Đi gom vỏ trấu, nhặt phân gà mà người đàn ông Bắc Giang thành đại gia, lãi 70 triệu/tháng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gần chục năm nay, anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1985) ở thôn Hố Chúc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có hướng phát triển kinh tế rất khác người. Ngoài mang lại giá trị kinh tế cao, cách làm của Hưng còn góp sức bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động. Đó chính là mô hình khép kín thu mua vỏ trấu bán cho các trang trại chăn nuôi và thu mua lại phân chuồng từ các trang trại này cung cấp cho các nhà vườn.
Đi gom vỏ trấu, nhặt phân gà mà người đàn ông Bắc Giang thành đại gia, lãi 70 triệu/tháng
Nguyễn Văn Hưng và lô hàng mới nhập cung cấp cho các nhà vườn.

Xem Video: Khởi nghiệp từ vỏ trấu của anh Phạm Nguyên Lượng

//

Khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về mô hình kinh doanh trên của Nguyễn Văn Hưng, anh chối đây đẩy vì cho rằng "chuyện phân gio, ai lại mang lên báo". Hồi lâu thuyết phục, nể tôi là bạn cùng học nên Hưng đã đồng ý gặp gỡ và chia sẻ khá cởi mở về cuộc sống, công việc. Khi ngồi tiếp chuyện tôi, máy điện thoại anh reo liên tục từ khách hàng.

Vừa dứt điện thoại anh vội vàng phân bua: “Bạn thông cảm, từ Tết đến giờ tôi bận suốt, một phần vì các trang trại chăn nuôi thải ra lượng phân lớn, mình chậm thu mua vài hôm là người ta kêu trời, phần khác đang là thời điểm các nhà vườn ở Lục Ngạn, Lục Nam có nhu cầu phân bón lớn cho vải thiều, cam, nhãn nên cần hàng”. 

Tôi nói vui với Hưng rằng, kinh doanh phân chuồng nhưng lúc nào anh cũng mang dáng dấp của một doanh nhân bảnh bao, Hưng chỉ cười rồi bảo: “Nhìn vậy thôi nhưng cũng vất vả lắm, làm nghề này nhiều người ngại nên thuê nhân công rất khó và giá cao, lúc nhiều việc cả chủ và thợ đều nhảy vào... xúc phân. Xe tải thương hiệu Hưng Thuyết chẳng lúc nào ngơi lăn bánh trên đường để tìm kiếm đủ hàng cung cấp cho khách. Được cái làm nghề “độc” này mình thấy thoải mái vì hầu như không có đối thủ cạnh tranh”. 

Được cái làm nghề “độc” này mình thấy thoải mái vì hầu như không có đối thủ cạnh tranh”.

Nguyễn Văn Hưng

Hiện Nguyễn Văn Hưng đang có 4 xe tải chuyên vận chuyển vỏ trấu và phân chuồng, anh thuê gần 20 nhân công làm việc với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Nguồn vỏ trấu thu mua từ các nhà máy xay xát gạo trong và ngoài tỉnh, chất thải được thu mua từ các trại chăn nuôi gà, trâu, bò ở Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Ngoài cung cấp phân bón cho các nhà vườn trong tỉnh, một số nhà vườn trồng na ở Lạng Sơn, trồng nhãn ở Sơn La, trồng rau ở Hà Giang cũng là thị trường truyền thống lâu nay của gia đình Hưng. Cứ gom được xe phân nào, Hưng liền giao trực tiếp lên nhà vườn nên không phải lưu bến bãi và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

Nguyễn Văn Hưng dí dỏm nói: Vài năm trước tôi không những chẳng mất tiền mua phân mà còn được chủ trang trại chăn nuôi hỗ trợ tiền xăng dầu để mình chở phân đi cho họ, giờ thì phải mua, tất nhiên với giá cũng rất “mềm”. Anh tự tin bảo cứ nhắc đến cơ sở Hưng Thuyết hầu như các nhà vườn lớn ở Lục Nam, Lục Ngạn đều biết rõ. Hiện Hưng đang làm thủ tục ký hợp đồng cung cấp phân bón cho một chủ vườn cam rộng hàng chục ha tại khu vực hồ Suối Nứa (Lục Nam). 

Lần đầu tiếp xúc với Hưng, ít ai nghĩ rằng anh từng có thời gian bị vỡ nợ. Hưng kể: “Năm 2005, tôi nhập ngũ tại Trung đoàn 918 (sân bay Gia Lâm), sau khi xuất ngũ về quê có mở một nhà hàng nho nhỏ nhưng do mải chơi dẫn đến nợ gần 1 tỷ đồng”. Chiếc ô tô khách bố mẹ tích cóp dành dụm mua cho Hưng làm ăn cũng không còn giữ được. Thời gian bỏ vào Nam "lánh nạn" dường như đã thức tỉnh Hưng và anh quyết định trở về quê hương làm lại cơ nghiệp. 

Từ năm 2011, anh buôn gà đi khắp các chợ ở Quảng Ninh giao hàng nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Cũng nhờ buôn gà, Hưng biết được các trang trại nuôi gà cần một lượng vỏ trấu lớn để rắc vào chuồng trại, anh quyết định đầu tư một xe tải nhỏ rồi đi tìm các nhà máy xay xát trong và ngoài tỉnh thu gom vỏ trấu bán cho. Cũng trong quá trình làm công việc đó, anh nhận thấy một lượng phân chuồng lớn thải ra gây ô nhiễm môi trường, trong đầu Hưng lại tiếp tục nảy sinh ý tưởng sẽ thu gom số phân này bán cho các nhà vườn. Với cách làm khép kín trên, không những giúp Hưng nhanh chóng trả hết nợ mà còn tạo cơ hội cho anh vươn lên làm giàu. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình có lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Có thêm điều kiện, Nguyễn Văn Hưng lại tiếp tục đầu tư mở một nhà hàng mới tại Thủ đô Hà Nội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật