Thách thức của thai phụ đầu tiên mắc Covid-19 ở Singapore

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trở về từ Anh, Natasha Ling là thai phụ đầu tiên mắc Covid-19 ở Singapore. Cô hiểu rằng các bác sĩ sẽ gặp khó khăn khi vừa điều trị bệnh vừa phải chăm sóc thai kỳ cho mình.
Thách thức của thai phụ đầu tiên mắc Covid-19 ở Singapore
Bé Boaz được sinh ra khi có bố mẹ đều mắc Covid-19. Ảnh: Straistimes.

Ngày 19/3, Natasha Ling và chồng, anh Pele, đã quyết định lên chuyến bay đêm từ London (Anh) về Singapore, chỉ 2 giờ trước khi cô bước vào tuần thứ 36 của thai kỳ, thời điểm phụ nữ mang thai bị cấm bay.

"Nếu bỏ lỡ chuyến bay đó, có lẽ hiện tại chúng tôi đã bị kẹt lại ở London và tôi không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra", Natasha cho hay.

Điều mà Natasha, 29 tuổi, chia sẻ không phải là vô căn cứ. Vì 3 ngày sau khi đến Singapore, cả hai vợ chồng cô được chẩn đoán mắc Covid-19. Natasha và chồng cô, vừa kỷ niệm 5 năm ngày cưới vào tháng trước, ban đầu dự định sinh con đầu lòng ở London, nơi họ sinh sống.

Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi kế hoạch của họ. Quyết định bay về Singapore của họ cũng là do số lượng người mắc Covid-19 tăng đột biến tại Anh. Thời điểm đó, nước Anh có gần 180.000 ca mắc và 28.000 ca t‌ử von‌g. Họ lo lắng cho đứa con sắp chào đời và quyết định trở về Singapore. Bạn bè của cặp đôi nói rằng họ bị "điên" khi quyết định điều này.

"Nhưng tôi chỉ muốn đến Singapore. Tôi biết rằng một khi tôi ở Singapore, mọi thứ sẽ ổn", Natasha cho hay.

Dù vậy, khó khăn vẫn chưa hết đối với 2 vợ chồng Natasha. Ở Anh, việc mua được khẩu trang còn khó khăn hơn nhiều so với đặt vé máy bay. Họ đã đi rất nhiều hiệu thuốc và cuối cùng mỗi người chỉ mua được một chiếc khẩu trang với giá 20 bảng Anh (tương đương 35,40 đô la Singapore).

Trước khi lên máy bay, 2 vợ chồng không nghĩ tới việc họ có thể bị nhiễm virus. Tuy nhiên, sau khi xuống sân bay Changi, Singapore, chồng cô, anh Pele, bị mất khứu giác nhưng anh không biết đó là một trong những triệu chứng của Covid-19. Họ cảm thấy nhẹ nhõm sau khi kiểm tra nhiệt độ bình thường tại sân bay Changi. Sau đó, 2 người về ngôi nhà mới, chưa có người ở của bố mẹ Natasha, thực hiện việc cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế Singapore.

Tại bệnh viện NUH, Natasha và chồng ngồi nói chuyện với nhau qua một hành lang rộng 2 m. Ảnh: Straistimes.

Nhưng thử thách của họ chưa kết thúc và trên thực tế, nó mới chỉ bắt đầu. Tối hôm đầu tiên về nhà, anh Pele bị sốt nhẹ. Ngày hôm sau, anh đã hỏi ý kiến của một bác sĩ đa khoa và được đưa tới Trung tâm bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NCID) để xét nghiệm virus corona.

Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm và chụp X-quang, anh Pele được về nhà và chờ kết quả. Trưa ngày hôm sau, anh Pele được thông báo dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, xe cứu thương tới và đưa anh đến NCID. Vợ anh lúc này thực sự lo lắng và suy sụp vì chỉ có một mình.

"Tôi cảm thấy mình đang ở trong phân cảnh của một bộ phim. Mọi người đều mặc bộ đồ kín mít. Bạn đang nói chuyện với mọi người nhưng chỉ nhìn thấy đôi mắt của họ. Bạn không thể biết đó là bác sĩ, y tá hay người dọn dẹp", Pele chia sẻ.

Nhưng mối quan tâm đầu tiên của anh Pele là vợ mình: "Tôi nói với mọi người rằng vợ tôi đang mang thai và cô ấy có thể đến đây không?".

Giống như chồng, Natasha cũng bị mất khứu giác, ngoài ra, không có triệu chứng nào khác. Nhưng ngày hôm sau, cô cũng được gọi thông báo là đã mắc Covid-19.

"Khi tôi lên xe cứu thương, họ không chắc sẽ đưa tôi tới đâu vì tôi mang bầu quá nặng. Lúc đầu, họ nói rằng sẽ đưa tôi đến NCID. Thật là nhẹ nhõm vì tôi sẽ ở gần Pele. Tuy nhiên, sau đó, họ lại đưa ra một vài tên bệnh viện khác nhưng cũng không chắc chắn", Natasha nói.

Cô hiểu rằng trước đó, Singapore chưa có thai phụ nào mắc Covid-19. NCID không có khoa sản nên họ cần tìm bệnh viện nơi cô có thể được chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh.

Cuối cùng, Natasha được đưa tới bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH). Lúc này, cô đã thực sự sợ hãi, cô phải ngồi đợi trong xe cứu thương khoảng 20 phút trước khi một nhóm nhân viên y tế trong bộ đồ bảo vệ kín mít tới đưa cô vào viện.

Natasha được kiểm tra sức khỏe hàng ngày tại NUH. Ảnh: Straistimes.

Bị cách ly một mình trong phòng suốt 3 ngày, Natasha bị sốc vì sợ hãi và bất lực. "Không ai nói cho tôi về những gì sắp xảy ra. Tôi cảm thấy mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình", Natasha nhớ lại về thời điểm khó khăn đó.

Cô lo lắng nhưng vẫn tự an ủi mình phải giữ bình tĩnh nếu không sẽ ảnh hưởng đến em bé. Natasha hy vọng cô sẽ không sinh con trong khi vẫn mắc bệnh.

"Bác sĩ cho biết nếu điều đó xảy ra, mẹ con tôi sẽ bị tách nhau ngay sau khi sinh. Em bé sẽ phải xét nghiệm âm tính trong 7 ngày trước khi hai mẹ con được gặp nhau".

Trong khi đó, anh Ling cũng được chuyển đến NUH sau nhiều lần yêu cầu. Anh được "đoàn tụ" với vợ tại cùng bệnh viện nhưng phải cách ly ở 2 phòng đối diện nhau. Họ có thể trò chuyện với nhau qua hành lang rộng 2 m.

Vì tình huống đặc biệt, bệnh viện quyết định xét nghiệm cho cặp đôi hàng ngày, thay vì cứ hai ngày một lần. Thông thường, bệnh nhân Covid-19 phải có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp trước khi được công bố khỏi bệnh.

Khoảng 10h đêm ngày thứ 10 tại NUH, Natasha được thông báo mình đã 2 lần âm tính với virus corona. Chồng cô nhớ lại: "Cô ấy đứng ở hành lang bên kia và nói trong nước mắt rằng ’Em không muốn về nhà mà không có anh’. Nhưng tôi và các bác sĩ khuyên cô ấy phải ra khỏi đây".

Rất may mắn là ngày hôm sau, anh Ling cũng được thông báo 2 lần âm tính liên tiếp. Mặc dù vậy, họ chưa được ra viện.

Đội ngũ sản khoa tại NUH cho biết trong vòng 5 ngày sau đó, nếu Natasha chuyển dạ trước ngày dự sinh (17/4), cô sẽ tiếp tục bị xem là bệnh nhân dương tính và em bé sẽ phải cách ly ngay lập tức. Vì vậy, cặp đôi quyết định ở lại bệnh viện NUH để theo dõi.

5 ngày đến và đi mà không có sự cố, nhưng vấn đề khác lại xảy ra: em bé lại không ra đúng ngày. Natasha đi bộ 6 km mỗi ngày để kíc‌h thí‌ch quá trình sinh. Tuy nhiên, hơn một tuần sau ngày dự sinh, các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu lấy thai.

Vì vậy, 16h ngày 26/4, Boaz, con trai của Natasha, chào đời với cân nặng 3,7 kg. Natasha và chồng rất vui vì cô đã chiến thắng căn bệnh và không phải cách ly với con. Sau xét nghiệm, Boaz cũng không bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Cậu bé được xem là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra ở Singapore có bố mẹ đều mắc Covid-19.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật