Nga liên tiếp bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết của HĐBA LHQ về Libya
Chiều ngày 12/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua Nghị quyết 2510, do Anh đệ trình, ủng hộ kết quả Hội nghị Quốc tế Berlin về vấn đề Libya, với 14 phiếu thuận và 1 phiếu trắng của Nga, theo Reuters.
Nghị quyết hoan nghênh và bày tỏ ủng hộ việc thực hiện kết quả của Hội nghị Berlin. Nghị quyết kêu gọi các bên liên quan cần sớm đạt một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn, tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA và chấm dứt can thiệp vào Libya.
Sau khi thông qua Nghị quyết, các nước thành viên HĐBA bày tỏ sự ủng hộ đối với Hội nghị Berlin, nỗ lực của LHQ và Đức, hy vọng các bên liên quan sẽ tận dụng kết quả của Hội nghị để đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình ở Libya.
Nghị quyết 2510 của HĐBA LHQ được đánh giá là đã phản ánh cam kết của cộng đồng quốc tế hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Libya, do người Libya dẫn dắt và làm chủ.
Đại diện chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA) hoan nghênh việc HĐBA thông qua Nghị quyết 2510 và khẳng định cam kết của GNA trong đối thoại và tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn.
Trước đó, ngày 11/2, HĐBA cũng đã thông qua Nghị quyết 2509 gia hạn lệnh cấm xuất khẩu dầu bất hợp pháp từ Libya, bao gồm dầu thô và các sản phẩm hoá dầu, cho đến ngày 30/4/2021. Lệnh cấm vận hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 15/2/2020.
Nghị quyết 2509 cũng quy định kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng chuyên gia hỗ trợ Uỷ ban trừng phạt Libya đến ngày 15/5/2021. Cơ quan này phải đệ trình báo cáo sơ bộ về hoạt động trước ngày 15/9/2020 và báo cáo cuối cùng trước ngày 15/3/2021.
Nghị quyết 2509 kêu gọi sự tuân thủ đầy đủ của tất cả các quốc gia thành viên LHQ đối với lệnh cấm vận vũ khí, lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản, cũng như không can thiệp hoặc thực hiện các biện pháp làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Libya.
Nghị quyết 2509 cũng giành được sự ủng hộ từ 14/15 thành viên của HĐBA LHQ. Riêng Nga cũng bỏ phiếu trắng. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, HĐBA đã thông qua 2 nghị quyết về Libya và Nga đã liên tiếp bỏ phiếu trắng.
Việc Nga liên tiếp bỏ phiếu trắng cho các Nghị quyết của HĐBA về vấn đề Libya bị cho là Moscow có lập trường không rõ ràng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Nga có lập trường rất rõ ràng, vấn để là tại sao Moscow lại thể hiện lập trường như vậy?
Tại sao Nga liên tiếp bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết của HĐBA về Libya?
Thứ nhất, Nga tôn trọng chủ quyền quốc gia của Libya, tôn trong ý nguyện và sự độc lập của người dân Libya
Quyết định về ngừng bắn ở Libya là một trong những kết quả của Hội nghị Quốc tế Berlin về Libya. HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết là nhằm đó hợp pháp hóa kết quả ấy, giúp nó có tính ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan.
Muốn hoà bình cho Libya thì không thể bỏ qua chủ quyền quốc gia và ý nguyện của người dân Libya
Tuy nhiên, đáng lưu ý là việc ngừng bắn không phải là thỏa thuận giữa các bên trực tiếp trong cuộc xung đột ở Libya, mà do các đối tác bên ngoài áp đặt cho họ. Trong trường hợp này, bất luận thế nào, chủ quyển của Libya cũng không được tôn trọng.
Điều đó cho thấy Nghị quyết 2510 của HĐBA được đánh giá là đã phản ánh cam kết của cộng đồng quốc tế hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Libya, do người Libya dẫn dắt và làm chủ, là không thực tế.
Mặt khác, vấn đề vai trò và địa vị pháp lý của các lực lượng đang kiểm soát Libya không được đề cập và làm rõ trước khi HĐBA thông qua các nghị quyết. Đặc biệt là đối với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA).
Bởi lẽ GNA, là thực thể nắm giữ quyền lực ở phía Tây Libya, nhưng không thể giành được sự ủng hộ của Quốc hội Libya - điều kiện tiên quyết để Tòa án tối cao Libya ra quyết định công nhận tính hợp pháp đối với GNA.
Khi Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya không được Toà án Tối cao Libya công nhận tính hợp pháp, thì thực thể chính trị này không thể tham gia các điều ước quốc tế nhân danh Libya, theo The Guardian.
Trong khi đó, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tổng tư lệnh Khalid Haftar, lực lượng kiểm soát miền đông Libya, lại được hậu thuẫn bởi Hạ viện Libya tại thành phố cảng Tobruk - định chế chính trị căn bản hợp hiến tại Libya, theo VOA.
Hiện nay, LHQ công nhận vai trò và địa vị pháp lý của GNA đồng nghĩa gạt bỏ vai trò và địa vị pháp lý của Hạ viện Libya - thực thể chính trị được người dân Libya bầu ra, vô hiệu hoá LNA. Rõ ràng, ý nguyện của người Libya không được tôn trọng.
Điều đó cho thấy Nghị quyết của HĐBA về Libya là rất bất cập, khiến cho Nga bỏ phiếu trắng. Bỏ phiếu trắng phản ánh thái độ của Moscow là không phản đối nhưng cũng không ủng hộ Nghị quyết của HĐBA.
Nga không ủng hộ Nghị quyết của HĐBA là điều dễ hiểu, nhưng sao Nga không bỏ phiếu chống? Theo giới phân tích, Nga không thực hiện quyền phủ quyết là thể hiện mong muốn hoá bình cho Libya, vấn đề còn lại chỉ là cách thức thực hiện mà thôi.
Nga không ủng hộ Nghị quyết của HĐBA LHQ là tôn trọng Libya
Thứ hai, hiện nay, Nga nổi lên là thực thể có ảnh hưởng nhất tới ván cờ Libya, vì vậy Moscow đi ngược dòng để không đánh mất cơ hội của mình
Ngay từ năm 2017, Reuters từng nhận định rằng : "Washington ngày càng lo ngại về các ý định của Moscow đối với một đất nước Libya nhiều dầu mỏ nhưng đầy hỗn loạn, điều đáng hổ thẹn đối với Mỹ-NATO, sau khi lật đổ Muammar Gaddafi”.
Theo tờ báo của Anh thì nỗi hổ thẹn đó được thể hiện rõ qua việc chính phủ Libya tại Tripoli do LHQ hậu thuẫn không thể khai thông bế tắc với Quân đội Quốc gia Libya của tướng Haftar - vốn đang ở thế thượng phong - nên phải nhờ cậy đến Moscow.
Cũng theo Reuters, ngay từ cách đây 3 năm, Moscow đã sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao hướng tới sự đồng thuận giữa các lực lượng chính trị tại Libya - mấu chốt của việc chấm dứt cuộc nội chiến tại nước này - điều mà phương Tây đã bó tay.
Và từ đó cho đến trước khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu thông qua các Nghị quyết số 2509 và số 2510 tại HĐBA, Moscow đã thể hiện là trung tâm hòa giải cho các lực lượng đangkiểm soát Libya.
Thủ tướng chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya Fayez El-Serraj từng đề nghị phía Nga tận dụng các mối quan hệ của nước này với các bên đối nghịch tại Libya nhằm can thiệp để chấm dứt sự leo thang quân sự ở Libya.
Ông El-Serraj khẳng định chính phủ đoàn kết dân tộc Libya muốn khôi phục các thỏa thuận hợp tác giữa Nga và Libya, trong đó có các thỏa thuận liên quan đến năng lượng, vận tải đường sắt và các dự án hạ tầng.
Như vậy, lực lượng chính trị nền tảng của chính phủ Libya tại Tripoli được LHQ hậu thuẫn đã gửi gắm Moscow tất cả những kỳ vọng liên quan đến cả chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao quốc tế cho một nhà nước Libya thống nhất, thời hậu Gaddafi.
Ông Putin đang dần biến vai trò của Nga trong ván cờ Libya giống như trong ván cờ Syria
Trong khi đó, lực lượng chính trị kiểm soát miền Đông Libya cũng ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng với Moscow, nhằm củng cố vị thế tốt nhất cho mình, khi tiến trình chính trị cho một nhà nước Libya thống nhất được thúc đẩy, theo BBC.
Không những vậy, khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Libya thì Nga đã có thoả thuận với thành viên NATO này về việc giải quyết xung đột tại Libya. Trước đó, Nga cũng đã tham gia Hội nghị Palemo bàn về Libya do Mỹ-EU tổ chức.
Điều đó cho thấy, không chỉ nội bộ các phe phái đang kình chống nhau tại Libya tìm đến Nga, mà các bên liên quan tới ván cờ Libya cũng cần đến Moscow trong khi đi tìm một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.
Với vị thế như vậy, Moscow không chấp nhận kịch bản do các tác nhân đã phá nát Libya soạn thảo là điều dễ hiểu, nhưng đáng nói là điều đó lại được Moscow thể hiện nhiều qua việc bất đồng qua ngôn ngữ thể hiện trong văn bản.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, đó chỉ là vấn đề kỹ thuật. Còn thực chất của việc Nga không phản đối cũng không ủng hộ các Nghị quyết của HĐBA về Libya có thể được xem sự "chạy chỗ" cho một vai trò lớn hơn của Nga trong ván cờ Libya.