Tác động từ cuộc chạy đua AI Mỹ - Trung

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trí tuệ nhân tạo đang trở thành trọng tâm đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, buộc nhiều nước phải đánh giá lại hạng mục đầu tư cho công nghệ.
Tác động từ cuộc chạy đua AI Mỹ - Trung
Biển hiệu AI bên ngoài sự kiện Huawei Connect tại Thượng Hải hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

"Chúng ta đang chứng kiến cuộc đua công nghệ trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường xấu đi. Họ có nền kinh tế tương đương và tận dụng chúng làm nền tảng triển khai quyền lực, sức ảnh hưởng khắp thế giới. Trí tuệ nhân tạo (AI) là trọng tâm trong cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung", John Sawers, Cựu giám đốc Cục Tình báo Mật (MI6) của Anh, nói trong hội thảo Tortoise Global AI Summit hồi tuần trước.

Cạnh tranh ảnh hưởng chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực công nghệ, nhưng giới chuyên gia nhất trí rằng AI đang trở thành trọng điểm vì vai trò then chốt của chúng trong hàng chục năm tới. Điều này không chỉ đặt Washington và Bắc Kinh vào một cuộc chạy đua, mà còn buộc nhiều nước đánh giá lại vị trí của họ trong cuộc đối đầu này.

"Tôi nghĩ Trung Quốc và Mỹ đang đặt AI vào trung tâm cuộc đối đầu kéo dài. Nó vốn là chạy đua kinh tế để trở thành lãnh đạo thế giới, trong đó công nghệ chỉ là một yếu tố kèm theo", Sana Khareghani, Giám đốc Văn phòng AI của chính phủ Anh, nêu quan điểm.

Quan điểm chung hiện nay là các công ty tư nhân Mỹ đang đầu tư mạnh vào AI, trong khi những tiến bộ công nghệ tại Trung Quốc lại được thúc đẩy nhờ chính sách nhà nước.

Nigel Toon, Giám đốc điều hành công ty Graphcore, cho rằng, chính phủ Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn so với Mỹ trong nỗ lực phát triển AI. Phần lớn chương trình AI tại Trung Quốc đang được điều hành bởi các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Alibaba và Huawei.

"Họ có chung động lực như Google và Facebook, đó là duy trì lợi thế cạnh tranh. Những ’người khổng lồ’ này có vẻ bất khả chiến bại, nhưng họ luôn lo ngại bị đối thủ qua mặt nhờ các loại AI vượt trội", Toon nói.

"Nếu nhìn từ quan điểm của các tập đoàn công nghệ, AI là vấn đề sống còn. Nếu ai đó phát triển AI nhanh và hiện đại hơn Google, đó sẽ là điều Google lo sợ. Đó là lý do họ đầu tư nhiều nguồn lực vào lĩnh vực này. Đó là nguyên nhân Google mua DeepMind, vì chúng mang tính chất sống còn với các tập đoàn. Điều tương tự cũng áp dụng với Alibaba và Tencent", ông nói thêm.

Khác biệt chủ yếu là chính phủ Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn hơn Mỹ. Chính sách, văn hóa và quan điểm bảo mật dữ liệu cũng mang lại lợi thế nhất định cho Bắc Kinh.

"Họ không đặt giới hạn về thu thập và sử dụng thông tin. Ở phương Tây, chúng ta tự hào về quyền riêng tư cá nhân trong một xã hội tự do. Trung Quốc đã thiết lập mạng lưới giám sát rộng rãi ở các thành phố lớn. Điều này có ích cho Bắc Kinh vì AI dựa rất nhiều vào lượng lớn dữ liệu, cũng như khả năng phân tích và sử dụng dữ liệu đó", Sawers nêu quan điểm.

Cuộc đua này dẫn tới câu hỏi về vai trò của châu Âu trong bức tranh tổng thể. Liên minh châu Âu (EU) cũng coi phát triển AI là ưu tiên chính trị và kinh tế. Khu vực này đã đầu tư lượng lớn ngân sách cho nghiên cứu và khởi nghiệp, những cũng muốn xây dựng hình ảnh riêng bằng cách tiếp cận khác với Mỹ và Trung Quốc.

Khareghani nói rằng các thống kê đầu tư cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang đánh giá thấp năng lực của châu Âu. "Washington và Bắc Kinh đang dẫn đầu về lượng tiền đầu tư cho công nghệ AI. Nhưng về mức độ tập trung và xây dựng chính sách, Anh, Canada, Đức và Pháp cũng không thua kém. Tôi nghĩ rằng có nhiều vấn đề cần đánh giá ngoài ngân sách đơn thuần", ông nói.

Tuy nhiên, châu Âu cũng gặp hàng loạt trở ngại, như phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện cơ bản từ nước khác để phát triển máy tính.

"Nguồn cung cấp cho các công nghệ lõi rất giới hạn. Ví dụ sản xuất bán dẫn, chỉ có ba công ty trên toàn thế giới đủ khả năng chế tạo những linh kiện bán dẫn tối tân. Đó là TSMC ở Đài Loan, Samsung ở Hàn Quốc và Intel ở Mỹ. Tôi nghĩ châu Âu không thể tự phát triển những công nghệ bán dẫn như của họ", Toon cho hay.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo những quy định về sử dụng AI và bảo mật công nghệ, vốn nhằm gây dựng niềm tin của công chúng, có thể tạo tác dụng ngược khi cản trở bước tiến của các công ty trong khu vực. "Chúng ta cần cẩn trọng để tránh đề ra những chính sách khiến châu Âu mất năng lực cạnh tranh vì không thể tiếp cận những công nghệ hàng đầu", Toon nói.

Châu Âu hiện nay vẫn tìm cách nâng cao vị thế bằng cách hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng tình hình gần đây khiến điều đó trở nên khó khăn. Washington và Bắc Kinh ngày càng đặt ra nhiều rào cản thương mại cũng như tăng tính độc lập về công nghệ, buộc EU tái đánh giá quan hệ với hai nước.

"Châu Âu từ lâu nghĩ rằng mình có thể tận dụng cả hai phía bằng cách duy trì liên minh chính trị và quốc phòng với Mỹ, đồng thời coi Trung Quốc là đối tác kinh tế ngang hàng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và những hoạt động gần đây của Bắc Kinh sẽ khiến châu Âu phải xem xét lại suy nghĩ đó", Sawers nêu quan điểm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật