Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch
Các yếu tố tự nhiên không tránh được:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 2 giây có 1 người chết vì bệnh tim mạch, cứ 5 giây có 1 trường hợp nhồi máu cơ tim và 6 giây thì có một trường hợp đột quỵ. bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Hơn 80% số tử vong do bệnh tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, GS. Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch quốc gia cho biết: 25% người trưởng thành Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp, có nguy cơ mắc các bệnh: tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên và tiểu đường. TS. Phạm Nguyễn Vinh, viện Tim TP.HCM cho biết: Ước tính ít nhất có khoảng 320.000 và nhiều nhất là 1,6 triệu người Việt Nam bị suy tim. |
- Giới tính: Nam giới hay bị suy tim hơn là nữ giới. Nhưng nữ giới ở tuổi mãn kinh thì tỷ lệ bệnh tim gần bằng nam giới. Lý do là trái tim của phụ nữ được nội tiết tố nữ bảo vệ trong độ tuổi sinh đẻ; tới tuổi mãn kinh, do nội tiết tố nữ bị suy giảm nên trái tim không được bảo vệ nữa.
- Di truyền: bệnh tim mạch thường có tính di truyền, nếu bố mẹ hoặc anh chị em bị bệnh tim thì con cái cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh đó.
- Tuổi: Khi cao tuổi, trái tim thường yếu đi, vách tim dầy hơn, động mạch xơ cứng, cản trở việc bơm máu của tim ra động mạch. Vì vậy, cao tuổi là một nguy cơ dễ bị bệnh tim mạch. Một thống kê cho thấy, cứ 5 người tử vong về bệnh tim thì 4 người trên 65 tuổi.
Những yếu tố có thể kiểm soát và phòng tránh được:
- Tăng huyết áp: Thành động mạch của người bị tăng huyết áp thường xơ cứng và kém co giãn khiến tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu đi nuôi cơ thể. Vì phải gắng sức lâu ngày, cơ tim sẽ dầy lên, cứng hơn, tim sẽ suy yếu dần, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy thận.
- Cholesterol máu cao: Cholesterol là một loại chất béo có trong thức ăn như mỡ lợn, gà, bò… hoặc dầu dừa. Bình thường, gan sản xuất hầu hết cholesterol cần cho cơ thể. Cholesterol phân bố ở mọi tế bào và có nhiều chức năng quan trọng. Nhưng khi nồng độ cholesterol trong máu lên cao (trên 200mg/100ml máu) thì làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
bệnh tiểu đường: Theo Hội tim Hoa Kỳ thì 65% người bị tiểu đường có thể tử vong vì một bệnh tim mạch nào đó. Điều này nhắc nhở người bệnh tiểu đường cần điều trị đúng theo chỉ định của thầy thuốc để tránh rủi ro này.
- bệnh béo phì: Ở người béo phì thường kèm theo tăng cholestetrol máu, tăng huyết áp và là nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch đã nói ở trên đây.
- Hút thuốc lá: Chất nicotin trong thuốc lá làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giảm dưỡng khí nuôi tim, tăng huyết khối trong mạch máu, gây tổn thương cho tế bào lòng mạch máu, làm chất béo kết tụ trong động mạch... Những tổn thương này làm cản trở dòng máu lưu thông nên trái tim buộc phải bóp mạnh hơn, hậu quả là trái tim sẽ mau chóng bị tổn thương.
- Ít vận động: Vận động cơ thể tăng tiêu hao năng lượng, làm giảm cholesterol, giảm đường huyết và làm hạ huyết áp. Vận động cũng làm tăng sức mạnh của bắp thịt và cơ tim, làm mạch máu đàn hồi hơn. Như vậy, người không hoặc ít vận động có nhiều nguy cơ bị đột quỵ, bị bệnh tim hơn người tập luyện cơ thể thường xuyên, đều đặn.
- Stress: Stress có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Khi bị stress, thần kinh tiết ra nhiều kích thích tố, đặc biệt chất adrenaline, chất này làm tăng huyết áp, gây tổn thương thành động mạch, gây xơ cứng, cholesterol dễ dàng đóng vào thành mạch. Stress cũng làm tăng chất gây đông máu, làm nghẹt mạch máu, dẫn tới cơn đau tim.
- Rượu bia: Uống nhiều rượu bia và uống lâu năm có thể bị béo phì, tăng huyết áp và tăng chất béo triglicerides, dẫn tới hậu quả là suy tim và tai biến mạch máu não.
Làm gì để bảo vệ trái tim?
Thay đổi nếp sống là biện pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất để giảm thiểu các nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch. Các bác sĩ khuyên chúng ta thực hiện những biện pháp bảo vệ trái tim như sau: bỏ hút thuốc lá, kiểm soát cholesterol trong máu bằng cách giảm ăn thức ăn có nhiều cholesterol và chất béo bão hòa như thịt mỡ lợn, gà, bò… Kiểm soát huyết áp bằng chế độ ăn uống hợp lý, vận động cơ thể đều đặn, giảm béo phì; tập thể dục đều đặn. Dinh dưỡng cân đối, hợp lý vừa đủ cho nhu cầu các hoạt động của cơ thể; giảm ăn muối, đường; giảm thực phẩm có chất béo bão hòa, cholesterol, ăn nhiều thực phẩm nguồn gốc thực vật. Giảm thiểu những cảm xúc quá mức như tức giận, hận thù, đố kỵ, ghen tuông, tránh các stress và các căng thẳng trong đời sống hàng ngày.