Đại dịch COVID-19 ngày 25/5: Ông Tập Cận Bình ra lệnh đại tu y tế Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cập nhật đại dịch COVID-19 ngày 25/5: Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh “đại tu“ hệ thống y tế, trong khi ở Nga, thủ đô Matxcơva và tỉnh Matxcơva vừa qua đỉnh dịch.
Đại dịch COVID-19 ngày 25/5: Ông Tập Cận Bình ra lệnh đại tu y tế Trung Quốc
Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp với nhóm đại biểu quốc hội từ tỉnh Hồ Bắc. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trung Quốc "đại tu" hệ thống y tế 

Trong cuộc họp với nhóm đại biểu quốc hội từ tỉnh Hồ Bắc - địa phương chịu nặng nề nhất vì dịch COVID-19, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi đại tu hệ thống y tế công cộng của Trung Quốc.

"Việc giải quyết và ngăn chặn dịch bệnh cũng như các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng khác là vấn đề an ninh quốc gia của Trung Quốc. Cần các nỗ lực mang tính hệ thống để cải thiện các thiếu sót ở vấn đề theo dõi dịch bệnh hay hệ thống cảnh báo", ông Tập nhấn mạnh.

Bài phát biểu của ông Tập không nêu rõ các biện pháp cụ thể, nhưng kêu gọi tăng cường hệ thống phòng chống dịch bệnh với nền tảng vững chắc, đồng thời đẩy mạnh vai trò của các cơ sở y tế cấp thấp cũng như trung tâm y tế địa phương.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập một cơ chế chế kích hoạt đa điểm thông minh để cải thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm dịch bệnh. Ông cũng muốn cải thiện các điều kiện cơ bản trong hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Tuyên bố này được ông Tập đưa ra không lâu sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận, dịch bệnh COVID-19 làm lộ các liên kết yếu trong hệ thống y tế của nước này.

"Chúng ta phải cố gắng cải thiện công việc, thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả và làm hết sức mình để đáp ứng mong mỏi của người dân", ông Lý nhấn mạnh khi trình bày báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội Trung Quốc Khóa XIII hôm 22/5.

Thủ tướng Trung Quốc cùng với đó cam kết sẽ tiếp tục tuân theo nguyên tắc "sinh mạng con người là quan trọng nhất" và củng cố hệ thống y tế công cộng.

Anh mở cửa trường học trở lại 

Chính phủ Anh dự định sẽ mở cửa trở lại trường học từ 1/6, nhưng chỉ với nhóm các học sinh lớp 1 và lớp 6. 

"Tôi thừa nhận việc mở cửa trở lại trường học vào ngày 1/6 là không thể đối với tất cả các trường, nhưng chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ và làm việc với ngành giáo dục để bất cứ trường học nào có thể mở cửa trở lại càng sớm càng tốt", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong cuộc họp tại Phố Downing hôm 24/5. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Reuters)

Tới 15/6, học sinh 10 tuổi và 12 tuổi sẽ được trở lại trường học để chuẩn bị cho kỳ thi vào năm tới. Kế đó sẽ là nhóm sinh viên đại học.

"Tôi tin rằng chúng ta đang chuyển sang giai đoạn 2 trong kế hoạch. Là một phần của giai đoạn 2, chúng tôi đặt ra kế hoạch mở lại các trường học theo giai đoạn vì việc giáo dục con trẻ là hết sức quan trọng với hạnh phúc, sức khỏe, tương lai lâu dài của chúng cũng như sự công bằng của xã hội", ông Johnson nhấn mạnh. 

Tuyên bố này của ông Johnson vấp phải các ý kiến trái chiều từ dư luận Anh. 

Lãnh đạo các nhà trường và các công đoàn nói rằng họ vui khi hay tin trường học sẽ được mở cửa trở lại vào 1/6 và đồng ý rằng là không thực tế nếu mở cửa trở lại tất cả các trường học. 

Trong khi đó, 27 hội đồng ở Anh cho biết họ phản đối hoặc kêu gọi thận trọng về việc mở cửa trở lại trường học.

Nhiều giáo viên và phụ huynh bày tỏ lo ngại khi để con em mình trở lại trường học trong bối cảnh nước Anh vẫn đang trong giai đoạn giữa cuối cấp độ 4 và đầu cấp độ 3 về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19. 

Bất chấp tuyên bố của ông Johnson, một số địa phương ở Anh với thẩm quyển quản lý cấp tiểu học cho biết họ sẽ không mở cửa trở lại trường học cho tới ít nhất là 15/6 khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại. 

Tính tới nay Anh ghi nhận 259.559 ca mắc COVID-19 và 36.793 người chết. 

Khu vực nào ở Nga qua đỉnh dịch?

Chuyên gia Trung tâm nghiên cứu kinh tế Agasi Tavadyan cho biết tới nay mới chỉ có thủ đô Matxcơva và tỉnh Matxcơva là 2 địa phương ở Nga vượt qua đỉnh dịch COVID-19. Các địa phương còn lại sẽ phải chờ thêm 1 hoặc 2 tuần tới để đạt tới giai đoạn này. 

Theo ông Tavadyan, nguyên nhân của việc này là do Matxcơva từ cuối tháng 4 đã tăng mạnh số ca xét nghiệm COVID-19, giúp cách ly các ca bệnh và giảm tốc độ lây nhiễm. 

Mới chỉ thủ đô Matxcơva và tỉnh Moskva qua đỉnh dịch. (Ảnh: AA)

Vị chuyên gia Nga cũng nhấn mạnh không nên hy vọng rằng virus sẽ biến mất, mà nó có thể yếu đi và trở nên phổ biến đối với tất cả mọi người.

Trên thực tế thủ đô Matxcơva vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về dịch ở Nga với 113.299 trong tổng số 344.481 ca bệnh đươc ghi nhận tại quốc gia này. 

Giám đốc Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga Anna Popova hôm 24/5 cho biết, 44 trong tổng số 85 chủ thể của Nga đã có cơ sở để chuyển sang giai đoạn đầu gỡ bỏ các hạn chế cách ly được áp dụng để chống dịch. 

Bà Popova nói thêm rằng, mặc dù tình hình dịch phức tạp nhưng hệ thống y tế ở Nga vẫn đang đối phó được với dịch bệnh và may mắn không “dự báo khủng khiếp” nào thành hiện thực. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật