‘Kinh đô sấm sét’ Bangladesh trồng cọ để cây chịu sét thay con người

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm cây cọ đã được trồng từ năm 2017 trong nỗ lực chống lại mối đe dọa tự nhiên đang xảy ra với tần suất ngày càng lớn ở Bangladesh: các vụ sét đánh chết người.
‘Kinh đô sấm sét’ Bangladesh trồng cọ để cây chịu sét thay con người
Mojibur Rahman, người bị sét đánh gây thương tích, đang chụp hình với thẻ căn cước bên chiếc lều thiếc ở Ghior, Bangladesh ngày 1/9. Ảnh: Reuters.

Ở Bangladesh, sự tiếp giáp giữa không khí ẩm và nóng từ vịnh Bengal và không khí lạnh hơn, nặng hơn từ dãy Himalaya từ lâu đã tạo những cơn giông bão, sấm sét, theo Murad Ahmed Farukh, nhà khoa học môi trường tại Đại học Nông nghiệp Bangladesh.

Nhưng khi bầu khí quyển ấm lên do biến đổi khí hậu, giữ độ ẩm nhiều hơn, các vụ sét đánh chết người đang xảy ra thường xuyên hơn trước, trở thành một trong những hiện tượng thiên tai nguy hiểm nhất của quốc gia Nam Á này.

Năm ngoái, khoảng 360 người ở Bangladesh thiệt mạng vì sét đánh - nhiều hơn là do lũ lụt hoặc lốc xoáy, theo bộ phụ trách ứng phó thảm họa ở nước này. Năm 2016, có một ngày giông bão đã khiến 80 người chết.

Ghior là một trong những cộng đồng đang cố tìm cách giảm thiểu rủi ro, nhờ trồng những cây cọ, loài cây phát triển nhanh, có thể thay con người chịu sét đánh.

Sấm sét - thiên tai nguy hiểm nhất ở Bangladesh

Chính quyền các địa phương bắt đầu gieo hạt cọ vào năm 2017, đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng Sheikh Hasina. Thủ tướng cũng hối thúc xây nhà có hệ thống chống sét, có thể truyền điện xuống đất.

Các biện pháp chống sét đã trở thành một phần của kế hoạch quản lý thảm họa quốc gia và Luật Xây dựng Quốc gia.

Abdul Baten, một dân biểu ở Ghior, đã chi 500 USD ngân sách từ Bộ Quản trị Thiên tai và Cứu trợ để trồng hơn 500 cây cọ, ông nói với Reuters.

"Đây là biện pháp phòng ngừa của chính phủ nhằm giảm số người chết do sấm sét", Baten nói, đứng bên con đường có nhiều cây cọ.

Cho đến nay, đơn vị quản lý thảm họa của Bangladesh đã hỗ trợ việc gieo 4,8 triệu hạt giống cọ trên toàn quốc, vượt quá mục tiêu ban đầu là 1 triệu, một quan chức của cơ quan này cho biết.

Tuy nhiên, sấm sét vẫn làm chết người ở khu vực Ghior, gần đây nhất là Mongol Chandra Sarker, 55 tuổi, vào tháng 8 khi ông đi tắm ao.

Abdul Baten, một nông dân 57 tuổi, giờ đây luôn rời khỏi cánh đồng nếu trời bắt đầu mưa.

“Bây giờ chúng tôi về nhà ngay khi nhìn thấy mây đen ", ông nói với Reuters.

Công nhân lò gạch Abdul Latif, 55 tuổi, cũng vậy. Ông chưa nghe về biến đổi khí hậu nhưng có thể thấy thời tiết đang ấm hơn.

Azad Mia, ở làng Kalia gần đó, cho rằng nguyên nhân là cư dân địa phương chặt các cây lớn trong khu vực để tạo không gian xây nhà hoặc trồng lúa.

"Giờ đây, những cây cao hơn như chà là, trầu, dừa và cọ quạt đã gần như biến mất", ông nói, và cho biết những cây như vậy từng thu hút sét đánh, thay cho con người.

Dân biểu Abdul Baten của Ghior đứng gần một cây cọ trong làng ở miền trung Bangladesh ngày 1/9. Ảnh: Reuters.

Thương vong giảm vì người dân lo sợ sét đánh

Nhận thức ngày càng tăng về thương vong do sấm sét có thể đã giảm dần số người chết. Tính đến giữa tháng 9, khoảng 180 người đã chết trong các vụ sét đánh trong năm nay, giảm so với khoảng 360 năm ngoái, theo số liệu của bộ phụ trách đối phó thảm họa.

Năm ngoái, nông dân ở Sunamganj, một khu vực đông bắc có nhiều vùng đất ngập nước, được mệnh danh là “kinh đô sấm sét” của Bangladesh, khó tìm đủ công nhân vào mùa thu hoạch. Lý do là người dân đã nhận thức rõ hơn về rủi ro.

Farukh, nhà khoa học môi trường, cho biết việc trồng một giống lúa phát triển nhanh có khả năng cứu mạng người. Đó là giống lúa thu hoạch được vào tháng 4, trước mùa sét cao điểm tháng 5 và tháng 6.

Bên cạnh việc gây thương vong, sét đánh khiến nhiều nạn nhân bị thương tật vĩnh viễn, với vết sẹo bỏng, mất thính lực và suy giảm về thần kinh, các chuyên gia y tế cho biết.

Mojibur Rahman là hàng xóm bên cạnh Sarker, người đã chết trong một vụ sét đánh vào tháng 8. Rahman vẫn bị mất thính lực ở tai phải và bị ảnh hưởng bởi vết bỏng ở bên trái vì bị sét đánh trúng 5 năm trước, trong khi câu cá.

"Tôi không còn cảm giác khi sét đánh trúng", người đàn ông 35 tuổi, hiện bán hoa quả kiếm sống, nói với Reuters.

"Sét mạnh đến mức lan can một cây cầu gần đó bị sập", người đàn ông ngự‌ּc trầ‌ּn nhớ lại, đứng trước nhà kho nơi anh ta sống cùng vợ và ba đứa con.

Vợ của Chandra Sarker (giữa, áo trắng) chụp với con gái và con trai trước căn nhà thiếc của họ ở miền trung Bangladesh. Ảnh: Reuters.

Phá rừng, ô nhiễm và nóng lên toàn cầu

Farukh, chuyên gia môi trường từng thực hiện bản đồ sét ở Bangladesh, cho rằng nạn phá rừng, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng và hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân gây gia tăng đột biến những cái chết do sét đánh trong những năm gần đây.

"Điều gì đó lạ thường đang xảy ra trong bầu không khí của chúng ta," ông nói với Reuters.

Abdul Mannan, nhà khí tượng học thuộc Cục Khí tượng Bangladesh, cho biết khoảng thời gian trong năm có hiện tượng sấm sét nguy hiểm ngày càng kéo dài, bắt đầu từ đầu tháng 2.

Ông nói Bangladesh trong nhiều thập kỷ đã giảm được số người chết do lốc xoáy và lũ lụt, nhờ cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và các cấu trúc bảo vệ.

Mohsin, thuộc bộ phụ trách thảm họa, nói số người chết vì sấm sét ở Bangladesh thấp hơn khi nước này có nhiều hơn những cây lớn, vì vậy việc trồng cây có thể là một bước.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng cây cần nhiều thời gian phát triển, việc trồng có thể chưa phát huy tác dụng trong nhiều năm và có thể cần những thay đổi khác trước mắt.

Cây xanh là "biện pháp phục hồi lâu dài. Bạn đợi được 25 năm nữa chứ?" Farukh đặt câu hỏi. "Đến lúc đó nhiều nông dân và ngư dân đã chết rồi."

Ông ước tính 80% nạn nhân của sét đánh là nông dân và ngư dân cần phải làm việc bên ngoài.

Nhận thức được những hạn chế của trồng cây, chính phủ cũng đang thúc đẩy các biện pháp khác, bao gồm đặt các cột thu lôi có thể bảo vệ người dân trong phạm vi 90 m.

Chính phủ cũng hy vọng xây dựng nơi trú ẩn bằng bê tông ở những khu vực dễ bị sét đánh, Mohsin nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật