Người xưa cúng hồn những gì ngày lễ xá tội vong nhân?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngoài cầu xin cho các linh hồn sớm được đại xá, ngày lễ xá tội vong nhân trước đây còn là một ngày từ thiện lớn của xã hội.
Người xưa cúng hồn những gì ngày lễ xá tội vong nhân?
Sách Hội hè lễ Tết của người Việt.

Người xưa quan niệm xá tội vong nhân là ngày lễ của người đã chết, một ngày lễ dân gian theo tín ngưỡng Phật giáo, làm lễ nhằm cầu xin sự đại xá rộng rãi cho các linh hồn đang bị đày ở địa ngục. Ngày làm lễ xá tội vong nhân nhiều năm trước từng là ngày để làm thiện nguyện. Thông tin này được GS Nguyễn Văn Huyên ghi lại.

Nhà dân tộc học, GS Nguyễn Văn Huyên bằng hiểu biết của mình đã có bài viết lý giải rõ nguồn gốc, ý nghĩa của lễ xá tội vong nhân. Bài viết đăng trênIndochine Hebdomadaire Illustre số 52 ra tháng 8/1941. Nghiên cứu này do Đỗ Trọng Quang dịch tiếng Việt, được đưa vào cuốn sách Hội hè lễ Tết của người Việt (tác giả Nguyễn Văn Huyên), xuất bản năm 2017 bởi NXB Thế giới và Nhã Nam. Trong sách, GS Nguyễn Văn Huyên miêu tả lại lễ xá tội vong nhân ở miền Bắc nước ta những năm 1940.

Theo quan niệm trong dân gian, vào lúc mặt trời lặn, các cửa địa ngục mở toang và hồn những kẻ bị đày đọa ở địa ngục sẽ ùa ra các nẻo đường với sự đói khát, trần trụi. Bởi vậy, vào ngày đó, người ta bày lên bàn thờ những đĩa thức ăn, quần áo, đồ đạc, vàng bạc bằng giấy để cúng hồn.

Sau khi cúng gia tiền, tối hôm đó, người ta cúng một mâm cơm cho tất cả cô hồn bị bỏ rơi. Vì thế lúc sẩm tối, ở các phố, ai cũng đặt trước nhà mình những bàn đầy bát cơm, cháo, bánh, hoa quả, quần áo cắt bằng giấy nhiều màu, vàng mã…

Trong nhà, cả gia đình thắp hương, quỳ lạy trước ban thờ. Một số nhà mời cả thầy cúng đến cúng cho các cô hồn lang thang. Hương sắp tàn, người ta đến vệ đường, cầm bát cháo vẩy lên không. Đó là cách bố thí cháo cho các linh hồn bất hạnh. Vàng mã cũng được đốt rồi thả xuống sông. Sau đó, đố cúng sẽ được phát cho những người hành khất.

Những năm 1930-1940, rằm tháng bảy âm lịch trở thành ngày từ thiện lớn. Người giàu cho người nghèo và hành khất, các hội từ thiện đi quyên đồ rồi từ thiện cho các nhà tế bần, bệnh viện.

Mâm cúng chúng sinh.

Ở các chùa lớn, người ta dựng một đàn lớn bằng gỗ hoặc trư dài từ bàn thờ Phật đến giữa sân chùa. Những người muốn giải thoát cho linh hồn người thân sẽ đến chùa, đốt hương, thắp nến. Hòa thượng trụ trì chùa ngồi xếp bằng tròn trên đài, ông cùng các sư sãi, tín đồ sẽ tụng kinh niệm thần chú, cầu xin lòng nhân từ của chư Phật đại xá, để thúc giục việc giải thoát cho các linh hồn.

Buổi lễ kéo dài tới khuya, sau khi đã giải thoát linh hồn những kẻ bị đày ở địa ngục, hòa thượng cúng hồn một mâm cơm bố thí và đọc cho các hồn nghe lời răn của Phật để khuyến khích họ làm việc thiện.

Vào ngày xá tội vong nhân, mọi người từ quyền quý đến kẻ nghèo khó nhất đều mong cha mẹ, người thân của mình đã khuất được nhập Niết bàn.

Theo GS Nguyễn Văn Huyên, ngày xá tội vong nhân có tầm luân lý lớn, bởi nó hướng mọi người ăn ở tốt trong cuộc đời trần gian, an ủi các hồn trong cuộc đấu tranh giành sự sống. Tục này khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành đức nhân từ và từ bỏ cuộc đời phàm tục.

“Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn về thể chất cũng như tinh thần trí tuệ”, GS Nguyễn Văn Huyên viết.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật