Theo Bloomberg, Thái Lan đã tìm ra cách giúp các con đường cao tốc nguy hiểm tại nước này trở nên an toàn hơn với cao su. Đây cũng là một cách để hỗ trợ nền kinh tế trong khoảng thời gian này.
Thái Lan là nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Nhưng nhu cầu của các nhà sản xuất ôtô toàn cầu sụt giảm khiến giá cao su lao dốc. Hàng triệu người trồng cao su tại nước này lao đao vì tiêu thụ lốp và phụ tùng xe hơi yếu ớt.
Chính phủ, nông dân và các doanh nhân Thái Lan đã thử nhiều cách để phục hồi nhu cầu. Một trong số đó là mang cao su đến đường cao tốc.
Theo đó, 1 triệu tấn cao su sẽ được sử dụng cho 12.282 km hàng rào bảo vệ và 1 triệu cột chỉ đường. Kế hoạch trị giá 2,8 tỷ USD này không chỉ giúp tiêu thụ 25% vụ thu hoạch cao su hàng năm mà còn có thể cứu sống nhiều người.
"Độ đàn hồi của cao su có thể giúp giảm bớt va chạm đến mức tránh được các chấn thương gây tử vong", Bloomberg dẫn lời ông Anat Hasap, Giám đốc viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Thái Lan, giải thích.
Thử nghiệm cho thấy hàng rào bảo vệ được phủ một lớp cao su dày có thể làm giảm ảnh hưởng của các vụ tai nạn đến 80% đối với những phương tiện di chuyển với tốc độ 90-100 km/h.
Thái Lan có tỷ lệ tử vong do giao thông trên đầu người cao nhất châu Á và đứng thứ 9 trên thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Ước tính 22.500 người chết mỗi năm vì tai nạn giao thông.
Kế hoạch hiện tại được áp dụng với khoảng 1% mạng lưới đường bộ Thái Lan. Các cột chỉ đường sẽ được làm từ mủ cao su dẻo thay vì bê tông và những vật liệu cứng khác. Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải, việc thay đổi chất liệu của cột chỉ đường có thể giúp giảm tử vong do tai nạn xe máy.
Thái Lan sản xuất 1/3 cao su thiên nhiên trên toàn thế giới, theo sau là Malaysia và Indonesia. Cao su được sản xuất chủ yếu tại các trang trại nhỏ. Nông dân thường khai thác ngay cả vào thời điểm giá thấp để kiếm thêm thu nhập.