Miền Bắc mưa dông, chấm dứt nắng nóng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mưa dông trên diện rộng sẽ xuất hiện ở Bắc Bộ trong 3 ngày tới. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Miền Bắc mưa dông, chấm dứt nắng nóng
Miền núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài trong 3 ngày tới và lũ trên các sông đang lên. Ảnh: Mỹ Hà.

Sau nhiều ngày nắng nóng, hôm nay (20/7), các tỉnh miền Bắc bước sẽ vào đợt mưa dông diện rộng. Riêng Tây Bắc và Việt Bắc có mưa lớn với lượng phổ biến 50-100 mm/ngày, có nơi trên 150 mm.

Mưa lớn đã bắt đầu xuất hiện từ đêm qua tại một số khu vực như Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Kạn. Chỉ trong 6 giờ, lượng mưa ghi nhận ở một số địa phương đã ở mức 60-110 mm.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lý giải nguyên nhân gây mưa đợt này này là vùng hội tụ gió trên cao đang hoạt động trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Mưa có thể kéo dài trong 2-3 ngày tới, thời gian tập trung vào đêm và sáng sớm.

Người dân tại các tỉnh miền núi cần đề phòng những hiện tượng cực đoan đi kèm theo mưa như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa lớn liên tục trong thời gian ngắn khiến khu vực này cũng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang,...

Tại Hà Nội, thời tiết chủ đạo trong 3 ngày đầu tuần cũng là mưa dông. Nền nhiệt khu vực duy trì 27-34 độ C, nắng nóng chấm dứt.

Cơ quan khí tượng cảnh báo trong các ngày 20-22/7, khu vực thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên 2-4 m. Đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao, sông Chảy và các sông suối nhỏ có khả năng đạt báo động 1.

Trước nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Đơn vị chức năng phải sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật