‘30 chưa phải là hết’: Cạm bẫy ở Thượng Hải

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ba nữ chính phim “30 chưa phải là hết“ nguội lạnh khát khao sau khi trải qua nhiều sóng gió, cạm bẫy ở Thượng Hải.
‘30 chưa phải là hết’: Cạm bẫy ở Thượng Hải
Ảnh minh họa

* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Tác phẩm gây sốt của đạo diễn Trương Hiểu Ba chiếu được 35 trên 43 tập. Ở các diễn đàn, khán giả bàn luận, tranh cãi tình huống và đoán kết cục phim. Đa số cho rằng cuộc đời ba cô gái tròn 30 tuổi ở Thượng Hải phản ánh những phận người chật vật mưu sinh, bối rối trước những ngã rẽ, mệt mỏi vì hôn nhân phai nhạt và vỡ mộng bởi thực tế khắc nghiệt.

Trên Sohu, Weibo, nhiều bài viết nhận định sóng gió cuộc đời Cố Giai (Đồng Dao đóng), Vương Mạn Ni (Giang Sơ Ảnh), Chung Hiểu Cần (Mao Hiểu Đồng) là do tính cách của họ có vấn đề. Trên Naver, nhiều khán giả Hàn cũng "cuồng" tác phẩm Trung Quốc, ví "thực tế cuộc sống như những cơn bão lớn nhấn chìm con thuyền mơ ước thuở thanh xuân".

Cố Giai đại diện lớp phụ nữ đã kết hôn, sinh con. Cô mơ ước công ty pháo hoa của hai vợ chồng thành công, ký nhiều hợp đồng giá trị, con trai được học trường danh giá. Để bước chân vào giới thượng lưu, cô bàn với Hứa Huyễn Sơn (Lý Trạch Phong) vay ngân hàng, chuyển đến sống ở chung cư hạng sang. Cô chịu nhịn nhục làm quen quý bà tầng trên, nhờ vả bà ta đưa con vào trường điểm. Từ đây, cô được gia nhập hội phu nhân hợm hĩnh.

Chi tiết Cố Giai chạy vạy, gom thẻ tín dụng mua chiếc túi Hermes Kelly phiên bản giới hạn - đắt bằng một chiếc xe hơi giá rẻ - gây tranh cãi. Ngoài lý do muốn các phu nhân không khinh thường khi đứng chung, cô xem đây là bàn đạp thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, cô lại bị chính các quý bà gài bẫy mua đồi trà sắp phá sản.

Bản tính tự lập, cầu toàn giúp cô trở thành chỗ dựa cho bạn đời, nhưng cũng vô tình tước đi bản lĩnh đàn ông, khiến chồng luôn tự ti. Ở tập 33, lúc chồng mải âu yếm ngư‌ời tìn‌h, cô phải ngược xuôi giải quyết công việc. Biên kịch phơi bày nhiều góc khuất khiến người xem thấy xót xa cho Cố Giai: ở nhà cô phải tự sửa điện và nội thất hỏng, trong khi Hứa Huyễn Sơn hạnh phúc đóng bàn ghế cho tình trẻ; anh ta chì chiết vợ vì làm thất thoát tiền, còn mình thì vung tay nộp tiền thuê nhà trước một năm cho ngư‌ời tìn‌h.

Qua câu chuyện của Cố Giai, nhiều khán giả cho rằng phụ nữ đừng quá mạnh mẽ, đôi lúc hãy tỏ ra mình yếu đuối để người đàn ông cảm thấy mình hữu dụng.

Chung Hiểu Cần điển hình cho những cô gái kết hôn, chưa sinh con. Khác với Cố Giai, Hiểu Cần sống an phận, không có ước mơ, đến tuổi thì xem mắt, kết hôn, vẫn vui vẻ dù lương ba cọc ba đồng. Suốt ba năm sống bên Trần Dữ (Dương Lặc), cô vô lo, vô nghĩ, chuyển hết tiền lương cho chồng vì lười tính toán, mọi khó khăn đều có chồng và bố mẹ ruột giải quyết.

Trong đoạn tự sự đầu phim, cô nói: "Nếu bắt buộc phải mô tả cuộc sống của tôi và Trần Dữ thì: tôi nuôi mèo, anh ấy nuôi cá". Hai người ai làm việc nấy, không có điểm chung và quá mức tẻ nhạt. Sau sảy thai, cả hai cãi vã rồi ly hôn khi cô tròn 30 tuổi. Hiểu Cần nhanh chóng đến với chàng trai thua 6 tuổi, hẹn hò nhiệt tình như thuở đôi mươi. Tuy nhiên, ở bên tình trẻ lông bông, cô lưu luyến chồng cũ, nhìn rõ sai lầm và nhận ra bản chất của hôn nhân là phải chia sẻ. Cô không hỏi, Trần Dữ không nói, vô tình khiến vợ chồng xa nhau.

Ở tập 33, trong lúc bị kẻ xấu đưa đến nơi hoang vắng giữa khuya, cô khóc không ngừng gọi điện cho chồng cũ như một thói quen, cho thấy tính ỷ lại đã ăn sâu vào tiềm thức. Đa số khán giả nhận định Hiểu Cần thiếu chín chắn, có phần ấu trĩ, nhưng học được cách trưởng thành sau biến cố. Nhiều người đoán vợ chồng cô gương vỡ lại lành.

Vương Mạn Ni đại diện cho những cô gái độc thân. Đến Thượng Hải với mơ ước đổi đời, cô hứa với bố mẹ sẽ về quê, nghe theo sự sắp đặt của họ nếu không mua được nhà, lấy chồng giàu trước sinh nhật thứ 30.

Suốt tám năm làm nhân viên cho thương hiệu xa xỉ, cô quen cảnh cúi xuống đi giày, chỉnh áo quần cho khách. Dù chỉ về nhà vào nửa khuya, cô vẫn thuê căn hộ giá cao với tầm nhìn đẹp. Cô xem đây là cách hưởng thụ sau cả ngày đầu tắt mặt tối, đồng thời tiếp thêm động lực bám trụ ở thành phố lớn. Thế nhưng sau cuộc tình chóng vánh với đại gia, Mạn Ni đánh mất khát khao thuở đầu, bỏ về quê. Trước đó cô chưa từng nghĩ viễn cảnh bị lừa tình, đánh ghen, mất việc và phải lột đồ trả ngư‌ời tìn‌h giữa nhà hàng...

Ba tập mới nhất, biên kịch khai thác kỹ tâm lý của Mạn Ni sau biến cố. Cô lạc lõng tại quê hương, cho rằng sự quan tâm và lời chào của mọi người là phiền toái. Cô không hài lòng với chàng trai bố mẹ mai mối, dù anh này học thức cao, nhân cách tốt. Lòng Mạn Ni hướng về Thượng Hải, hoài niệm những ngày sống lặng lẽ, không ai quan tâm vì có khoảng trời riêng.

Trên Weibo, nhiều khán giả cho rằng bi kịch của Mạn Ni là hệ quả tất yếu của những cô gái thực dụng, mơ mộng viển vông. Trước đó nhiều năm, cô bỏ người yêu vì anh nghèo.

Đa số người xem nhận định phim tạo dấu ấn so với mặt bằng chung phim truyền hình vài năm nay, biên kịch Trương Anh Cơ không tô hồng cuộc sống mà tập trung khai thác những câu chuyện sát với thực tế. Trên Sina, biên kịch cho biết các nhân vật của cô tính cách không hoàn hảo, có thể gặp bất cứ đâu trong xã hội Trung Quốc hiện đại.

Loạt tình huống phân hóa giàu nghèo, người xa cách nhau cũng điển hình ở những thành phố lớn. Đối lập với các tòa nhà chọc trời là những chung cư xập xệ, tương phản với cảnh các quý bà khoe túi Hermes đắt nhất thế giới là hình ảnh gia đình ba người bán bánh chiên kiếm đồng bạc lẻ.

Trên Weibo, một khán giả nhận nhiều đồng tình với lời tự sự: "Ở Thượng Hải, ai biết nhà nấy, lời thăm hỏi nhau đôi khi cũng trở nên xa xỉ, khác hẳn sự nhiệt tình, ấm áp của người dân quê Mạn Ni".  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật