói nhiều trường. Vì thế, minh bạch thông tin, hướng dẫn cụ thể là sự chỉ dần hết sức quan trọng để tránh việc rút nộp hồ sơ ồ ạt, hoặc đến ngay cả khi có tin đỗ, các em vẫn con băn khoăn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật