Sinh ra tại một vùng quê nghèo thuộc ngoại thành Hà Nội, như bao nhiêu cô gái cùng quê khác, năm 18 tuổi chị Tâm lấy chồng, làm dâu và làm chị của 9 đứa em trai nhà chồng rồi lần lượt làm chị của 9 đứa em dâu.
Vốn không phải là một người phụ nữ khéo ăn nói, lại càng không biết nịnh nọt nên chả bao giờ chị Tâm được mẹ chồng hay anh em nhà chồng yêu quý.
Đã vậy, do bản tính ít nói, kín đáo lại tham công tiếc việc nên chị Tâm cũng không mấy khi có thời gian ngồi lại để buôn “dưa lê, dưa cà” với các chị em dâu khác trong nhà. Chị không biết rằng, những lúc như thế lại là “cơ hội” tốt để các cô em dâu nhằm vào chị nói xấu hay thêu dệt đủ chuyện, nào là hay mang chuyện nhà chồng đi kể xấu với nhà mẹ đẻ, rồi nói xấu mẹ chồng ghê gớm, và là dâu trưởng mà chả bao giờ thấy hỏi han, thăm nom hay biếu bố mẹ được đồng quà tấm bánh… nhằm hạ uy tín của chị.
Và không biết vô tình hay cố ý, những câu chuyện này cũng vượt ra khỏi “giới hạn” kiểm soát của các nàng dâu, đến tai bố mẹ chồng chị Vốn là người thích được nghe những điều “mát tai” nên bà Liên – mẹ chồng chị Tâm cảm thấy vô cùng tức tối khi nghe một trong số các nàng dâu thủ thỉ lại rằng: “Chị Tâm bảo mong cho bố mẹ chết sớm đi để được sở hữu ngôi nhà ông bà đang ở”. Không biết rõ thực hư ra sao và không cần biết trong câu chuyện của nàng dâu thứ kia có bao nhiêu phần trăm là sự thật, bà Liên bực mình chính thức ra tuyên bố: Sẽ không chấp nhận chị làm dâu và đứa con trai của chị làm cháu nội, bà cũng bắt anh Quân - chồng chị phải bỏ vợ con, nếu không sẽ “từ mặt”.
Không còn nhà và cũng chả biết bấu víu vào đâu, hai vợ chồng phải chấp nhận đi sống nhờ đằng nhà ngoại rồi quyết tâm cố gắng làm ăn, dành dụm tích cóp để nuôi con cái học hành và hy vọng mua được mảnh đất.
Sau gần 20 năm trôi qua, với sự cố gắng của hai vợ chồng, kinh tế gia đình cũng đã bắt đầu ổn định, anh chị cũng đã mua được mảnh đất và xây lên một ngôi nhà khang trang, con cái cũng đã lớn khôn và bắt đầu tự lo được cho mình. Cũng thời gian ấy, bố mẹ anh không còn khỏe mạnh như trước, hai ông bà thi nhau hết bệnh nọ lại đến bệnh kia, đặc biệt là căn bệnh thấp khớp của bà Liên làm cho bà không thể tự đi lại được, tất cả mọi sinh hoạt của bà từ ăn uống đến đi vệ sinh đều phải cần vào sự giúp đỡ của những người thân.
Thời gian đầu, các nàng dâu còn thay phiên nhau đến ngủ để chăm sóc mẹ chồng nhưng chỉ một thời gian ngắn, sự có mặt của các nàng dâu thưa vắng dần, các anh con trai người này thì đùn đẩy cho người kia, tìm mọi lí do để rũ bỏ trách nhiệm với ông bà. Nhiều lần, ông bà cũng ngỏ ý xin ra ở với một người nào đó trong số các con nhưng họ đều từ chối, có lẽ vì họ nhìn thấy nỗi vất vả khi phải chăm sóc hai cái “mạng già” đầy bệnh tật và ốm đau.
Câu chuyện rồi cũng đến tai anh chị, chị gạt những tủi nhục ê chề năm xưa, quyết định đón ông bà về chăm sóc, nếu được ông bà chấp nhận. Chị bảo rằng: “Ai cũng có lúc phải già cả, phải bệnh tật, mình chăm mẹ chồng sau này con dâu lại chăm sóc mình”. Hơn nữa, chị Tâm cũng coi đây là việc mà trách nhiệm của người con dâu cả nên làm.
Thời gian cứ thấm thoắt trôi đi, vợ chồng bà Liên cũng đã về ở với vợ chồng chị Tâm được gần 3 năm, trong 3 năm ấy, bà cũng đã đủ hiểu và cảm nhận được sự chân thành của cô con dâu một thời bị mình đối xử bất công, gạt nước mắt ra đi với hai bàn tay trắng. Càng cảm nhận được sự chân thành ấy bao nhiêu, bà lại càng có đủ cơ sở để hiểu rằng chị Tâm chưa bao giờ cầu mong cho bố mẹ chồng chết đi để được sở hữu mảnh đất như câu chuyện mà cô con dâu thứ kể với bà trước đây và sự ân hận cứ thế đè nén bà...
Trong những ngày cuối đời, bà Liên đã gọi chị Tâm đến bên giường, cầm lấy bàn tay của cô con dâu hiếu thảo, bà ghẹn ngào nói trong nước mắt: “Những ngày cuối cùng của đời mình, mẹ mới nhận ra con là cô con dâu tốt nhất của mẹ, mẹ cảm ơn con”. Rồi bà ra đi, khi những giọt nước mắt nuối tiếc vẫn còn rơi lã chã trên đôi mắt hằn những vết chân chim.