Đại gia tay trắng làm nên gia sản hàng tỷ đồng từ chiếc mỏ hàn 70 ngàn đồng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
27 tuổi, Nguyễn Xuân Hưng (quê ở xã Thăng Bình, Nông Cống, Thanh Hóa) đã trở thành tỉ phú. Năm năm trước, vốn liếng khởi nghiệp của Hưng chỉ là hai bàn tay trắng với khát vọng làm giàu và một chiếc mỏ hàn trị giá 70.000 đồng...
Đại gia tay trắng làm nên gia sản hàng tỷ đồng từ chiếc mỏ hàn 70 ngàn đồng
ảnh minh họa

Làm giàu trên quê hương mình

Con cá và chiếc máy cày trên đồng ruộng là hai dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời vất vả mưu sinh từ lúc nhỏ của Nguyễn Xuân Hưng. “Nhưng cũng có lúc tôi xem hai hình ảnh ấy như lời nhắc nhở làm nỗ lực phấn đấu cho mình: phải làm giàu trên chính quê hương, nhất là khi mình còn trẻ và khi đất nước đang có những bước chuyển mình. Nghèo không có tội nhưng cam chịu cái nghèo là có tội” - ông chủ của hàng loạt cửa hàng ở Nông Cống (Thanh Hóa) giãi bày.

Là con thứ năm trong gia đình có bảy anh chị em, bố là thương binh nặng ốm đau quanh năm, lại ở một vùng quê nghèo nhất xứ Thanh nên ngay từ nhỏ cậu bé Hưng đã biết thế nào là phận con nhà nghèo. Tuổi thơ của Hưng là những bữa đói kéo dài triền miên, phải đi tát vũng bắt cá, lái máy cày phụ giúp gia đình, hai lần phải bỏ học giữa chừng.

Mở balô sờn rách đã theo Hưng suốt chặng đường lập nghiệp, Hưng cho xem bức hình đã cũ chụp ngôi nhà gia đình Hưng sống cách nay 7-8 năm. Nhà nhưng không biết có nên gọi là nhà, bốn bức tường vách đất đã sụp đổ, mái nhà tranh nát bấy phủ thêm bạt và nilông mà trong nhà vẫn nhìn rõ trời xanh. Hưng kể: “Trong một lần mưa bão, nhà bị tốc tung mái, cả nhà chỉ biết ngồi dựa vào nhau cầu trời khấn Phật cho bão mau tan”. Bây giờ ngồi trong ngôi nhà mái bằng mới xây cho bố mẹ, nghĩ lại mà mắt Hưng vẫn đăm chiêu xa xăm.

Xem Video: Gương thanh niên làm giàu từ hai bàn tay trắng

//

Ngay khi mới đậu vào lớp 10, Hưng tranh thủ đi học sửa chữa tivi hơn một tháng và đi làm thêm vào buổi tối tại một cửa hàng sửa chữa trên thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống). Thành quả ban đầu của Hưng là mua được chiếc xe đạp để khỏi đi bộ đến trường và trong suốt ba năm học phổ thông Hưng không phải xin cha mẹ học phí. Những khoản tích cóp được Hưng gửi về nhà để phụ cha mẹ nuôi hai đứa em đang đi học. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp THPT, Hưng chỉ thiếu đúng 1 điểm để vào Trường Sĩ quan lục quân I. Thi thêm Trường cao đẳng Kỹ thuật Vinh (Nghệ An), Hưng trúng tuyển. Nhưng Hưng lại lỡ hẹn với con đường học hành, bởi gia cảnh quá nghèo khó. Nhà nghèo nên lúc này bùng cháy trong Hưng một khát vọng: làm giàu.

Hưng cùng những thanh niên học nghề tại trung tâm dạy nghề của mình - Ảnh: Đình Tú

Vốn khởi nghiệp

Trên bàn làm việc của giám đốc Công ty TNHH Xuân Hưng (thị trấn Nông Cống) luôn có một vật được bày ở chỗ trang trọng nhất mà nhiều nhân viên của công ty cũng không hiểu vì sao: chiếc mỏ hàn. Gặng hỏi Hưng mới thú thật: “Đó là vốn khởi nghiệp của tôi”.

Năm 2000, sau khi phải rời con đường học hành (Trường cao đẳng Kỹ thuật Vinh), Hưng bắt đầu đi làm thuê cho một cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh gần nhà. Sẵn giỏi máy móc lại đã từng sửa chữa tivi từ năm lớp 10 nên Hưng khá lành nghề. Từ khi Hưng về làm, người chủ rất ưng ý. Thời gian ấy, cái tiếng Hưng “thợ” được giới sửa chữa điện tử khắp huyện Nông Cống biết đến. “Mánh” của Hưng là “ôm” hết những “ca khó” về điện tử điện lạnh mà các thợ khác sửa không nổi phải “nhả” ra. Nhưng cũng có khi Hưng đến tận nhà một nông dân nghèo sửa giúp cái tivi đen trắng mà tiền sửa còn hơn cả mua mới, và chỉ lấy công là một cốc nước lá vối hái từ vườn nhà chủ.

“Nhưng tôi luôn nghĩ mình không thể làm thuê mãi được, khi có kinh nghiệm và vững vàng hơn mình sẽ tự mở một cửa hàng riêng”, Hưng nhớ lại. Hai năm sau, quyết tâm của Hưng thành hiện thực. Một buổi sáng, Hưng nói với người chủ của mình: “Em sẽ ra mở cửa hàng riêng”. “Bằng cái gì?” - người chủ hỏi. “Cái này!” - Hưng đáp và trên tay Hưng là chiếc mỏ hàn trị giá 70.000 đồng từ những đồng tiền công ít ỏi Hưng tiết kiệm được. Không muốn mất thợ giỏi, người chủ hứa nâng lương nếu Hưng ở lại. Nhưng lần này Hưng quyết ra đi cho dù chỉ có đôi bàn tay trắng. “Lúc ấy tôi không hề lo lắng. Tôi biết sức mình đến đâu để chấp nhận thử thách. Nếu có cái giá phải trả thì mình cũng được lớn lên” - Hưng kể. Đó là năm 2002.

Hưng lên thị trấn Nông Cống tìm thuê một cửa hàng 18m2 với giá thuê gần 100.000đ/tháng. Sau những ngày phải đi nhờ đồ sửa của thợ khác, Hưng tự sắm được bộ đồ nghề tử tế. Khách đông dần. Có những đêm Hưng thức trắng để sửa cho xong nhưng vẫn không hết việc. Hưng vay thêm tiền bạn bè mở rộng cửa hàng và thuê thêm thợ. Đến lúc này Hưng lại nghĩ: Mình phải chuyển sang hướng khác. “Phi thương bất phú” - Hưng nghĩ vậy và tìm đường chuyển hướng kinh doanh.

Trong một cuộc giao lưu của Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Thanh Hóa, có người hỏi Hưng: “Bí quyết làm giàu của anh là gì khi từ một người thợ đến bây giờ trong tay có 4-5 tỉ đồng?”. Hưng trả lời: “Không ngừng học hỏi cách làm giàu. Nhưng làm giàu không phải bằng mọi cách mà phải làm giàu bằng thực lực và chân chính. Trong đó chữ tín là quan trọng nhất”.

Năm 2004, Hưng chi tiền đi một loạt các nước như Thái Lan, Malaysia, Lào để tìm hiểu thị trường điện tử, điện lạnh các nước có đặc điểm tương tự như ở VN và về nước mở một doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh. Những năm này, cuộc sống vật chất của nhiều người dân xứ Thanh đã khá hơn nhiều và bắt đầu chăm chút tới đời sống tinh thần. Những mặt hàng như tivi, tủ lạnh bán rất chạy. Đến năm 2005, tìm hiểu thị trường thấy mặt hàng xe máy, tủ lạnh đang có nhu cầu lớn, lúc này làm ăn đã khấm khá hơn, Hưng dồn vốn mở thêm một cửa hàng tủ lạnh và một cửa hàng xe máy.

Đầu năm 2006, Công ty TNHH Xuân Hưng ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời kinh doanh của Hưng khi có trong tay 4-5 tỉ đồng, một số tiền mà trước đây Hưng không bao giờ dám mơ. Đến giữa năm 2006, nghe tin một số nước ở châu Âu có nhu cầu về cá cảnh VN, Hưng cùng người bạn chung vốn xuất sang khoảng 1 vạn con và lãi hơn 200 triệu đồng.

“Trong mỗi chặng đường thành công hay thất bại của tôi đều có những dấu ấn vất vả và nhọc nhằn” - Hưng vẫn thường nói thế về chặng đường đi lên từ “chân đất” của mình. Năm 2006, công ty của chàng trai sinh năm 1980 này là một trong mười doanh nghiệp trẻ của tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đoàn tặng bằng khen.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật