Đầu năm đi chợ Viềng ở Nam Định cầu may một năm chỉ họp duy nhất một lần “mua may, bán rủi”

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến hẹn lại lên, cứ vào mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân địa phương và du khách khắp nơi lại nô nức rủ nhau về chơi chợ Viềng Nam Định. Đây là phiên chợ cầu may một năm chỉ họp duy nhất một lần từ buổi tối hôm trước đến sáng sớm hôm sau. Ai đến với chợ Viềng cũng đều đinh ninh một ý niệm: mua may, bán rủi cho năm mới được bình an, may mắn. Chợ Viềng được tổ chức hai nơi là chợ Viềng Phủ (huyện Vụ Bản), chợ Viềng Chùa (huyện Nam Trực).
Đầu năm đi chợ Viềng ở Nam Định cầu may một năm chỉ họp duy nhất một lần “mua may, bán rủi”
Đầu năm đi chợ Viềng “mua may, bán rủi”

Chợ Viềng Phủ là nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, chợ Viềng Chùa là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Du khách muốn đi du Xuân, thưởng ngoạn được cả hai chợ Viềng thì phải di chuyển từ chợ Viềng Phủ vào giữa đêm. Chợ Viềng Chùa cách chợ Viềng Phủ 30km, đường sang chợ Viềng Chùa phải đi qua hai quãng đồng rộng mênh mông, gió thổi ù ù lạnh buốt. Theo quan niệm của người dân, lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm. Người dân nơi đây đi chợ Viềng đầu năm đã đành, người dân tứ xứ ai cũng cố đi chợ Viềng một lần để mong có lộc cho cả năm buôn may bán đắt, thậm chí chỉ để lấy tiếng là đã đi chợ Viềng.

Xem Video: Độc đáo phiên chợ Viềng - những điều có thể bạn chưa biết 

Chợ là hai dãy quán chủ yếu là tre, nứa dựng tạm ở bên lề đường, chạy dài suốt 5km với đầy đủ sắc màu. Tiếng là chợ nhưng ở đây người ta không mua, bán những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống mà chỉ đơn giản là những sản phẩm mang tính chất phục vụ sản xuất nông nghiệp như cái cày, cuốc, dao, liềm, thúng, mủng…; hoặc là một số giống cây trồng, vật nuôi như cây chanh, cây khế, các loại cây cảnh, cây ăn trái… Bạn cũng có thể tìm thấy ở đây những sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của từng vùng như rau cần Thiệu Vịnh; bồ, đó Văn Tập; vó lưới Bồng Làng... Chợ còn là nơi bán các loại đồ dùng cũ, ai đến chợ cũng phải mang một vài thứ gì đó, từ một chiếc nồi cũ hay một chiếc cuốc để mòn đều có thể đem bày bán… Những người buôn bán ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình cũng đi từ sáng sớm để kịp buổi chợ. Những người ở tỉnh xa hơn như Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang phải đến từ chiều hôm trước tìm nhà nghỉ trọ.

Phiên chợ mà người bán không cần bán đắt, người mua chẳng thiết tha lắm với giá rẻ, chỉ cần “bán”, “mua” được cho phát tài quanh năm. Nhiều đôi nam thanh nữ tú tay trong tay vãn cảnh chợ Viềng, cầu mong cho hạnh phúc lứa đôi. Hội chợ Viềng đầu Xuân thật vui vẻ nhộn nhịp với tiếng chiêng, trống hòa lẫn với tiếng gò mâm, gò nồi, hàng búa thợ rèn cùng với âm thanh của hàng ngàn, hàng vạn người mua, kẻ bán, người xem đã tạo nên thứ âm thanh ồn ào, rất đặc trưng của phiên chợ Viềng Xuân.

Nếu nói đến chợ Viềng mà chỉ nói đến những thứ vừa nêu trên thì chưa thật đầy đủ, vì điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất đối với mỗi du khách chính là những miếng thịt bê được thui vàng ruộm. Người ta quan niệm đi chợ Viềng mà không có một miếng thịt bê mang về lấy lộc thì coi như chưa đến chợ Viềng, chưa được may mắn. Phải chăng cũng chính vì mang ý nghĩa tâm linh ấy nên hầu như mọi hoạt động trong chợ đều diễn ra theo kiểu “nói sao, mua vậy”. Nghĩa là, người bán không cần nói thách và người mua cũng chẳng phải mặc cả, bởi người xưa cho rằng nếu còn chút gì đó “băn khoăn” về giá cả thì sẽ làm mất hết lòng thành kính và sự tôn nghiêm. Cũng vì mong vận đỏ nên chợ Viềng mới có một đặc sản nữa là thịt bò. Vào phiên chợ Viềng tràn ngập thịt bò. Người ta quan niệm thịt bò mang lại vận son cho cả năm vì có màu đỏ. Một phiên chợ Viềng người ta thui đến vài trăm con bò. Suốt một ngày một đêm chợ ngây ngất mùi thịt bò với hai món “bá chủ” là phở bò và thịt bò xào…

Ngày nay kinh tế phát triển, nhu cầu du Xuân chợ Viềng ngày càng cao, mỗi năm mỗi nơi đón hàng chục vạn lượt khách đến mua bán cầu may. Chợ Viềng là chợ văn hóa, trở thành địa chỉ điểm “phải đến” của nhân dân tỉnh Nam Định và khách thập phương trong những ngày đầu Xuân mới.

Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao lại có hai chợ Viềng họp cùng một ngày? Theo tìm hiểu thì chợ Viềng Phủ có trước, còn chợ Viềng Chùa có sau. Nhiều tài liệu để lại còn cho thấy, hai chợ cách nhau con sông Đào, do một năm nước sông dâng cao, người dân phía bên Nam Trực không sang sông họp chợ được nên về khu đất cao cạnh chùa Đại Bi họp chợ và từ đó chợ Viềng Chùa xuất hiện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật