Vốn làm cao tốc Bắc-Nam: Đã có một nửa lời giải...

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không vì thu xếp tín dụng cho các dự án BOT nói chung và dự án cao tốc Bắc - Nam mà lơ là tín dụng của các lĩnh vực kinh tế khác.
Vốn làm cao tốc Bắc-Nam: Đã có một nửa lời giải...
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp báo.

Bên cạnh cơ hội, nhà đầu tư nội muốn tham gia đấu thầu dự án Đường bộ Cao tốc Bắc - Nam đang bày tỏ rất nhiều băn khoăn về vấn đề thu xếp vốn. Đây cũng là câu hỏi được nhiều phóng viên báo chí đặt ra trong buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng Quý III/2019 tổ chức tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước sáng 1/10.

Quả thật, những nỗi lo nói trên khó có thể làm ngơ. Chính trong phần trả lời của mình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã chỉ rõ những vướng mắc, hạn chế trong việc cấp tín dụng cho các dự án BOT nói chung và dự án Đường bộ Cao tốc Bắc - Nam nói riêng.

Thứ nhất, đây đều là những dự án cần huy động nguồn vốn cực lớn, lên tới hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn tỷ đồng. Thời gian cho đầu tư cho các dự án này thường kéo dài 10-15 năm trở lên. Trong khi đó, nguồn huy động của các ngân hàng thương mại thường là vốn trung hạn và ngắn hạn.

Một vấn đề khác chưa được vị lãnh đạo ngân hàng đề cập là dự định yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống tới 30%. Sẽ là một bài toán khó cho các ngân hàng thương mại khi muốn tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư BOT.

Thứ hai, khi các yếu cầu về tỷ lệ an toàn vốn ngày càng được nâng cao, theo tiêu chuẩn Basel II, nếu các ngân hàng thương mại không tăng vốn, các dự án BOT đường bộ sẽ khó có thêm cơ hội.

Một nửa bài toán có thể sẽ được giải bởi tín hiệu tích cực được thông báo cũng tại cuộc họp báo nói trên. Việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại mà nhà nước chiếm trên 50% cổ phần đã được chính thức đặt ra. Đại diện Ngân hàng Nhà nước bày tỏ tin tưởng, sẽ có chỉ đạo từ các cấp quản lý cao hơn, để các ngân hàng thương mại được bổ sung vốn kịp thời.

Dù vậy, một câu hỏi khó hơn vẫn có thể được chuyên gia và dư luận đặt ra, nguồn tín dụng bị hút về phía các dự án xây dựng đường bộ có cản trở việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác, đặc biệt là ở những lĩnh vực không thuộc nhóm 5 ưu tiên đầu tư. Lời khẳng định về trách nhiệm của ngân hàng là phải cung cấp tín dụng cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế chỉ có thể xem là một tín hiệu lạc quan trước thực tế nhiều lần được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI ghi nhận: doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Có lẽ, vẫn cần rất nhiều trách nhiệm và nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như sự phối hợp tích cực của hệ thống ngân hàng thương mại.

Trở lại dự án cao tốc Bắc - Nam, đúng như nhận định của vị lãnh đạo ngân hàng nhà nước, không phải lo vốn cho cả dự án cao tốc Bắc - Nam cùng một lúc mà xử lý từng đoạn. Như vậy, áp lực về nguồn vốn sẽ bớt nặng nề hơn và khả năng lựa chọn nhà đầu tư sẽ linh hoạt hơn.

Đi xa hơn, có thể đặt ra cả vấn đề, làm từng đoạn cao tốc Bắc - Nam, trong đó, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác cả về nhân lực, kỹ thuật và cả về vốn đầu tư. Trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra, chúng ta có thể triển khai những dự án tiếp theo, đảm bảo các đòi hỏi chính đáng của người dân về chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm. Xem ra, điều đầu tiên mà dư luận kỳ vọng trong việc triển khai đại dự án cao tốc Bắc - Nam là đừng cố chạy theo thành tích.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật