Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tháng Chín đôi mươi. Tháng Mười mùng năm” là nói về giống rươi. Rươi của thời tiết, báo hiệu tiết trời đã bắt đầu chuyển từ Thu sang Đông.
Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy
Minh họa: MAI MINH.

Một năm có hai mùa rươi, vào khoảng tháng Tư, tháng Năm và tháng Chín, tháng Mười âm lịch, nhưng tháng Chín, tháng Mười mới là vụ rươi chính. Những con rươi nhỏ bằng đầu đũa xanh xanh, hồng hồng, đủ năm, đủ tháng, tích tụ đủ chất dinh dưỡng từ bùn đất, gặp thời tiết thuận lợi, thủy triều lên làm nước lợ cửa sông, ven biển dềnh lên. Mặt ruộng, mặt đầm đầy nước. Lỗ rươi nứt, rươi chuồi lên từ bùn ruộng, theo dòng chảy tìm ra cửa sông, cửa biển. Người ta đón vớt rươi lên, chế biến thành món ăn bổ dưỡng, dân dã mà đậm đà vị quê hương, mang âm sắc mùi bùn đất của vùng ven biển nước lợ. Nhiều người dân từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn đều biết đến những món ăn này.

Thành nhớ ngày mới lớn thường đốt đèn theo chân cha ra đồng bắt rươi. Hình như có ánh đèn, ánh đuốc bập bùng trong đêm thì rươi ở tràn ruộng đã ngập nước nứt lỗ nhiều hơn thì phải. Giữa dòng nước lững lờ, đùng đục, bầy rươi thi nhau bơi, nổi kín mặt nước, cả làng dùng vợt, dùng rổ vớt rươi. Con rươi vớt lên, rửa sạch, ngâm vào đá lạnh, để mấy tiếng đồng hồ vẫn còn ngọ nguậy. Phần nào bán thì mẹ nhanh chân mang ra chợ, bán nhanh kẻo rươi ươn. Phần rươi tươi để ăn thì nhặt sạch rác, cho vào chậu nước nóng già khuấy nhẹ vừa tiếp tục nhặt rác, vừa “làm lông”, cho hết nhớt rồi chế biến thành những món rươi.

Mẹ thường chế biến thành chả rươi. Rươi sau khi làm sạch, dùng đũa đánh cho nhuyễn, thêm trứng gà và thịt lợn băm, tiếp tục đánh cho thật nhuyễn, thật bông, thêm chút ớt cay, vỏ quýt tươi hoặc lá gấc, có thể là lá gừng non, ngọn thì là. Bữa cơm đơn giản, chỉ có rau luộc với chả rươi chấm nước mắm ớt. Thỉnh thoảng mẹ cũng làm rươi hấp, rươi xào, rươi kho, rươi nấu canh. Mỗi năm đôi ba bận, cả nhà thường được thưởng thức những món khoái khẩu trên. Ngày nhỏ, chị em Thành không dám ăn nhưng được bố động viên, ăn thử thấy rõ vị thơm ngon, đậm đà thì quen, thì nghiện, thèm ăn mãi.

Lớn lên, đi bộ đội rồi trưởng thành trong quân ngũ trên miền Tây Bắc, Thành nhớ quê hương da diết. Nhớ những bữa cơm rươi đầm ấm, nhớ những lời ru đậm chất quê rươi: “Bao giờ cho đến tháng Mười/ Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”…

Thành tìm hiểu thì mới biết cặn kẽ tại sao người dân quê mình lại gọi rươi là rồng đất-lộc trời. Bởi rươi là món ăn đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Ngoài những món mà mẹ Thành chế biến, Thành còn biết đến các món nem rươi, rươi kho nồi đất, rươi làm mắm, lẩu rươi, rươi rang muối khô…

Ở quê hương Thành ít có rươi nứt lỗ để vớt, để đem bán tự nhiên. Các tràn ruộng giao khoán cho dân trồng lúa. Dường như người dân không chỉ để cấy lúa, thu hoạch lúa vụ chiêm, vụ mùa mà chủ yếu để nuôi dưỡng, thu hoạch rươi. Các vụ lúa không phun thuốc để bảo đảm an toàn đất bùn, tạo môi trường sinh sản và phát triển của giống rươi. Chẳng cần cấy trồng, rươi tự nhiên sinh sản dưới đáy bùn, lớn lên; khi gặp cơn thủy triều tháng Chín, tháng Mười thì lại chuồi lên, tìm ra cửa bể. Ở đầu mỗi tràn ruộng, người ta xây, kè thành luồng nước, chắn lưới bủa vây rươi trên đường tìm ra cửa sông, cửa biển. Rươi trở thành thứ hàng hóa đặc sản và đắt đỏ.

Rươi sau khi được vệ sinh, đóng đá bảo quản để vận chuyển tới mọi miền và dùng quanh năm, vì thế, giữa trung tâm phố thị, tìm để thưởng thức những món rươi, bất kể đông, hè mùa nào cũng có. Phiên chợ rươi mấy ngày trong năm ồn ã, chóng vánh, nhiều nhà thầu, mua tích rươi nên ít có rươi bán tự do. Tiếng rao rươi như chìm, như xa mãi cuộc sống.

Mấy chục năm Thành xa quê, vị đậm món chả rươi mẹ chế biến vẫn tươi rói trong lòng. Lúc nào và ở đâu vẫn thèm nghe một tiếng rao rươi. Tuổi thơ luôn văng vẳng trong miền ký ức...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật