UAV bí mật
Chiếc UAV RQ-180 - được cho là có ngoại hình giống máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Không quân Mỹ (USAF), đã bay qua Bắc Cực và Vùng 51 trong quá trình thử nghiệm. Tuần tạp chí Hàng không cách đây ít ngày cho biết 7 chiếc RQ-180 được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát tại các khu vực bị hạn chế và cấm truy cập vừa được đưa vào phục vụ trong USAF.
Những chiếc RQ-180 thuộc biên chế của Phi đội Trinh sát 427, đóng tại căn cứ không quân Beale ở bang California – Mỹ. Tuy nhiên, USAF từ chối bình luận về tình trạng chương trình UAV của mình.
Theo Tuần tạp chí Hàng không, RQ-180 – chiều dài 10 m và sải cánh 40 m, có khả năng ở trên không trong 24 giờ tại độ cao tới 18 km. Nó được cho là nằm trong dự án bí mật J-UCAS do Hải quân Mỹ và USAF theo đuổi từ đầu những năm 2000. Mục tiêu của dự án là tạo ra một nền tảng không người lái duy nhất phù hợp với nhu cầu của cả hải quân lẫn không quân.
RQ-180 được trang bị công nghệ tàng hình giúp chúng tránh được radar. Chiếc UAV này giống như một chiếc cánh đang bay với đường viền đơn giản, tích hợp ăng ten. Mỹ phát triển RQ-180 từ năm 2005 với chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào năm 2010.
Xem Video: Tàu con thoi X-37B trở về trái đất
//
Quá trình thử nghiệm bắt đầu khoảng 4 năm sau đó.
Các phương tiện truyền thông cho rằng RQ-180 đã bay qua Vùng 51 và Bắc Cực trong các cuộc thử nghiệm vào năm 2017. Vùng 51 là một căn cứ tối mật của Không quân Mỹ tại bang Nevada. Đây cũng là trung tâm của thuyết xoay quanh người ngoài hành tinh và công nghệ ngoài hành tinh.
Tàu con thoi X-37B
Sau 780 ngày bay quanh Trái Đất, tàu con thoi bí mật X-37B của USAF đã rời khỏi quỹ đạo và hạ cánh an toàn trên cùng đường băng mà nó đã cất cánh cách đây hơn 2 năm, NPR đưa tin hôm 28-10. Tướng Doug Schiess, chỉ huy Đơn vị Không gian 45 của Mỹ, bày tỏ sự tự hào khi thấy việc làm và sự cống hiến của họ đã được đền đáp khi X-37B hạ cánh an toàn và thành công.
Theo USAF, nhiều chi tiết về quá trình hoạt động của X-37B trong hơn 2 năm qua được giữ kín. Một trong các thử nghiệm liên quan tới thiết bị điện tử và công nghệ ống dẫn nhiệt dao động trong môi trường không gian với thời gian dài.
X-37B hạ cánh tại bang California hôm 27-10. Ảnh: Reuters
Giám đốc Văn phòng Khả năng Cơ động của USAF, Randy Walden, nói rằng chuyến đi 780 ngày của X-37B giúp làm sáng tỏ các thử nghiệm của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân cũng như hỗ trợ phóng các vệ tinh nhỏ.
Tuyên bố trên khiến một số chuyên gia, bao gồm nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, Jonathan McDowell, phản ứng. Nhà thiên văn học này cho biết Mỹ không báo cáo về việc triển khai các vệ tinh nhỏ trong đệ trình Công ước Đăng ký Liên Hiệp Quốc. "Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ hoặc Nga ngang nhiên bỏ qua Công ước" – ông McDowell cảnh báo.
USAF được cho là sở hữu 2 chiếc X-37B có thể tái sử dụng. Cả hai đã thực hiện nhiều chuyến bay, theo trang Space.com. Ban đầu, chúng được thiết kế để hoạt động khoảng 240 ngày trên quỹ đạo nhưng với chuyến bay mới nhất - 780 ngày, chúng đã tăng gấp 3 lần sức chịu đựng dự kiến.
X-37B được Cơ quan Hàng không và Vụ trụ Mỹ (NASA) phát triển như một chiếc giường thử nghiệm cho tàu vũ trụ trong tương lai. Nhưng sau đó, nó được chuyển cho Cơ quan nghiên cứu quốc phòng tiên tiến vào năm 2004 rồi được USAF tiếp nhận.