Cụ bà 73 tuổi ở Bắc Giang một thân một mình nuôi con tật nguyền xin ra khỏi hộ nghèo

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tôi vẫn có thể làm việc, chăm con và tự lo được ngày vài bữa cơm. Có những người còn éo le hơn nên tôi nghĩ gia đình mình nên rút khỏi hộ nghèo để người khác có cơ hội vào“, bà Hoàng Thị Khuôn tâm sự.
Cụ bà 73 tuổi ở Bắc Giang một thân một mình nuôi con tật nguyền xin ra khỏi hộ nghèo
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà Hoàng Thị Khuôn vẫn xin ra hộ nghèo để phấn đấu vươn lên. Ảnh: Hoàng Chiến

Người dân ở thôn Nghĩa Vũ, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) chẳng ai lạ với hoàn cảnh của bà Hoàng Thị Khuôn. Ở cái tuổi 73 nhưng bà vẫn cày cấy ruộng vườn, thậm chí xin việc làm thuê để có tiền chăm sóc người con bị tâm thần, thường xuyên phá phách đồ đạc, cây trái trong nhà.

Cuộc sống vất vả trăm bề nhưng bà vẫn luôn tự nhủ: "Mình có sức khỏe thì lo gì đói". Thế là bà cải tạo vườn để trồng rau, làm thức ăn hằng ngày, nuôi gia súc bán để có thêm thu nhập.

Theo chia sẻ, chồng mất sớm, một tay bà Khuôn chăm lo, nuôi dạy 5 người con. Hiện tại những người con khác đều đi làm ăn xa, điều kiện lại không mấy dư giả, còn bà Khuôn sống với người con trai thứ 2 hiện đang mắc bệnh tâm thần.

"Chú này đã gần 50 tuổi, bị tâm thần nên cứ đi lang thang suốt, lại hay đập phá. Có lần, chú ấy trèo cả lên mái nhà dỡ ngói vứt đi. Lần khác thì đập đổ cả tường bao, nhổ hết cây cối trong vườn", chị Diệp Thị Thúy, hàng xóm của bà Khuôn kể.

Bà Khuôn bên người con bị bệnh tâm thần.

Bản thân bà Khuôn cũng đang mắc bệnh phổi, thuốc men lúc nào cũng để sẵn đầu giường. Khoản tiền gần một triệu đồng Nhà nước hỗ trợ (tiền tuất của chồng và tiền trợ cấp của con) bà thường để dành lo thuốc men cho hai mẹ con.

Đợt bình xét hộ nghèo tháng 10/2019, gia đình bà đủ điều kiện công nhận là hộ nghèo nhưng bà chủ động làm đơn xin rút.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Khuôn vẫn cuốc đất, trồng rau để lo bữa ăn hàng ngày.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội về lý do, bà Khuôn tâm sự: "Tôi vẫn tự lo được ngày vài bữa cơm. Khi còn sức khỏe thì phải tự lo, giảm gánh nặng cho Đảng, Nhà nước. Có những người còn éo le hơn mình, mình ra cho họ có cơ hội vào".

Dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, tuy nhiên bà Khuôn lại là người đi đầu trong các hoạt động văn hóa – văn nghệ của thôn từ thành lập phong trào dưỡng sinh hay các cuộc thi của người cao tuổi.

"Ở nhà nhiều lúc khóc thầm đấy nhưng mà ra đường thì cứ phải cười to cô chú ạ. Đi thế cho vui vẻ, tinh thần thoải mái chứ cứ than vãn thì sao mà khỏe được. Phải lấy tiếng cười mà át đi nỗi buồn thôi", bà Khuôn nói.

Căn phòng cạnh vườn rau bà xây dựng riêng cho người con trai tâm thần.

Bà cũng tâm niệm, cuộc sống sướng khổ là do mình chứ không thể trông chờ, ỉ lại vào người khác.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật