Hiệu quả từ Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp TP Cần Thơ lần thứ 8, năm 2019 diễn ra từ ngày 5 đến ngày 9-11-2019, tại Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ.
Hiệu quả từ Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
Ông Trần Anh Khoa hướng dẫn sinh viên thao tác cấp cứu người bị ngưng hô hấp tuần hoàn trong phần trình giảng tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp TP Cần Thơ.

Sự kiện này thu hút 41 nhà giáo đến từ 9 trường Trung cấp, Cao đẳng tham gia, đăng ký 41 bài giảng dự thi, bao gồm các khối môn và bài giảng thuộc lĩnh vực: kỹ thuật; sức khỏe; nông, lâm nghiệp-thủy sản và tổng hợp. Đổi mới phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là một trong những thông điệp mà hội giảng muốn truyền tải.

Theo thể lệ Hội giảng, nhà giáo tham gia phải chuẩn bị 3 loại bài giảng: lý thuyết (45 phút), thực hành (45 phút) và tích hợp (60 phút). Nhà giáo sẽ thực hiện trình giảng 1 bài rút thăm chọn từ 3 bài giảng đã chuẩn bị. Tùy từng loại bài giảng, Ban Giám khảo (BGK) sẽ chấm điểm dựa vào các tiêu chí: công tác chuẩn bị của giáo viên: hồ sơ giảng dạy, phương tiện dạy học; tiêu chí đánh giá về sư phạm: tác phong sư phạm, phương pháp dạy học, việc tổ chức dạy học; Đánh giá về chuyên môn: nội dung kiến thức mới, kỹ năng tổ chức và hướng dẫn thực hành; công cụ đánh giá người học; đảm bảo thời gian giảng bài;… Bên cạnh đó, nhà giáo còn được đánh giá về tiêu chí sử dụng hiệu quả thiết bị giáo dục nghề nghiệp tự làm và ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng. Có thể nói, bài trình giảng góp phần phản ánh toàn diện năng lực dạy học của nhà giáo. 

Ông Trần Anh Khoa, giáo viên của Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tham gia thi giảng, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Hội giảng  Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp thành phố. Riêng cấp trường thì đã có 3 lần. Qua những lần tham gia Hội giảng, tôi cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm mới về phương pháp giảng dạy. Điển hình là phương pháp giảng bài tích hợp mới được đưa vào áp dụng gần đây, chúng tôi cần học hỏi nhiều hơn để áp dụng cho thật tốt. Tham gia thi giảng lần này, tôi chọn bài: cấp cứu người bị ngưng hô hấp tuần hoàn. Sau phần thi, BGK đã góp ý cho tôi khá nhiều về mục tiêu bài giảng, cách gợi mở thêm kiến thức cho học sinh, ôn lại kiến thức cũ, đánh giá mức độ hiểu bài của học sinh... Trong đó, BGK có gợi ý, để bài giảng sinh động hơn, giáo viên có thể sử dụng đoạn phim quay cảnh cấp cứu người thật, cho thấy tầm quan trọng của các động tác cấp cứu. Thật sự điều này trước đây tôi chưa nghĩ đến”.

Xem Video: Trăn trở đầu ra của mô hình giáo dục 9+

//

Bà Nguyễn Thị Đan Thanh, giáo viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ cũng lần đầu tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp thành phố với bài giảng “Chế biến đá liếm” ứng dụng trong chăn nuôi gia súc. Sau phần thi, dù được BGK đánh giá cao về tác phong giảng bài tự tin, giọng nói rõ ràng, thu hút và đồ dùng dạy học có sáng tạo, bà cũng được góp ý thêm khá nhiều kinh nghiệm mới. Bà Nguyễn Thị Đan Thanh cho biết: “Phần công thức chế biến đá liếm, BGK gợi ý bên cạnh định lượng %, giáo viên nên bổ sung cách định lượng về mặt khối lượng để học sinh dễ hình dung hơn, đo lường cũng nhanh hơn. Ngoài ra, BGK còn góp ý thêm về cách phân bổ thời gian bài giảng, thay thế một loại dụng cụ có màu sắc khác để tạo hiệu ứng cảm quan tốt hơn... Lần đầu đi thi, được nghe BGK đóng góp trực tiếp những ý kiến thiết thực tôi rất vui và rất cảm ơn BGK. Qua đó, giúp tôi nhận ra và khắc phục nhiều thiếu sót, để nâng cao chất lượng các tiết giảng trong thời gian tới”.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ Đỗ Thị Tuyết Nhung cho biết: “Để chuẩn bị cho hội giảng cấp thành phố, từ tháng 4-2019, nhà trường đã lần lượt tổ chức thi giảng cấp khoa rồi cấp trường. Hội giảng là nơi để các nhà giáo đang giảng dạy nhiều ngành nghề đào tạo, nhiều loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tụ hội, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và tiếp thu thêm những kinh nghiệm, kiến thức mới từ những ý kiến đóng góp của BGK. Đặc biệt, qua hội giảng, nhiều giáo viên có dịp tự đánh giá lại năng lực và nhìn nhận những thiếu sót, nhất là kỹ năng sư phạm liên quan loại hình bài giảng tích hợp, để tiếp tục rèn luyện, khắc phục, nâng chất lượng giảng dạy. Để khuyến khích các giáo viên tham gia, thành tích từ hội giảng của các giáo viên được nhà trường đưa vào danh mục tiêu chí xét các danh hiệu thi đua khen thưởng cấp cơ sở và cấp thành phố”.

Qua 4 ngày thi đua sôi nổi, BGK đã chọn được những tiết giảng suất sắc, công nhận và biểu dương giáo viên đạt danh hiệu nhà giáo dạy giỏi cấp thành phố. Ngoài ra, từ kết quả này, Ban Tổ chức tuyển chọn, thành lập đội tuyển nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc vào năm 2020. Nhưng trên hết, kết quả mà Hội giảng mang lại chính là phát hiện, tuyên dương để phổ biến, nhân rộng các phương pháp giảng dạy tốt nhất, những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực tiễn nghề nghiệp của các giáo viên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong toàn thành phố, hướng tới mục tiêu giúp các em học sinh, sinh viên trang bị được những kỹ năng, kiến thức cùng trình độ kỹ thuật, tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật