Vì sao thế giới vẫn bị động trước đại dịch?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù từng trải qua nhiều dịch bệnh và vẽ ra kịch bản về đại dịch X nghiêm trọng trong tương lai, thế giới vẫn hỗn loạn khi đối đầu Covid-19.
Vì sao thế giới vẫn bị động trước đại dịch?
Một bệnh nhân nhiễm SARS ở Quảng Châu, Trung Quốc, năm 2003. Ảnh: AFP.

Tụ họp ở trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ, một nhóm nhà khoa học tranh luận xem dịch bệnh đáng sợ nhất thế giới nào được chú ý nhiều nhất.

Ebola, kẻ giết người đáng sợ có thể rút cạn dịch c‌ơ th‌ể bệnh nhân, được liệt vào danh sách. Nipah, virus khiến não bị phù trước khi cướp đi tính mạng của hầu hết bệnh nhân, cũng nằm trong số này. Danh sách cũng không thể thiếu hội chứng suy hô hấp cấp SARS, khi virus gây bệnh xâm nhập vào phổi và khiến bệnh nhân khó thở.

Trước khi khép lại hai ngày họp hồi tháng 2/2018, nhóm chuyên gia thống nhất vị trí đáng sợ nhất thuộc về: Đại dịch X.

Đây là điều mà các nhà khoa học cảnh báo sẽ xuất hiện trong các thập kỷ tới: một mầm bệnh không có phương pháp điều trị có thể bắt nguồn từ động vật, truyền qua người và bắt đầu âm thầm lây lan nhanh.

Giới khoa học không thể dự đoán cấu tạo di truyền chính xác của mầm bệnh này cũng như khi nào nó sẽ tấn công con người. Nhưng họ biết nó sẽ đến. Một loạt đợt dịch bùng phát gần như không thể tránh kể từ cuối những năm 1990, cùng với công trình nghiên cứu khoa học ngày càng phức tạp, rõ ràng cho thấy một đại dịch lớn là không thể tránh khỏi.

Nhóm nhà khoa học cũng chỉ đích danh các điểm nóng, bao gồm phía nam Trung Quốc, có thể là nơi khởi phát của virus. Họ cũng có ý tưởng về việc nó sẽ bắt đầu nhiễm sang người như thế nào và truyền bệnh ra sao. Họ thậm chí còn lên kế hoạch làm thế nào để phát hiện và ngăn chặn.

Nhưng khi dịch X, hay Covid-19, thật sự xuất hiện, nhiều chính phủ, doanh nghiệp, quan chức y tế cộng đồng và người dân rơi vào cảnh hỗn loạn, khi phải chiến đấu với kẻ thù vô hình với rất ít nguồn lực, kiến thức, dù đã nhiều năm nghiên cứu virus X sẽ như thế nào và làm sao để giảm tác động của nó.

Nhiều chính phủ đã phớt lờ cảnh báo rõ ràng về đại dịch và thiếu kinh phí chuẩn bị cho đại dịch. Họ chỉ tìm cách xử lý các ổ dịch, thay vì xem dịch bệnh mới là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Họ cũng chưa bao giờ phát triển hệ thống kiểm soát dịch bệnh quốc tế mạnh mẽ, dù nhiều nhà khoa học nói rằng hoạt động đi lại và buôn bán sẽ làm lây nhiễm virus qua biên giới.

"dịch X" Covid-19 đã khiến hơn 752.000 người chết và hơn 21 triệu ca nhiễm. nCoV và cách phản ứng rối loạn đã tàn phá nhiều nền kinh tế, hủy hoại các gia đình và thay đổi cơ bản cuộc sống bình thường trên toàn thế giới.

Nhiều quan chức, chính phủ phạm sai lầm khi dịch tấn công nhiều nước trên thế giới hồi đầu năm nay. Hầu hết mọi người đều biết kết quả này có thể xảy ra nhưng không ai chuẩn bị.

"Họ nói rằng chúng ta cần chiến lược ứng "dịch X" và đặt cho nó cái tên rất kêu", Peter Daszak, nhà sinh thái học bệnh truyền nhiễm và người đi săn virus ở New York, từng có mặt trong cuộc họp của WHO năm 2018, cho hay. "Nhưng vấn đề là chúng ta chưa từng làm điều gì về nó".

Hai dịch bệnh gần đây, SARS năm 2002-03 và hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2012, đã cho thấy rõ ràng virus hình vương miện (corona) rất nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu gồm tiến sĩ Daszak đã tìm thấy bằng chứng về hàng trăm loại virus corona có thể tấn công con người, trong đó có loại rất giống với nCoV.

"SARS-CoV về cơ bản vẫn sống khỏe mạnh trong c‌ơ th‌ể loài dơi ở tỉnh Vân Nam", tiến sĩ Daszak gửi mail cho các quan chức ở WHO hồi năm 2015.

Họ tìm thấy bằng chứng sau nhiều năm nghiên cứu rằng người dân ở các ngôi làng phía nam Trung Quốc bị nhiễm virus corona. "Chúng thực sự đã lây bệnh cho con người", tiến sĩ Daszak cho biết ông đã nói về điều này tại cuộc họp của WHO năm 2018, thêm rằng hiện chưa có thuốc hay vaccine cho virus này và đó là "mối đe dọa hiện hữu".

Năm ngoái, một nhà khoa học Trung Quốc mà Daszak từng làm việc cùng đã công bố dự báo khoa học, trong đó nêu rõ "các đợt bùng phát do virus vương miện tương tự dịch MERS và SARS trong tương lai sẽ bắt nguồn từ loài dơi và khả năng điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc".

Ngân sách hàng năm mà viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thuộc viện Y tế Quốc gia, dành cho nghiên cứu về virus corona đã tăng kỷ lục sau dịch SARS và giảm dần trong các năm sau đó.

"Cộng đồng kinh tế và chính trị cho rằng mọi thứ đều có thể giải quyết được", Malik Peiris, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, người luôn tham gia tuyến đầu chống dịch suốt hai thập kỷ.

Con người ngày nay phải tiếp xúc với nhiều mầm bệnh chết người hơn bất kỳ lúc nào. Chúng có thể đến từ động vật, khi phát triển kinh tế, thương mại, du lịch toàn cầu, như sản xuất thịt và phá rừng, đẩy con người, vật nuôi và động vật hoang dã đến gần nhau hơn. Dân số thế giới đã tăng gấp 4 lần kể từ đại dịch cúm năm 1918.

Giới khoa học biết rằng các đợt bùng phát dịch ngày càng phố biến hơn, như năm 2010, số dịch có nguồn gốc từ động vật đã bùng phát gấp 6 lần so với năm 1980, theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu Đại học Brown, bang Rhode Island.

Tiến sĩ Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về mối liên hệ giữa con người, sức khỏe động vật và môi trường tại New York, cho biết 3/4 số bệnh truyền nhiễm mới ảnh hưởng tới con người từ năm 1960 đều có nguồn gốc động vật.

Về mặt nào đó, các nhà khoa học và lãnh đạo chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và thông minh hơn trước các mối đe dọa đại dịch so với 20 năm trước. Hàng tỷ đôla đã được chi cho công nghệ sản xuất thuốc và vaccine nhanh hơn, cũng như ngăn chặn đại dịch hoặc và đào tạo ứng phó với dịch. Tiến bộ về gene đã giúp xác định virus nhanh và theo dõi cách chúng phát triển.

Các chính phủ cũng đổ tiền vào theo dõi các dạng cúm mới mà nhiều lãnh đạo y tế cộng đồng từ lâu xem là nguy cơ lớn nhất gây ra đại dịch. Virus cúm thường xuyên lưu hành trong người và động vật, lây lan dễ dàng và có thể trộn lẫn hoặc biến đổi thành các dạng có thể gây chết người.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, gồm ngân sách, hệ thống cảnh báo sớm, vai trò của WHO và việc phối hợp với Trung Quốc.

Cách đây nửa thế kỷ, nhiều nhà khoa học cho rằng bệnh truyền nhiễm đáng sợ có thể đã là câu chuyện của quá khứ. Kháng sinh và vaccine đã dập tắt các đợt bùng phát bệnh bại liệt, sởi và nhiều dịch bệnh khác. bệnh đậu mùa cũng được xóa sổ vào năm 1980.

Nhưng thế hệ virus mới đã bắt đầu xuất hiện cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, như HIV và Ebola. Báo cáo năm 1992 của ủy ban thuộc viện Y học Mỹ cảnh báo bệnh truyền nhiễm có thể phát triển và đặt ra mối đe dọa cho toàn cầu.

Các nhà khoa học nổi tiếng, gồm chuyên gia về cúm Robert Webster tại bệnh viện Nghiênc cứu Trẻ em St. Jude ở Memphis, bang Tennessee, gióng hồi chuông cảnh báo rằng đại dịch như cúm năm 1918, khiến khoảng 50 triệu người chết, có thể xuất hiện lần nữa.

Webster, tiến sĩ người New Zealand 88 tuổi và được xem là chuyên gia giàu kinh nghiệm và ứng phó với đại dịch, từng nghiên cứu về các loại họ chim và thấy rằng virus có thể truyền từ động vật sang người, gây bệnh nghiêm trọng.

"Sẽ có một đại dịch cúm khác xảy ra không?", Webster hỏi tại cuộc họp của viện Y tế Quốc gia năm 1995. "Chắc chắn là nó sẽ xảy ra".

Trong các thập kỷ tiếp theo, hàng loạt đợt dịch bùng phát cho thấy kịch bản này có thể diễn ra như thế nào.

Tháng 5/1997, Lam Hoi-ka, cậu bé 3 tuổi người Hong Kong bị đau họng, đau dạ dày, ho và sốt. Một tuần sau, Hoi-ka nhập viện vì khó thở. Cậu bé sau đó bị viêm phổi kép, đông máu và suy thận. 5 ngày sau khi nhập viện, Hoi-ka qua đời.

"Tất cả chúng tôi đều nghĩ bệnh nhẹ thôi. Họ đưa con tôi tới phòng chăm sóc đặc biệt và thằng bé không bao giờ trở lại nữa", cha của Hoi-ka nói với SCMP.

Nguyên nhân cái chết của Hoi-ka khiến mọi người bất ngờ. Đó là chủng cúm có tên H5N1, thường gây bệnh ở chim và gia cầm, chưa từng được biết có thể lây sang người.

Điều này khiến kịch bản của tiến sĩ Webster về một đại dịch chết người lây từ động vật sang người trở nên rõ ràng hơn. Giới chuyên gia, gồm cả Webster, đặc biệt lo ngại về nguy cơ lây lan dịch ở miền nam Trung Quốc. Hai trong ba đại dịch cúm của thế kỷ 20 được cho có bắt đầu từ quốc gia châu Á này.

Ngay trước cái chết của Hoi-ka, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hong kong đã theo dõi đợt bùng phát cúm H5N1 ở gà nghi ngờ có nguồn gốc từ miền Trung Quốc, mà Webster mô tả đó là "Ebola ở gà".

Tháng 11 đến với các ca nhiễm mới, gồm một cô bé 13 tuổi, nhân viên ngân hàng 37 tuổi và nha sĩ 54 tuổi. Hai anh em họ sống cùng căn hộ bị nhiễm bệnh và người thứ 3 xuất hiện các triệu chứng bệnh, làm dấy lên nỗi lo virus đang lây lan giữa người với người.

"Điều tồi tệ đã xảy đến", tiến sĩ Peiris, nhà nghiên cứu ở Đại học Hong Kong, nói.

Webster đã bay tới Hong Kong và phát hiện 20% số gà mà đội ông kiểm tra mang virus. Chính quyền đã lập tức cử quan chức tới các khu chợ để tiêu hủy hơn một triệu con chim. Đợt bùng phát khiến 18 người nhiễm bệnh và 6 người t‌ử von‌g trước khi được kiểm soát. Đợt bùng phát cúm gia cầm năm 1997 hóa ra không lây nhiễm giữa người với người mà là do gà bị nhiễm bệnh.

Webster và nhiều người khác cảnh báo nó có thể hồi sinh hoặc biến đổi thành thứ gì đó dễ lây nhiễm hơn. Với tài trợ của Mỹ, ông thiết lập trung tâm giám sát cúm động vật ở Hong Kong. WHO, trước đó chưa từng có kế hoạch cho đại dịch, cũng bắt đầu biên soạn các phương thức ứng phó đối với đợt bùng phát quy mô lớn, bao gồm kế hoạch dự phòng vaccine.

Tuy nhiên, ngoài cộng đồng khoa học, rất ít người cho rằng đại dịch có nguy cơ xảy ra, theo Keiji Fukuda, nhà dịch tễ học người Mỹ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, người từng đến Hong Kong điều tra đợt bùng phát dịch.

Cuối năm 2002, căn bệnh viêm phổi bí ẩn gây chết người mới bắt đầu xé toạc các bệnh viện phía nam Trung Quốc. Tiến sĩ Webster và đồng nghiệp ở Hong Kong nghĩ rằng cúm gia cầm bùng phát trở lại. Triệu chứng khá tương đồng: bệnh nhân bị sốt cao, ho và khó thở khi virus tấn công phổi. Một số bị đau nhức cơ bắp, kiệt sức và tiêu chảy. Sức khỏe suy giảm nhanh chóng.

Căn bệnh mới có tên là SARS và nó đã đảo lộn suy nghĩ của thế giới về dịch bệnh. Nó được gây ra bởi loại virus mới có nguồn gốc động vật, nhưng không phải là virus cúm.

Đó là virus hình vương miện (corona), mầm bệnh từng được cho là không đáng bận tâm và thậm chí không xuất hiện trong Sách hướng dẫn về vi sinh lâm sàng vào thời điểm đó, theo Kwok-Yung Yuen, nhà vi sinh học và bác sĩ tại Đại học Hong Kong, người cùng với tiến sĩ Peiris xác định loại virus này.

Virus SARS dễ dàng lây lan hơn cúm năm 1997, chủ yếu qua giọt hơi nước bắn ra khi thở. Virus xuất hiện từ Trung Quốc, sau đó tới Hong Kong và tiếp tục lây lan tới Singapore, Canada, Việt Nam, Mỹ và Ireland. SARS đã cho thấy virus có thể dễ dàng lây lan khắp toàn cầu qua đường hàng không chỉ trong vài giờ, khiến dịch bệnh địa phương trở nên nguy hiểm hơn.

Trung Quốc khi đó vấp cáo buộc che giấu mức độ bùng phát của dịch và không chia sẻ mẫu sinh phẩm, khiến giới khoa học gặp khó khăn trong nghiên cứu virus mới.

Sau hàng loạt biện pháp kiểm dịch và cấm buôn bán động vật hoang dã, tới tháng 5/2003, số ca nhiễm SARS mới giảm dần. dịch bệnh này đã khiến 8.000 người trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó 10% t‌ử von‌g.

Nhân viên chuẩn bị tiêu hủy gà trong đợt dịch cúm gia cầm ở Hong Kong năm 1997. Ảnh: AFP.

Sau SARS, Trung Quốc cũng mở rộng đào tạo về dịch tễ học và tăng ngân sách cho các phòng thí nghiệm. Nó cũng bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn về y tế cộng đồng với Mỹ.

Tuy nhiên, tháng 8/2003, các biện pháp kiểm soát buôn bán động vật hoang dã được Trung Quốc nới lỏng, do áp lực từ giới kinh doanh. Nhiều nhà bảo tồn cho biết các biện pháp còn lại được duy trì lỏng lẻo và nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn.

Sau đợt dịch SARS, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã đầu tư nhiều hơn vào y tế cộng đồng, nhằm đối phó với nguy cơ về đại dịch trong tương lai. Tuy nhiên, ngân sách cho kế hoạch này giảm dần trong những năm sau đó. Ví dụ tại Mỹ, năm 2004, ngân sách cho nghiên cứu về virus corona là 104,7 triệu USD, nhưng đã giảm xuống 14,9 triệu USD vào năm 2010. Sau đó dịch MERS bùng phát và tới năm 2019, ngân sách này tăng lên 27,7 triệu USD.

Các nhà khoa học cũng đạt được một số tiến bộ về nghiên cứu vaccine chống dịch sau đợt bùng phát SARS. Tuy nhiên, tiến sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, cho biết một loại vaccine tiềm năng đã không vượt qua giai đoạn thử nghiệm sớm, bởi không công ty dược phẩm nào sẵn sàng tiếp nhận. Vaccine cho đại dịch là ngành "kinh doanh rủi ro", bởi nhu cầu không thường xuyên và dịch bệnh thậm chí có thể kết thúc trước khi các nhà khoa học hoàn thành thử nghiệm.

6,1 tỷ USD mà quốc hội Mỹ thông qua cho kế hoạch ứng phó đại dịch của George W. Bush chủ yếu được sử dụng để sản xuất và dự trữ thuốc, vaccine cúm và đào tạo nhân viên y tế cộng đồng. Tuy nhiên, số tiền này không được gia hạn.

"Thực tế là rất khó để bất kỳ lãnh đạo nào duy trì tập trung vào các sự kiện có khả năng xảy ra thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế", Rajeev Venkayya, trợ lý đặc biệt về phòng thủ sinh học của tổng thống Bush, cho hay.

Trong nhiều năm sau đó, chính phủ Mỹ cùng nhiều nơi khác liên tục phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát virus trên toàn cầu. Mỗi lần như vậy, họ lại nhận ra kế hoạch chuẩn bị ứng phó với đại dịch chưa bao giờ đủ để đáp ứng yêu cầu. Và đại dịch Covid-19 hiện nay một lần nữa chứng minh nhận định này, khi các nước loay hoay tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật