Nga đến Châu Phi: PR địa-chính trị hay chính sách dài hạn?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chúng tôi mới chuyển đến bạn đọc bài “Phương Tây cần-Kremlin sẽ tự lột chiếc áo cuối cho Châu Phi” DVO, 1/11/2019.
Nga đến Châu Phi: PR địa-chính trị hay chính sách dài hạn?
Ảnh minh họa

Để tham khảo thêm một cách nhìn khác, xin giới thiệu tiếp một bài viết của học giả Ghennadi Granovski cũng về chủ đề này .Bài đăng trên “bình luận quân sự” ngày 28/10/2019.

Trong các ngày 23-24/10 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh hai ngày và Diễn đàn kinh tế Nga-Châu Phi đã được tổ chức tại Sochi- Nga.

Các đồng chủ trì sự kiện này là Nga và Ai Cập. Tham dự Diễn đàn có các đại biểu từ 104 nước, trong đó có nguyên thủ 44 quốc gia Châu Phi.

Cuộc tranh cãi về hai mươi tỷ

Diễn đàn trên được một số kênh truyền hình Nga truyền hình trực tiếp. Phản ứng mạnh mẽ nhất trước các thông tin liên quan là từ các đại diện của cộng đồng những người theo chủ nghĩa tự do tại Nga.

Điều làm họ bất bình hơn cà là dù nước Nga đang ngập trong tình trạng nghèo đói, chính quyền Nga vẫn đi tìm cơ may cho các công ty thương mại “sân sau” của chính quyền (Nga) tại Châu Phi. Cũng liên quan đến chủ đề này, các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại diễn đàn về việc Nga xóa 20 tỷ đô la nợ cho các nước Châu Phi.

Có điều rất lạ là “các chuyên gia rất am hiểu vấn đề” ngày hôm nay lại nói nhiều đến thế về một thông tin đã có từ ngày hôm kia (từ trước đấy rất lâu-ND) Bởi vì, tại diễn đàn Sochi, Vladimir Putin chỉ nhắc lại những gì ông đã tuyên bố hai năm trước, vào tháng 9/2017, sau các cuộc hội đàm phán với Tổng thống Guinea là Alpha Conde.

Khi đó, Putin có nói rằng trong khuôn khổ của một sáng kiến toàn cầu giúp đỡ các quốc gia nghèo nhất mắc nợ, Nga đã xóa cho các quốc gia Châu Phi các khoản nợ với tổng trị giá khoảng 20 tỷ đô la. Nhiều quốc gia đã được xóa nợ - như Zambia, Mozambique, Guinea-Bissau, Tanzania, Guinea Xích đạo, Sao Tome và Principe, Madagascar và một số quốc gia khác.

Thực ra mỗi nước trong số đó được xóa không nhiều, nếu so sánh với những khoản nợ được xóa cho một số nước khác- như Cuba được xóa khoản nợ 35,3 tỷ đô la, Iraq - 12,9 tỷ dôlaa, Bắc Triều Tiên và Mông Cổ- cùng 11 tỷ đô la. Việt Nam - 9,5 tỷ đô la, v.v.

Cụ thể, Nga đã xóa các khoản tín dụng (cho vay) cấp cho các nước đang phát triển từ thời Liên Xô. Đến đầu những năm 90, các khoản tín dụng nói trên lên tới khoảng 150 tỷ đô la (theo đánh giá của Alexandr Shokhin, vào thời gian đó đang giữ cương vị Phó thủ tướng Nga). Có một số động cơ (lý do) để xóa nợ.

Trước hết, xóa các khoản vay dùng để mua những thiết bị quân sự đã lạc hậu (ví dụ, như xe tăng T-34, T-54-55),- tức những thiết bị quân sự đã không còn được sử dụng trong Các Lực lượng Vũ trang Liên Xô. Thứ hai, xóa các khoản nợ được gọi là “nợ chết” (nguyên văn- ta gọi là nợ rất xấu-ND), có nghĩa là những khoản nợ không có khả năng hoàn trả.

Và cuối cùng, xóa các khoản nợ từ thời Liên Xô cho một số quốc gia có thể mở ra cơ hội mới cho Nga tiếp tục hợp tác thương mại với họ.

Như trường hợp với Algeria chẳng hạn,- trong năm 2006 được Nga xóa hoàn toàn khoản nợ 5,7 tỷ đô la của Liên Xô và ngay lập tức đã ký một hợp đồng mua vũ khí- trang thiết bị kỹ thuật quân sự của Nga trị giá 7,5 tỷ đôla. Tình hình cũng tương tự như vậy với một số quốc gia có khả năng thanh toán tại Châu Phi.

Còn một lý do nữa để Nga tham gia vào các sáng kiến quốc tế xóa nợ cho các nước nghèo nhất hành tinh – Nga là thành viên Câu lạc bộ các quốc gia chủ nợ Paris nổi tiếng (tập hợp các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới với 21 thành viên).

Quy chế Câu lạc bộ này yêu cầu sự tham gia vô điều kiện của các thành viên vào các hoạt động thường kỳ tái cơ cấu lại các khoản nợ của các nước đang phát triển. Nga cũng phải có hành động tương xứng với vị thế của mình.

Những gì mà các nhà chính trị học tự do không nhìn thấy?

Về đặc điểm- tính chất- lý do của việc xóa “các khoản nợ chết” thì ngay các nhà chính trị học tự do Nga cũng thừa biết. Tuy vậy, họ lại giải thích theo cách hiểu rất riêng của mình.

Và đây, Phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi Trường Kinh tế Cao cấp ở St. Petersburg, Leonid Isaev khi trả lời phỏng vấn của tờ báo Đức DW đã đánh giá kết quả của diễn đàn Nga-Châu Phi mới kết thúc như sau:

“Đây chỉ là một chiến dịch PR địa- chính trị ... lại là một tín hiệu nữa cho dân chúng Nga: chúng ta (Nga) tiếp tục quay trở lại, chúng ta tiếp tục lấy lại những vị thế đã mất. Tất cả chuyện này đều nằm trong cái logic được hình thành trong thời kỳ đầu nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống V.Putin”.

Phó giáo sư Isaev không tin rằng nước Nga có thể quay trở lại Châu Phi.

“Kim ngạch thương mại của chúng ta (Nga) với toàn Châu Phi là hơn 20 tỷ đô la một chút, trong đó có một nửa là với Ai Cập và các quốc gia khác ở Bắc Phi ... Công chúng (Nga) hy vọng là chúng ta sẽ đề ra được một chiến lược dài hạn nào đó tại Châu Phi. Nhưng hiện giờ vẫn chưa có một ai xây dựng chiến lược như vậy và thậm chi ngay cả một cách nhìn dài hạn đối với Châu Phi cũng chưa từng tồn tại”.

Về mặt hình thức, Phó giáo sư Isaev nói đúng. Chưa có một văn bản nào do chính phủ soạn thảo và được Duma thông qua xác định bản chất một chiến lược như vậy (đối với Châu Phi). Tuy nhiên, không thể không nhìn thấy những công việc mà Bộ Ngoại giao Nga đã làm trên hướng Châu Phi trong hai năm qua.

Ngay từ đầu năm 2017, khi người đối thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Nga X. Lavrov là Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry rời khỏi vị trí (từ chức) , có rất nhiều bộ trưởng ngoại giao các nước Châu Phi thường xuyên lui tới Quảng trường Smolenskaya ở Matxcova (trụ sở Bộ Ngoại giao Nga-ND).

Tại những cuộc họp báo chính thức sau hội đàm, các vị khách đến từ Châu Phi luôn tuyên bố là họ sẵn sàng tăng cường quan hệ hợp tác với Matxcova.

Có hai lý do để các nước Châu Phi muốn tăng cường hợp tác với Nga Đến thời điểm đó (2017), các sự kiện ở Syria cho thấy rõ là Nga có khả năng gần như một mình giải quyết các cuộc xung đột khu vực (trong khi tại Châu Phi lại có quá nhiều các cuộc xung đột như vậy), nhưng đồng thời cũng cư xử một cách đúng mực và tôn trọng các nhà lãnh đạo các nước khu vực đó. Lý do thứ hai- Mỹ không còn quá quan tâm đến các vấn đề của Châu Phi.

Vào tháng 8 năm ngoái (2018), Tờ New York Times (Mỹ) đưa tin Mỹ đã bắt đầu rút quân và cắt giảm quy mô các chiến dịch của mình tại Châu Phi. Còn vào tháng 9 mới đây, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không nói một từ nào về Châu Phi, dường như các vấn đề Châu Phi giờ đã không còn làm Washington bận tâm.

Tại Châu Phi, “những tín hiệu rất rõ ràng” đó của Trump đã được hiểu một cách đúng đắn và họ kéo nhau đến Sochi với Putin. Cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị James John ngay sau khi diễn đàn kết thúc đã nhận xét rằng các nước Châu Phi đã có chính sách linh hoạt hơn rất đáng kể trong việc tìm kiếm các mối quan hệ đối tác kinh tế, quân sự và chính trị mới khi tăng cường quan hệ với Nga.

Kinh tế Châu Phí đang phát triển bùng nổ

Nền tảng (để xây dựng các quan hệ với Nga) đã có. Thêm nữa, nền tảng đó được tạo dựng chủ yếu từ thời Xô Viết, - thời kỳ hiện đang bị chỉ trích gay gắt vì cho Châu Phi vay quá nhiều. Và ở đó. Liên Xô không chỉ giúp về kinh tế.

Châu Phi không quên là vào năm 1960, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các “nền dân chủ Phương Tây”, Liên Xô đã ép được LHQ thông qua Tuyên bố về việc trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thu‌ộc đị‌a. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, các nước Châu Phi đã được hưởng quyền tự do và độc lập.

Dĩ nhiên, một Châu Phi tự do bắt đầu phát triển quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa với Liên Xô. Tại các trường đại học Liên Xô đã có nửa triệu người Châu Phi đã đào tạo. Còn ngay trên Lục địa Đen, Liên Xô đã xây dựng 10 cơ sở giáo dục đại học, 80 trường trung cấp và trường dạy nghề.

Sự giúp đỡ kinh tế của Liên Xô cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Liên Xô đã xây dựng tại Châu Phi 300 nhà máy- xí nghiệp công nghiệp, 155 nhà máy phục vụ nông nghiệp và tích cực xuất khẩu các sản phẩm của minh sang lục địa này.

Nhưng phải thấy rằng trong cơ cấu xuất khẩu, gần một phần ba là máy móc và trang thiết bị, gần một phần năm là các sản phẩm công nghiệp. Liên Xô cung cấp cho Châu Phi thực phẩm đã chế biến, bột giấy, giấy, v.v.. Tóm lại, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, điểu mà bây giờ Nga cũng đang “cố gắng phấn đấu”.

Hiện nay Châu Phi (đặc biệt là khu vực Châu Phi phía Nam Sahara) đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Tám (8) quốc gia Châu Phi có tốc độ tăng trưởng GDP ngang ngửa với Trung Quốc, kinh tế Guinea và Rwanda đã tăng trưởng 8,7% trong năm ngoái (2018).

Một sự tăng trưởng như vậy cần phải có nguồn lực. Những nguồn lực đó đang được đổ đến Châu Phi, trong đó có cả các nguồn lực đến từ nước Nga. Trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại của chúng ta với lục địa này đã tăng gấp đôi và, như đã nói ở trên, vượt 20 tỷ đôla.

Hơn nữa, trong cơ cấu xuất khẩu của Nga sang châu Phi, 91% là các mặt hàng phi nguyên liệu. viện Châu Phi của viện Hàn lâm khoa học Nga vửa đưa ra các dự báo về triển vọng phát triển hợp tác kinh tế sau diễn đàn ở Sochi. Hy vọng rằng trong 5-7 năm tới, kim ngạch trao đổi thương mại với Châu Phi sẽ tăng thêm 17-18 tỷ đôla.

Không như Phó giáo sư Isaev, tờ báo Anh “The Times” lại cho rằng Nga đã quay trở lại châu Phi và khẳng định nhận định của mình bằng những con số cụ thể. Tờ báo này viết: “Trong năm ngoái, Matxcova đã ký kết các thỏa thuận quân sự với ít nhất 20 quốc gia phía Nam Sahara. “Rosoboronexport” hiện chiếm 35% lượng vũ khí cung cấp cho Châu Phi.

Chúng tôi muốn nói thêm rằng có 8 quốc gia châu Phi đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Nga (họ dự kiến sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai). Nga đang giúp Cộng hòa Trung Phi giàu kim cương giải quyết cuộc xung đột nội bộ, hỗ trợ chính phủ hợp pháp của Mozambique trong cuộc chiến chống lại các chiến binh ở tỉnh Cabo Delgado phía Bắc nước này. Chính phủ Nigeria cũng đã công bố các kế hoạch hợp tác kỹ thuật- quân sự với Nga.

Nhân những sự kiện này, xin đặc biệt lưu ý đến một thông báo trên Defence Web của Bộ Quốc phòng Nam Phi- vào tuần cuối của tháng 11 sắp tới,trên vùng biển Nam Phi sẽ diễn ra cuộc tập trận hải quân chung của ba quốc gia - Nga, Trung Quốc và Nam Phi.

Nói một cách ngắn gọn, Nga đang thiết lập tại Châu Phi quan hệ hợp tác lâu dài và đa phương. quan hệ hợp tác đó sẽ mang lại lợi ích cho nước ta không chỉ về kinh tế, mà còn cả chính trị. Diễn đàn ở Sochi cho thấy rằng các quốc gia của Lục địa Đen đã sẵn sàng cho một sự phát triển quan hệ hợp tác như vậy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật