Hãng game ‘đau đầu’ vì những người chơi quá ranh mãnh

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chơi game bắn súng online trên PC, bạn có thể gặp những player “thần thánh“ với khả năng auto headshot, dịch chuyển tức thời trên bản đồ đến việc biết chính xác bạn ở đâu.
Hãng game ‘đau đầu’ vì những người chơi quá ranh mãnh
Người chơi gian lận có thể nhìn thấy mọi hướng di chuyển của player khác trên bản đồ. Ảnh: Theverge.

Ngày nay, những chiêu trò gian lận càng thêm tinh vi hơn, buộc các nhà phát hành game đau đầu đi tìm biện pháp ngăn chặn.

Nhà phát triển Call of Duty: Warzone, PUBG và Destiny 2 thời gian gần đây đẩy mạnh hơn việc ban nick những tài khoản hack cheat. Tựa game nổi tiếng nhất trên Twitch hiện tại - Valorant dù chưa ra mắt chính thức, cũng tuyên bố game sẽ không có chỗ cho hacker.

Trò mèo vờn chuột

Hack cheat trong games bắn súng là chuyện "cơm bữa". Các bản hack, phần mềm gian lận xuất hiện gần như cùng lúc với bản game chính thức. Những công cụ như Aimbots, Wallhack giúp người chơi không cần dùng kĩ năng nhiều vẫn có thể giành chiến thắng dễ dàng. 

Thậm chí, trên Internet hiện nay tràn lan hướng dẫn tạo “lag switching”, công cụ giúp người chơi thao túng kết nối mạng của đối phương, khiến màn hình bị giật lag, từ đó nhanh chóng kết liễu số phận kẻ thù.

Dễ thấy nhất là những người chơi gian lận có thể di chuyển với tốc độ không tưởng, bắn súng nhanh hơn bất kỳ ai khác trong ván. Nhưng cũng có nhiều thủ thuật khó nhận biết hơn, thường phải mất vài tuần hay vài tháng để phát hiện như wall hack.

Kẻ gian sẽ mua các công cụ, phần mềm độc hại, tấn công bằng mã chuyên dụng nhằm thay đổi hiển thị trong game. Dần dần, cuộc chiến giữa các nhà phát triển game và cộng đồng bán mod "bẩn" trở nên không có hồi kết.

Những cộng đồng, diễn đàn bán mod "bẩn" trong game ngày càng biến tướng phức tạp khi ngành nghề này mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi tháng cho nhà cung cấp.

Một cuộc điều tra của PC Gamer vào năm 2014 cho thấy số tiền kiếm được nhờ bán phần mềm hack có thể lên đến hàng triệu USD mỗi năm, dù chỉ được rao bán vài trăm USD/tháng.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lệnh cách ly xã hội, lượng người chơi trên Steam tăng một cách đột biến. Từ đó, số lượng tham gia và gian lận trong Call of duty: Warzone, Valorant cũng tăng lên nhanh chóng. Chính điều này khiến nhà phát triển càng đau đầu hơn để tìm cách phát hiện và ngăn chặn người chơi gian lận.

Streamer Semper0311 bị phát hiện dùng hack ngay trên sóng trực tiếp. Ảnh: Chụp màn hình.

Infinity Ward cho biết gần đây họ đã xóa sổ hơn 70.000 game thủ có hành vi gian lận trong Call of Duty: Warzone. Respawn Entertainment, nhà phát triển Apex Legends, cũng cấm vĩnh viễn hơn 350.000 player không trung thực. Nhưng sau đó, tin tặc lại tìm được cách vượt qua lệnh cấm ID phần cứng của Easy Anti-Cheat mà Apex Legends sử dụng.

Tương tự, PUBG cũng phải mất nhiều tháng trời tìm cách đối phó vấn đề trên. Nhà sản xuất điều hành Taeseok Jang cho biết năm ngoái họ đã tốn nhiều thời gian để đề ra các biện pháp chống hack cheat.

“Chúng tôi luôn cố gắng tìm biện pháp ngăn chặn những công cụ gian lận. Không thể để cho họ dễ dàng tạo ra mánh khóe để sinh lợi này”, ông Jang nói.

Windows là nguyên nhân?

Nhiều tựa game khác như Overwatch hay Destiny 2 cũng ghi nhận các trường hợp hack cheat tăng đáng kể. Theo nhà phát triển Bungie, số gian lận trong Destiny 2 tăng lên đến 50% trong 6 tháng qua. Một streamer Destiny 2 thậm chí bị phát hiện sử dụng hack ngay trên sóng trực tiếp.

Hầu hết tựa Battle Royale đều được thiết kế để người chơi mới dễ dàng hòa nhập môi trường trong game. Cấm triệt để hành vi tiêu cực trong game là không đơn giản khi những kẻ gian lận bị cấm hoàn toàn có thể tạo tài khoản khác để tiếp tục cuộc chơi.

Kỹ sư phần mềm của Valve chia sẻ với The Verge kể từ 2019, Counter-Strike: Global Offensive đã dùng Steam Trust để xác định khả năng gian lận của một tài khoản ngay cả khi player đó đang chơi.

Do hệ điều hành chơi game trên PC chủ yếu là Windows của Microsoft, tính mở của nó cho phép phát triển công cụ gian lận rất dễ dàng. Hiện vẫn chưa có cách chống hack nào thực sự hiệu quả triệt để, ngoài việc "sống" tạm bợ bằng các phần mềm chống virus.

Mới chỉ ra mắt bản thử nghiệm, Riot phải thừa nhận Valorant đã có hack. Ảnh: Riot Games.

Tuy nhiên, một số hệ thống chống hack như BattlEye của PUBG lại gặp trục trặc với các bản cập nhật trên Windows 10 hoặc khiến ứng dụng khác mắc sự cố. Microsoft đang phát triển hệ thống chống gian lận riêng TruePlay dành cho Windows 10, nhưng lại bị giới hạn trong nền ứng dụng Windows phổ biến (UWP) mà các nhà phát triển game bỏ qua.

Làn sóng gian lận game PC tăng cao dẫn đến số lượng người chơi chân chính giảm sút. Số người chơi Destiny 2 trên PC trong năm vừa rồi giảm đáng kể so với Xbox One hay PS4, những nền tảng vốn có hệ thống khóa mạnh mẽ khiến hacker khó khăn trong việc phát triển bản mod hack cheat.

Trước việc người chơi ngày một quay lưng với games PC, các nhà phát triển dần hướng tới phương pháp đối phó hiệu quả và phức tạp hơn, như những gì Riot với Valorant đang thực hiện (dù đây cũng là game đã có hack). Tuy chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng chương trình đang phát triển được các nhà phát hành game hy vọng sẽ trả lại môi trường trong sạch cho game thủ chân chính.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật