Những doanh nhân Mỹ khó tìm đường về Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng nghìn lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc không thể trở lại nước này do Covid-19 và căng thẳng song phương gia tăng.
Những doanh nhân Mỹ khó tìm đường về Trung Quốc
Một hành khách đi qua quầy thủ tục tại sân bay ở Frankfurt trước chuyến bay thuê bao của Lufthansa đến Thiên Tân, Trung Quốc, vào tháng 5. Ảnh: Reuters.

Rào cản đang khiến một số người từ bỏ hy vọng quay lại Trung Quốc và đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động của công ty.

Các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho biết tình trạng đóng băng đi lại do những lo ngại về y tế cộng đồng không chỉ tác động về mặt kinh doanh mà còn cả về địa chính trị. Khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc - vốn là vùng đệm trong căng thẳng giữa hai bên - có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng.

"Việc mất đi một bộ phận lớn cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc sẽ làm xói mòn thiện chí đó", Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải, cho biết. Ông bình luận thêm rằng Mỹ có thể "đánh mất ảnh hưởng và thiệt hại về mặt kinh tế nếu dấu ấn doanh nghiệp của họ ở Trung Quốc bị thu hẹp".

Đến giữa tháng 8, hơn 1.000 doanh nhân Mỹ làm việc Thượng Hải "mắc kẹt" ở nước ngoài. Hàng nghìn người Mỹ sống ở các khu vực khác của Trung Quốc cũng lâm vào cảnh ngộ tương tự.

Ngày 17/8, AmCham ở Trung Quốc cho biết họ xin được giấy phép sơ bộ của Bắc Kinh để đưa các doanh nhân Mỹ lên chuyến bay thuê từ San Francisco đến Thượng Hải, dự kiến khởi hành ngày 12/9, mặc dù họ còn cần đảm bảo một số thủ tục để chốt được lịch trình. Mỹ mất nhiều tuần để tổ chức chuyến bay đưa doanh nhân vào Trung Quốc, trong khi các quốc gia khác được phép triển khai các chuyến bay thuê vào Trung Quốc từ vài tháng trước.

Theo ước tính của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, tổng cộng khoảng 250.000 người nước ngoài làm việc tại Trung Quốc đang "mắc kẹt" bên ngoài nước này kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi - tổng sản phẩm quốc nội tăng 3,2% trong quý II sau đợt sụt giảm hiếm hoi trong quý đầu tiên, nhiều công ty nước ngoài cho biết tình trạng thiếu hụt nhân sự đang cản trở nỗ lực của họ để thực sự trở lại bình thường.

Một cuộc khảo sát vào tháng 7 của phòng thương mại EU tại Thượng Hải cho thấy 56% công ty có nhân sự chưa thể quay trở lại Trung Quốc; 40% trong số các công ty này cho biết thiếu hụt nhân sự gây tổn hại đến kết quả kinh doanh.

Covid-19 hoành hành mạnh ở Trung Quốc vào cuối tháng một, khi nhiều người nước ngoài sống ở nước này về quê nhà hoặc đi nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán. Khi đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng nên nhiều người đã chọn kéo dài thời gian ở bên ngoài Trung Quốc để lánh dịch. Tuy nhiên, họ đã không kịp trở tay khi Trung Quốc đóng biên vào ngày 28/3, chỉ thông báo quyết định trước hai ngày.

Trung Quốc chưa cho biết khi nào họ có thể nới lỏng hạn chế đi lại. Số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày ở Mỹ và nhiều nơi khác vẫn cao hơn rất nhiều so với ở Trung Quốc. Mỹ cấm công dân nước ngoài nhập cảnh nếu họ đã ở Trung Quốc, châu Âu và một số quốc gia cụ thể khác trong 14 ngày trước đó. Liên minh châu Âu bắt đầu nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với một số quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp vào tháng 6 và cho biết họ sẽ cho phép công dân Trung Quốc nhập cảnh, khi Bắc Kinh đáp lại bằng cách mở cửa trở lại cho người châu Âu.

Brian Tam, đến từ New Jersey, Mỹ, đã sống tại Thượng Hải lâu năm. Anh đang đi nghỉ ở châu Âu cùng bạn gái khi chính quyền Trung Quốc đóng biên. "Chúng tôi muốn trở lại Thượng Hải vì đó là nhà của chúng tôi", anh nói. "Nhưng giờ việc đó có vẻ không khả thi".

Tam, người điều hành một công ty tư vấn xây dựng thương hiệu tại Trung Quốc, mắc kẹt tại Lisbon từ tháng ba. Khi chi phí thuê căn hộ ở đó tăng cao, Tam đã từ bỏ căn hộ ở Thượng Hải, chịu mất gần hết đồ đạc. "Chúng tôi đang xem xét các phương án", anh nói "nhưng ít khả năng chúng tôi sẽ tiếp tục ở Trung Quốc".

Về mặt lý thuyết, người nước ngoài có thể quay trở lại trên các chuyến bay thuê hoặc trên một số lượng nhỏ chuyến bay thương mại vẫn hoạt động. Hàng trăm doanh nhân Mỹ đã trở lại được Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình này rất phức tạp và chỉ công ty lớn có đủ nguồn lực và mối quan hệ mới làm được.

Đầu tháng 8, Bắc Kinh đã nới lỏng quy định đối với người châu Âu muốn quay lại Trung Quốc, nhưng người Mỹ vẫn phải đối mặt với "mê cung" thủ tục, bao gồm xin thư mời từ chính quyền địa phương Trung Quốc, xin thị thực mới - bước trở nên phức tạp hơn vì lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston gần đây đóng cửa - và cuối cùng là tìm được chuyến bay.

Phillip Branham, điều hành công ty tư vấn kỹ thuật ở Thượng Hải, là một trong những người đã vượt qua được những quy định đó. Mắc kẹt tại nhà riêng ở Hawaii, Branham muốn trở lại Thượng Hải vào tháng 4. Anh xin được thư mời từ chính quyền địa phương bằng cách thuyết phục họ rằng anh cần ở Thượng Hải để giúp khách hàng Mỹ tiến hành các dự án nhà máy sẽ mang lại nguồn đầu tư đáng kể vào Trung Quốc.

"Vấn đề mấu chốt không phải là họ có thể làm gì cho bạn, mà là bạn có thể làm gì cho Trung Quốc", Branham nói. "Tôi biết nhiều người không thể hoàn tất được thủ tục".

Tìm một chỗ ngồi trên chuyến bay trở về Trung Quốc là công đoạn khó khăn nhất, Branham cho biết. Ngoài các doanh nhân nước ngoài, hơn 410.000 sinh viên Trung Quốc đã mắc kẹt ở Mỹ khi Trung Quốc đóng biên. Do đó, hầu hết chuyến bay từ Mỹ, bao gồm cả những chuyến bay thương mại do các hãng hàng không Mỹ vận hành, đều đầy ắp công dân Trung Quốc hồi hương.

Sau vài tuần quay cuồng với những lần mua và hủy vé tiêu tốn khoảng 15.000 USD, Branham cuối cùng có thể kiếm được một ghế trên chuyến bay của United Airlines từ San Francisco nhờ thẻ khách hàng thân thiết. Anh trở lại Thượng Hải vào tháng trước và hiện đã làm việc bình thường, sau hai tuần tự cách ly tại nhà.

Một phát ngôn viên của United Airlines cho biết một tuần họ có hai chuyến bay Mỹ - Trung và chúng thường trong tình trạng cháy vé. Họ hy vọng có thể tăng chuyến khi Trung Quốc cho phép.

Trong khi cộng đồng kinh doanh từ một số quốc gia đã tổ chức các chuyến bay thuê để đưa lãnh đạo doanh nghiệp trở lại Trung Quốc, AmCham Thượng Hải vẫn đang chật vật để đảm bảo chuyến bay thuê đầu tiên mà họ hy vọng sẽ thực hiện được trong tháng này.

"Chúng tôi đã làm việc với giới chức và nhận được sự ủng hộ cho ý tưởng này, nhưng chúng tôi phải đáp ứng một số tiêu chuẩn trước khi có thể đưa mọi người lên máy bay", Gibbs nói. "Chúng tôi cần ít nhất 120 hành khách có giấy tờ phù hợp và sẵn sàng chi khoảng 4.000 USD cho chiếc vé một chiều".

Gibbs cho biết khi mùa thu đang đến gần, nhiều gia đình Mỹ có khả năng rời Trung Quốc vĩnh viễn nếu họ không thể trở lại vào dịp khai giảng năm học mới vào tháng 9. Điều đó có thể có tác động lớn khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục công kích lẫn nhau về các vấn đề thương mại, công nghệ và ảnh hưởng toàn cầu.

"Thời gian vô cùng gấp rút", ông nói. "Chính quyền địa phương và người dân Trung Quốc luôn chỉ ra những mặt tích cực mà cộng đồng doanh nghiệp Mỹ mang đến Trung Quốc. Không ai muốn mất đi điều đó".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật