Chính trường Thái Lan: Sóng gió mới nơi xứ sở chùa Vàng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc đảng chính trị mới nổi Tương lai Mới (FFP) đứng trước nguy cơ tan rã có thể tạo ra cục diện mới cho chính trường Thái Lan.
Chính trường Thái Lan: Sóng gió mới nơi xứ sở chùa Vàng
Chủ tịch FFP Thanathorn Juangroongruangkit giữa đám đông cử tri sau khi FFP trắng án trước cáo buộc xúc phạm, âm mưu lật đổ Hoàng gia Thái Lan cuối tháng Một.

Ngày 21/2, Tòa án Hiến pháp sẽ ra phán quyết về số phận của FFP, sau khi từ chối yêu cầu xét xử công khai của đảng này. Theo Ủy ban Bầu cử (EC), FFP vi phạm điều 62 và 66 của Luật đảng phái chính trị, quy định cách các đảng chính trị tiếp nhận đóng góp và ủng hộ. Cụ thể, Luật này nghiêm cấm cá nhân đóng góp hàng năm trên 10 triệu Baht (khoảng 7,4 tỷ VNĐ). Do đó, 191 triệu Baht “cho mượn” của Chủ tịch Thanathorn Juangroongruangkit cho FFP bị coi là bất hợp pháp.

Trước cáo buộc này, ngày 18/2, Tổng Thư ký FFP Piyabutr Saengkanokkul khẳng định khoản trên là “minh bạch và cần thiết”, bởi đảng không đủ thời gian để tìm kiếm ủng hộ tài chính cho chiến dịch tranh cử năm 2019, đồng thời tiết lộ một số khoản vay từ đảng Palang Thong Tin Thai trong liên minh cầm quyền. Song nỗ lực thanh minh của FFP không được phản hồi và nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, đảng này sẽ phải tan rã sau chưa đầy hai năm thành lập. Cuối tháng Một, đảng này từng bị vu cáo là cố ý lật đổ Hoàng gia Thái Lan, song được Tòa án Hiến pháp kết luận vô tội. Liệu may mắn có mỉm cười với FFP một lần nữa?

Dù quyết định của "Nữ thần Tyche" là gì thì vụ việc này cũng ẩn chứa bốn điều đáng suy ngẫm.

Thứ nhất, các hoạt động gây khó khăn, cản trở FFP diễn ra sau khi đảng này đạt kết quả tích cực trong bầu cử năm 2019. Thăm dò hậu bầu cử do viện Quản lý Phát triển Quốc gia Thái Lan (NIDA) công bố ngày 29/12 cho thấy 31,42% người Thái ủng hộ Chủ tịch FFP Thanathorn Juangroongruangkit làm Thủ tướng vì muốn có người thế hệ mới quản lý đất nước. Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha chỉ về nhì với 23,74%, liên minh cầm quyền Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) đứng thứ ba, sau FFP và Vì nước Thái (Pheu Thai). Do đó, đây có thể là cách liên minh cầm quyền loại bỏ đối thủ chính trị, để củng cố quyền lực, mở rộng tầm ảnh hưởng.

Giả thuyết này càng được củng cố hơn khi Tòa án Hiến pháp từ chối xét xử công khai FFP. Nếu FFP thực sự vi phạm Luật đảng phái chính trị, sự xuất hiện của đảng này tại tòa là không đáng ngại. Tuy nhiên, việc từ chối xét xử và chỉ ra phán quyết cho thấy câu chuyện về FFP là không đơn giản.

Thứ hai, FFP bị giải thể có thể tạo phản ứng tiêu cực trong nước và quốc tế, gây bất ổn chính trị tại Thái Lan, vốn đã nhiều lần chao đảo với các cơn địa chấn chính trị từ phe ủng hộ hai cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra.

Thứ ba, câu chuyện của FFP cũng cho thấy rằng các chính đảng mới thành lập tại Thái Lan nói riêng và thế giới nói chung rất khó đứng vững, khi phải tuân theo luật chơi đã được định hình sẵn, với nhiều lợi thế giành cho các chính đảng truyền thống.

Thứ tư, xu hướng lãnh đạo trẻ đang lan rộng và mạnh mẽ sau sự xuất hiện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Dù FFP có giải thể, các đảng có lập trường chính trị tương đồng FFP sẽ sớm trở lại, tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trẻ tuổi, vốn mong tìm sự thay đổi từ các chính trị gia mới, thừa tài năng đầy hoài bão như ông Thanathorn Juangroongruangkit.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan khi ấy có thể khép lại trang sử không dài của đảng FFP, song sẽ mở ra cánh cửa cho các đảng mới gia nhập chính trường Bangkok, cạnh tranh với các chính đảng truyền thống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật