Rừng Tà Cú bị đầ‌u độ‌c

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tình trạng đầ‌u độ‌c, cưa hạ cây rừng để chiếm đất trồng thanh long xảy ra tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam.
Rừng Tà Cú bị đầ‌u độ‌c
Khoảnh rừng vừa bị đầ‌u độ‌c chết khô ở khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Ảnh: Việt Quốc.

Xem Video: Hàng nghìn cây thông rừng bị đầ‌u độ‌c ở Lâm Đồng

Khu rừng gần núi Đất thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú ở thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận gần đây bỗng dưng chết bất thường. Hàng loạt cây gỗ đường kính 15-40 cm trên diện tích hơn 2.000 m2 đã rụng hết lá, chết khô, vỏ bong tróc. Trên cây có dấu đục ở gốc và dấu khoan vào thân đã cũ. Hàng chục cây đã bị cưa lìa khỏi gốc, nằm ngã xuống, còn ở hiện trường.

Quanh đó, một số chòm rừng tự nhiên khác cũng mới bị cưa hạ, ngã rạp. Tại vị trí cách khu rừng bị chết khô khoảng 100 m, nhiều cây lớn đường kính 20-40 cm nằm la liệt trên diện tích hơn 1.000 m2, chủ yếu là sến, dầu, vong đồng, cóc... Dấu cắt ở gốc cho thấy kẻ phá rừng đã dùng cưa máy để hạ cây.

Cách vị trí mới phá vài trăm mét, các khoảnh rừng bị phá từ hai năm trước, nay đã được đốt dọn sạch sẽ như đất rẫy. Cạnh một số vườn thanh long của dân đã hình thành từ trước, hiện có thêm những hàng trụ mới trồng lấn sát vào đất rừng. Nhiều trụ bêtông nằm ngay bìa rừng, nơi các bãi đất trống vừa được dọn sạch, chờ được cắm xuống.

"Các kẻ phá rừng chỉ mới lén dọn đất, chứ chưa dám trồng thanh long", ông Cao Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận nói.

Ông Linh cho biết, những năm qua chính quyền địa phương rất khổ sở vì tình trạng phá rừng chiếm đất với chủ đích trồng thanh long. Xã chỉ có một cán bộ phụ trách mảng lâm nghiệp, không quán xuyến hết địa bàn. Những người phá rừng thường lén lút làm vào ban đêm và ngày nghỉ, nên rất khó phát hiện. "Năm rồi, cá nhân tôi cũng bị UBND huyện kiểm điểm về việc này", ông Linh nói.

Cây gỗ bị cưa ngã nằm la liệt ở tiểu khu 302a, xã Tân Thuận. Ảnh: Việt Quốc.

Ông Võ Hữu Phương, Phó giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết, khu vực rừng bị đầ‌u độ‌c mới phát hiện có tổng cộng 122 cây, trên diện tích 3.257 m2, thuộc khoảnh 5 tiểu khu 302a. Cây rừng ở đây bị khoan lỗ, bỏ hó‌a chấ‌t vào gây ngộ độc dẫn đến chết dần.

Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện Hàm Thuận Nam, UBND xã Tân Thuận và chủ rừng đã lập biên bản hiện trường, làm cơ sở xử lý về sau. "Trước mắt, chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm Trưởng trạm và nhân viên quản lý bảo vệ rừng Tân Thuận do để xảy ra vụ này", ông Phương cho hay.

Đây không phải là lần đầu rừng Tà Cú ở xã Tân Thuận bị đầ‌u độ‌c. Hai năm trước, cách vị trí này chừng 400 m, một khoảnh rừng khác trên cùng tiểu khu 302a cũng bị chết bất thường với diện tích gần 4.000 m2. Cơ quan chức năng xác định cây bị đầ‌u độ‌c bởi hợp chất Glyphosate (thuốc diệt cỏ). Ngoài ra, 1,3 ha rừng trong khu vực xã Tân Thuận cũng bị cưa hạ với mục đích chiếm đất.

Hồ sơ vụ đầ‌u độ‌c cây rừng và phá rừng năm 2018 tại xã Tân Thuận đã được Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Nam chuyển sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, công an huyện vẫn chưa tìm ra kẻ phá rừng. Huyện ủy, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện vào cuộc, ngăn chặn, xử lý, nhưng đến nay chưa có chuyển biến gì. Rừng bảo tồn vẫn tiếp tục bị tàn phá.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú những năm qua liên tục bị xâm phạm để chiếm đất, trong ảnh là khu rừng mới bị đầ‌u độ‌c chết khô. Ảnh: Việt Quốc. 

Theo ông Phương, từ 2018 đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã lập hàng chục hồ sơ, đề nghị UBND các xã và cơ quan có điều tra, xử lý nghiêm những kẻ phá rừng. Tuy nhiên, chỉ có ba vụ ở xã Thuận Quý tìm ra thủ phạm.

"Các vụ phá rừng trước đây chưa được xử lý đến nơi đến chốn, nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn những người cố tình vi phạm", ông Võ Hữu Phương nói và thừa nhận lực lượng bảo vệ của khu bảo tồn hiện quá mỏng, chậm phát hiện các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú rộng hơn 10.500 ha nằm trên sáu xã, thị trấn: Thuận Nam, Hàm Cường, Hàm Minh, Tân Thành, Tân Thuận và Thuận Quý. Đường ranh bao quanh khu bảo tồn giáp với rẫy của dân trên tổng chiều dài 50 km. Lực lượng chuyên trách giữ rừng ở đây có 11 người, trung bình mỗi người giữ gần 1.000 ha rừng.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật