Ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là một trong những xu thế tất yếu giúp các công ty, doanh nghiệp tăng cường trao đổi thông tin tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm hiệu quả mà không bị giới hạn về không gian, thời gian, giảm chi phí sản xuất và chi phí giao dịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp
Ảnh minh họa

Xem Video: Ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp

Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển TMĐT trên địa bàn, ngày 7/9/2015, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định 2021/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Sở Công Thương là đơn vị đầu mối chủ trì thực hiện kế hoạch. Công tác tổ chức tuyên truyền được lồng ghép tại các hội nghị, hội thảo, phát hành Sổ tay, tờ gấp tuyên truyền về TMĐT và Chương trình TMĐT quốc gia để nâng cao nhận thức về TMĐT cho cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Truy cập website theo tên miền http://cskh.npc.com.vn khách hàng có thể tra cứu hóa đơn điện, đăng ký sử dụng điện. 

Công ty Điện lực Sơn La đã ứng dụng TMĐT vào quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, tăng cường giao dịch điện tử trên Internet, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Đồng chí Đỗ Đức Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La cho biết: Thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và cải cách của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, ngành điện đã có nhiều thay đổi trong việc triển khai các giao dịch điện tử, bắt đầu từ việc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy hay thông qua triển khai các dịch vụ công trực tuyến, khách hàng có thể đăng ký, gửi yêu cầu trực tuyến tới trang Web http://cskh.npc.com.vn; thực hiện thanh toán tiền điện, phí cấp điện mới và các dịch vụ khác trực tuyến trên Internet… rút ngắn được thời gian làm thủ tục. Hiện, Công ty đang đẩy mạnh thực hiện thanh toán điện tử, đa dạng hóa các kênh thanh toán tiền điện qua trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng, sử dụng Mobile banking để tự thanh toán, thanh toán trực tuyến qua Website chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, ví điện tử giúp khách hàng chủ động đối với hóa đơn về điện, tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro của khách hàng khi tham gia thanh toán bằng tiền mặt....

Còn đối với Công ty cổ phần Duy Khánh (Thành phố), là một trong những đơn vị được tỉnh hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử nhằm tăng cường quảng bá, tiếp thị và tiếp cận với khách hàng. So với phương pháp tiếp thị truyền thống, tiếp thị qua website có nhiều ưu điểm như, giúp công ty cập nhật thông tin nhanh chóng các sản phẩm, rút ngắn khoảng cách về địa lý, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau với chi phí quảng bá thấp, giảm chi phí sản xuất, nâng cao doanh số bán hàng hiệu quả. Ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Duy Khánh, cho biết: Việc ứng dụng TMĐT là một trong những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty đã tiến hành giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian và chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian. Hiện nay, Công ty đang đầu tư mở rộng 4 sản phẩm chủ lực về nông nghiệp là: Nho Ai Cập, Chanh leo và cao ngựa bạch, giống ngựa bạch, các sản phẩm này đã được quảng bá và đang được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, biết đến nhờ thông tin quảng bá sản phẩm trên website mà Công ty đã xây dựng.

Khách hàng tìm mua sản phẩm dâu tây Mộc Châu (Sơn La) qua một trang thương mại điện tử 

Website giới thiệu sản phẩm của Chimi Farm có địa chỉ tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Hiện nay, cơ bản các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng TMĐT, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối Internet, sử dụng các phần mềm trong sản xuất điều hành, như: Phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng website riêng và thành lập các trang mạng xã hội để thúc đẩy tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin qua Internet, tiếp cận với người tiêu dùng nhanh nhất, hiệu quả nhất, với chi phí thấp. Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh còn hạn chế, hầu hết đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có người chuyên trách về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT, cần đẩy mạnh việc xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để các công ty, doanh nghiệp, HTX… quảng bá, giới thiệu sản phẩm; giao thương, ký kết hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hoá trên môi trường điện tử đảm bảo đúng các quy định của Pháp Luật. Đồng thời, phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trên môi trường điện tử nhằm quản lý chặt chẽ các quy định về hàng hoá, thị trường, thuế... đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật