Xung quanh việc Mỹ thử tên lửa tầm trung đầu tiên sau khi rút khỏi INF

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quân đội Mỹ vừa xác nhận đã thử một tên lửa hành trình tầm trung đặt trên mặt đất. Đây là lần thử tên lửa tầm trung đầu tiên của Mỹ kể từ sau khi nước này chính thức rút khỏi INF đầu tháng 8/2019.
Xung quanh việc Mỹ thử tên lửa tầm trung đầu tiên sau khi rút khỏi INF
Mỹ thử tên lửa tầm trung đầu tiên sau khi rút khỏi INF.

Ngày 2/8 vừa qua đã đánh dấu một sự kiện được xem là “bước lùi" nguy hiểm đối với hệ thống an ninh và ổn định toàn cầu. Đó là việc cả Mỹ và Nga đều tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước INF mà hai nước đã ký với nhau cách đây hơn 3 thập niên. Quyết định trên của hai nước khiến dư luận thế giới vô cùng lo ngại vì có thể tạo ra khoảng trống nguy hiểm trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế.

Trước đó, INF đã ràng buộc hai nước không được sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung (từ 500 đến 5.500km). Có thể nói, trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, INF vẫn luôn được coi là sợi “dây neo” giữ Nga và Mỹ không vượt quá giới hạn đỏ đến mức gây nguy hiểm tới sự ổn định chiến lược toàn cầu. Nhưng những năm gần đây, Mỹ và Nga đã nhiều lần chỉ trích lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. Điều này đã dẫn tới việc ngày 2-8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF, dẫn tới Nga cũng đình chỉ hiệp ước.

Nhiều nhà quan sát lo ngại, bước đi trên sẽ mở đường cho việc triển khai tên lửa của Mỹ và Nga tại nhiều nơi trên thế giới. Bởi với việc chấm dứt INF, hai cường quốc hạt nhân thế giới này sẽ không còn phải chịu sự ràng buộc của INF nữa.

Ngay sau khi rút khỏi INF, chính phủ Mỹ đã phát đi tín hiệu cho thấy nước này sẽ đẩy nhanh việc phát triển các loại tên lửa thông thường. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, với việc chính thức rút khỏi INF, Bộ Quốc phòng sẽ có thể tự do theo đuổi việc phát triển các loại tên lửa thông thường phóng từ mặt đất và xem đây là sự đáp trả khôn ngoan trước những hành động của Nga.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng không giấu giếm ý định về việc Lầu Năm Góc muốn triển khai các tên lửa tầm trung mới đặt tại mặt đất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông Esper, Lầu Năm Góc muốn phát triển và triển khai tên lửa có năng lực hạt nhân tầm trung sớm nhất có thể song ông không tiết lộ cụ thể thời gian triển khai.

Và trong một động thái đầu tiên được xem là để hiện thực hóa những tuyên bố của Mỹ, ngày 19/8, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Đây là tầm bay bị hạn chế theo quy định của INF. Vụ thử tên lửa được tiến hành vào ngày 18/8 tại đảo San Nicolas, bang California. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất này là loại tên lửa đã đưa ra khỏi lực lượng của Mỹ kể từ sau khi INF được thông qua. Lầu Năm Góc cũng cho biết, dữ liệu và các kinh nghiệm thu được từ vụ thử nghiệm tên lửa lần này sẽ giúp Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển tính năng cho các vũ khí tầm xa trong tương lai.

Theo giới chuyên gia, tên lửa vừa được Mỹ thử nghiệm khiến người ta liên tưởng đến loại vũ khí hạt nhân Mỹ từng triển khai đến một số nước NATO ở châu Âu vào thập niên 1980. Khi đó, Mỹ còn bố trí cả tên lửa đạn đạo mặt đất Pershing 2 để đối phó các tên lửa SS-20 của Liên Xô. Sau đó, tên lửa này đã bị thu hồi và phá hủy sau khi hai siêu cường ký kết INF.

Ngoài phiên bản khai hỏa trên đất liền của Tomahawk, Lầu Năm Góc hiện cũng công bố ý định bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm bắn 3.000-4.000 km. Việc thử nghiệm có thể khởi động từ cuối năm nay. Cả hai loại tên lửa đều không trang bị đầu đạn hạt nhân.

Phản ứng của Nga và Trung Quốc

Phát biểu khi đang có chuyến thăm đến Pháp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ đã đơn phương rút khỏi INF chứ không phải Nga. Ông Putin cũng tuyên bố Nga không có ý định triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn nếu Mỹ không có vũ khí tương tự.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga Yuri Shvutkin cho rằng vụ thử nghiệm cho thấy Mỹ đã vi phạm INF từ khi thỏa thuận này vẫn còn hiệu lực, và Washington đã chuẩn bị để đơn phương rút khỏi INF.

Nghị sỹ Nga Frants Klintsevich, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga chỉ trích "đây rõ ràng là một sự nhạo báng cộng đồng quốc tế”. Ông Klintsevich tuyên bố Nga sẽ nỗ lực trong thời gian ngắn nhất nhằm đảm bảo Mỹ không đạt tiến bộ vượt trội về những loại vũ khí này. Tuy nhiên, nghị sỹ Nga cũng cho biết thêm nước này không có ý định tham gia cuộc chạy đua vũ trang.

Xem Video: Mỹ bắn hạ thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa

//

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thì cảnh báo vụ thử tên lửa hành trình tầm trung của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo ông Cảnh Sảng “hành động này của Mỹ sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới, dẫn tới leo thang đối đầu quân sự ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới an ninh khu vực và thế giới”.

Nhận định của giới phân tích

Vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung đầu tiên của Mỹ đã chính thức tái khởi động cuộc chạy đua phát triển tên lửa tầm trung giữa Nga và Mỹ, khiến giới phân tích lo ngại quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng.

Không những vậy, vụ thử tên lửa mới trên của Mỹ còn được xem là nằm trong kế hoạch tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong chuyến công du châu Á - Thái Bình Dường đầu tháng 8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đã bày tỏ hy vọng sớm triển khai các tên lửa tiêu chuẩn tầm trung trong khu vực này. Trước đó, trong phiên điều trần tại Thượng viện về bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Quốc phòng, ông Esper cũng đã khẳng định, Washington cần có nhiều thêm căn cứ quân sự hơn để đối phó với “những tiến bộ công nghệ quan trọng” của Trung Quốc và Bộ Quốc phòng cần phải mở rộng địa bàn hoạt động bên cạnh những căn cứ đã có.

Theo các chuyên gia, Mỹ hiện có khoảng 800 căn cứ trải rộng trên mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các căn cứ của Mỹ kéo dài từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản, căn cứ không quân Andersen ở Guam đến các căn cứ nhỏ không cố định phục vụ tiếp nhiên liệu và neo đậu phương tiện không quân và hải quân ở những nơi như Singapore và Thái Lan.

Theo ông Patrick M. Cronin - Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á -Thái Bình Dương (CNAS) ở Washington, việc duy trì một lực lượng cân bằng, đủ năng lực và luôn sẵn sàng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nhằm vì lợi ích quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khu vực cũng nhận định, bất kỳ nỗ lực nào của Washington nhằm bổ sung các cơ sở hiện có ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với vô số rào cản, trong đó có cả sự phản đối gay gắt từ quốc gia sở tại.

Và thực tế là đến nay, Mỹ vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ các đồng minh, đối tác khu vực đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hiện cả Australia và New Zealand đều đưa ra câu trả lời "chưa quyết định tham gia", còn các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đáp lại rằng "sẽ xem xét thận trọng"…

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh tình trạng đối đầu Mỹ-Iran tiếp tục leo thang, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, căng thẳng Mỹ và Nga bị đẩy lên một nấc thang mới sau khi INF bị đình chỉ…, việc Mỹ chưa nhận được những "cái gật đầu" của các nước đồng minh cho chiến dịch thành lập đội tuần tra tại vùng Vịnh, hay việc triển khai hệ thống tên lửa đặt tại châu Á đang cho thấy sự khác biệt trong quan điểm và mối quan tâm giữa Mỹ với các đồng minh. Trong bối cảnh đó, những mục tiêu chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang vấp phải những thách thức không nhỏ. Thực tế này phản ánh tính chất đối đầu quyết liệt trong cuộc cạnh tranh địa chính trị tại khu vực chiến lược của thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật