Đời nghèo

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ ngày con bé 15 tuổi đi ở, nhà đỡ đói. Nó đi ở được giá hơn ba nó đi làm mướn.
Đời nghèo
Anh Tân trong căn nhà trống trơn đồ đạc. Ảnh: Phan Nhật

Xem Video: Cuộc sống khó khăn của người dân tại những bản nghèo "2 không" 

//

Vợ bỏ nhà đi đã 20 năm nay, anh Thái Thành Tân một mình chống chọi với cái nghèo và bệnh tật để nuôi ba đứa con và một đứa cháu.

Hôm ấy là ngày 18 tháng Giêng năm 2001, lúc 7 giờ tối. "Trong nhà không có nổi năm chục ngàn đồng. Bả đi bộ, đem theo ba bộ quần áo cũ", anh Tân nhớ lại.

Sau buổi chiều đi cắt lúa mướn, trở về căn lều lợp lá dừa, anh Tân chỉ thấy ba đứa nhỏ ngồi nhìn nhau. Đứa lớn 11, hai đứa sau 7 và 5 tuổi đều chưa được ăn gì. Anh Tân đi hết mọi con đường trong ấp, hỏi những nhà quen. Không ai biết vợ anh đâu, anh ngậm ngùi quay lại túp lều.

Mới hôm qua, vợ chồng còn tranh luận "cuộc sống khó khăn quá, giờ tôi nghèo như vầy đó mà tôi không biết sao", anh nói, chị im lặng từ lúc đó cho tới khi rời khỏi mái nhà. Anh Tân lỡ dở khi 31 tuổi.

Sáng hôm sau, anh sang nhà chị Bảy mượn xe đạp, chở hai đứa nhỏ xuống chợ Ếch, cách đó 10 cây số gặp bà ngoại của chúng. "Cổ bỏ đi rồi. Cho con gửi hai đứa nhỏ ở đây vài hôm để mẹ nó thương con mà quay về", anh giải thích. Mẹ vợ anh lắc đầu, "mấy bữa cũng không được, tui làm gì có gạo mà nuôi". Anh quay ghi đông xe, đạp ngược lại con đường vừa đi. Trời nắng chang chang, nước mắt anh chảy, tạt vào mặt hai đứa trẻ phía sau.

Từ hôm đó, ba đứa nhỏ thôi đến trường. Đứa chị lớn đang học lớp 4 giữ hai đứa em. Anh Tân đi bốc vác ở kho thóc. 

"Nghề chính của tui là làm mướn", anh tự giới thiệu, "con trai tui bây giờ cũng đi làm thuê cho người ta". Anh vác gạo thuê ở nhà máy xay xát từ hồi 17 tuổi, "gặp cổ cũng vác gạo, nói chuyện thấy vừa ý rồi về ở chung, đâu có tiền mà cưới hỏi". 

Sống với nhau hơn 7 năm, họ sinh ba đứa con, hai gái một trai. Nếu hai vợ chồng thỉnh thoảng có cãi lộn cũng "xà quần xà quần quanh chiện tiền bạc". Một lần, giận, chị xách đồ bảo "đi mần ăn ở Ba Hòn" (Hà Tiên). Anh Tân đợi mãi, hai tháng không thấy người cũng không thấy tiền gửi về. Anh bắt xe đò đi Ba Hòn, dò tìm, người ta nói chị đi cào nghêu hay là cua ghẹ gì đó. Anh tìm thấy chị, khuyên nhủ: "nhà nước cho một cái nhà lá rồi, tôi rước bà về ở". Nhưng cái nhà lá không níu chân được vợ anh Tân. Chị đi, không để lại một lời với ba đứa nhỏ.

Cái nghèo như nặng nợ với anh từ kiếp nào, như khách không mời, sầm sập đến, ở lỳ trong ngôi nhà của anh Tân suốt mấy chục năm không chịu rời đi.

Anh đi làm thuê, việc gì cũng làm, một ngày được ba chục ngàn. Ba chục ngàn ít quá, anh bốc vác ở các kho gần chợ Ếch. Một ca làm 24 tiếng liên tục, nghỉ giải lao 30 phút, tiền công 50 ngàn đồng mỗi ngày. Một tháng anh làm 15 ca. Người cha đi làm tới 12 giờ đêm nên ba đứa trẻ phải tự lo. Anh mỗi lần mang về mấy cân gạo, con bé nấu nồi cơm trước, ai cho gì ăn nấy, hoặc đợi bố về với nhúm rau, tý mắm.

Bốn năm trời anh Tân đi bốc vác ở kho thóc, đến một ngày không nhấc nổi bao lúa 50 ký lên vai nữa. Anh phải chuyển qua nghề cắt lúa mướn. Cắt lúa ngả, tức lúa bị đổ xuống nước, cứ một công ruộng (1.400 mét vuông) được trả 105 ngàn. Anh ráng cắt mỗi ngày hai công, được hai trăm mốt. Nhưng ráng nhiều năm quá, c‌ơ th‌ể anh suy nhược từ đó.

Hai năm sau, con bé lớn 15 tuổi, chị anh Tân nhờ người tìm mối cho nó lên Sài Gòn đi ở đợ. Từ ngày con bé đi ở đợ, nhà đỡ đói. Mỗi ngày nó được trả 70 ngàn, một tháng được hai triệu mốt. Một năm về nhà một lần, mua được cả quần áo cho em. 

Nó đi ở suốt từ năm 15 đến 22 tuổi, rồi cũng người ta giới thiệu người xã bên, nó đi lấy chồng. Vì hôn nhân mai mối nên khó ở với nhà chồng, nó phải bỏ về, ôm theo thằng cháu ngoại. Hai đứa con sau lớn lên cũng theo gót cha và chị đi làm mướn. Ai mướn gì làm nấy. Đứa đi cắt lúa, đứa đi vác hàng, theo ghe đi chợ. Con gái thứ hai đến 19 tuổi cũng đi lấy chồng.

Thế rồi năm năm trước, anh đang cắt lúa, tự dưng nghe cái "cụp". Tay phải anh tê dại. Cái liềm rơi xuống đất. "Chắc mình làm việc quá sức ngoài trời nắng lâu ngày, nghỉ ngơi sẽ khỏi", anh nghĩ. Nhưng nghỉ vài hôm, vài tuần, hai tay anh không khỏi mà còn lên từng cơn run bần bật. Cứ sờ vào đồ vật gì là run bắn, một lúc bị tê dại, không nhấc nổi cái gì. 

Anh Tân đi bác sĩ. Nói là đi bác sĩ chớ anh chỉ ra trạm y tế xã. Người thì nói anh bị đột quỵ, người nói anh bị thần kinh tọa, người bảo "ông thoái hóa cột sống rồi". Con trai anh chở lên bệnh viện huyện quyết tâm khám cho ra bệnh, họ bảo nằm viện uống thuốc vài hôm theo dõi. Ở viện hai hôm, tốn tiền quá, anh bỏ về, "mình không có tiền thì mình điều trị ở nhà thôi". Điều trị ở nhà tức là mua thuốc chống nhức (giảm đau) uống. Đến bây giờ anh Tân vẫn không biết mình bị bệnh gì. "Người ta nhà giàu, đứt ngón tay cũng đi khám. Mình nhà nghèo thì thôi, mặc kệ bệnh, rồi nó tự khỏi. Nếu nó không tự khỏi, mình chết cũng không sao", anh nghĩ. Bác sĩ của anh là mấy loại thuốc giảm đau rẻ tiền. Mỗi khi mình mẩy đau nhức, chân tay tê dại, không ngồi dậy được, anh mua vài chục ngàn tiền thuốc về uống.

Anh Tân dọn dẹp bếp sau nhà. Ảnh: Phan Nhật

Người đàn ông 51 tuổi run lập cập cả ngày với đứa cháu 10 tuổi, chỉ vòng vòng trong ngôi nhà hơn 30 mét vuông. May thay, ngôi nhà được địa phương giúp lợp lại mái tôn theo chính sách nhà tình thương. Đi được mấy bước, anh dừng lại thở. Dương, cậu con trai 28 tuổi vẫn theo ghe chở hàng đi các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, mỗi chuyến được 100 đến 200 ngàn. Mỗi tháng, cậu ghé về nhà 1, 2 lần. Tùy bữa trúng bữa thất, lúc có vài trăm ngàn đưa bố, không thì chỉ một trăm để ông đóng tiền điện nước.

Hai ông cháu không cần đi chợ, không mua gì vì có gạo sẵn trong nhà, chỉ cần vo cho kỹ vì gạo từ thiện để lâu bị mốc, làm thêm món kho quẹt là xong. Đổ nước mắm vào chảo, đun lên, không cần hành và dầu mỡ. Bắc xong nồi kho quẹt, có tiền mua thêm trái bí hay bó rau 7 ngàn. Một ngày ăn hai bữa, sáng và chiều. Anh Tân run tay, cầm thìa xúc cơm hay bị đổ, thằng cháu phải hốt hoài. Cách an toàn nhất, anh đổ cơm với canh vào tô, bưng lên húp.

"Sống cuộc đời này dễ lắm, một ngày thì khoảng mười ngàn là đủ", anh tâm sự, "tôi chết cũng được rồi, chỉ còn duy nhất một việc là lo chiện chữ nghĩa cho thằng cháu". Anh hay nhắc thằng cu Kiệt, đừng như ông ngoại học dở lớp hai, dở chữ dở nghĩa nên không viết được cả tên mình. Anh giảng cho cháu: "Mình nghèo hay đói không quan trọng bằng cái chữ nghĩa, có học lên thì nói chuyện mới bớt khi đúng khi trật. Mình giỏi thì mình mới đi tới đi lui được, chứ không học, gặp cái đường cái xá không biết đọc mà đi vô". 

Ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình thuộc TP Cần Thơ của anh Tân có 367 hộ, 22 con bò, 40 đến 50 con heo, hơn 500 con gà và hơn 1.400 con vịt. Hộ anh Tân thuộc một trong 148 hộ nghèo và cận nghèo trên 1.500 hộ trong xã Vĩnh Bình. Các hộ nghèo ở đây đều chung một công thức: không có đất, không nghề nghiệp, thiếu sức lao động, không học hết tiểu học, đi làm thuê với công việc bấp bênh. Ví như gần nhà anh Tân, có hai vợ chồng già không lao động được, bà vợ bị mù, ruộng không có, chỉ trông chờ cậu con đi làm mướn. Một bà cụ khác 67 tuổi cũng phụ thuộc đứa cháu đi làm cà giật gửi tiền về... "Toàn cảnh nghèo bền vững, làm sao mà thoát được", trưởng ấp Phạm Văn Dưỡng nói.

Thật ra, trên bình diện chung cả đồng bằng sông Cửu Long, xã Vĩnh Bình không khó khăn nhất, nó đại diện cho hầu hết các xã có mức sống trung bình ở đồng bằng hiện nay. Sinh kế nông nghiệp là chính, đời sống và thu nhập của dân ổn định, chỉ có điều mức sống ấy gần như không cải thiện nhiều trong những năm qua. Xã vẫn thu được 100 đến 200 triệu tiền thuế thu nhập cá nhân mỗi năm, tập trung vào vài người kinh doanh thủy sản, nông sản. Vấn đề là, nhiều năm qua, tốc độ phát triển cứ chùng chình ở đó - không tiến lên có nghĩa đang lùi đi. Số những hộ như anh Tân không giảm, cũng không khá hơn. Đồng bằng khắc khoải đợi một chiến lược kinh tế xã hội mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật