Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nhà ngoại giao của Iran và 5 cường quốc trên thế giới đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp cuối tuần qua nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân quan trọng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Tehran, kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận và tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
Đại diện các bên tham gia cuộc họp.

Đại diện của Iran, Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã họp tại Thủ đô Vienna (Áo) với mục đích xoa dịu các căng thẳng gần đây và tiếp tục cam kết tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tại cuộc họp báo sau phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi cho biết, không khí cuộc họp rất có tính xây dựng và các phiên đàm phán đều diễn ra tốt đẹp, các bên đều quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân. Còn ông Phó Thông, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, mặc dù còn tồn tại một số căng thẳng, nhưng các nước tham gia thỏa thuận đều lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ áp đặt đối với Iran. Về phần Trung Quốc, các nước ủng hộ nỗ lực của nước này duy trì quan hệ thương mại và dầu mỏ với Iran. Ngoài việc tiếp tục các hoạt động thương mại với Trung Quốc, Iran cũng mong muốn tiếp tục trao đổi hàng hóa với châu Âu mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nước châu Âu lo ngại các hành động phá vỡ thỏa thuận hạt nhân của Iran sẽ dẫn đến đối đầu giữa Tehran và Washington. Tuy nhiên, những nỗ lực bảo vệ thương mại với Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ đều không đạt được mục đích. Iran từng tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận, nếu châu Âu không thể tìm cách bảo vệ nền kinh tế của nước này.

Theo thỏa thuận, tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran sẽ được gỡ bỏ và Iran sẽ dừng các hoạt động hạt nhân. Đến nay, Iran đã vi phạm điều khoản về lượng dự trữ uranium cũng như vượt mức cho phép 3,67% để làm giàu uranium. Theo ông Seyed Abbas Araghchi, các động thái gần đây của Iran là nhằm buộc các bên phải công khai đàm phán về các lệnh trừng phạt của Mỹ và Iran sẽ tiếp tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân cho đến khi châu Âu đáp ứng yêu cầu của Tehran. Cũng vào cuối tuần qua, Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran thông báo, nước này đã làm giàu được 24 tấn uranium kể từ năm 2015 – thời điểm ký kết thỏa thuận hạt nhân với các nước.

Ngày 19-7, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ 1 tàu chở dầu mang cờ Anh - chỉ 2 tuần sau khi lực lượng Anh bắt giữ 1 tàu chở dầu của Iran gần cảng Gibraltar (vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh) do cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Syria. Ông Seyed Abbas Araghchi cho biết, việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran là vi phạm thỏa thuận hạt nhân, do trong thỏa thuận nêu các quốc gia không gây cản trở trong việc xuất khẩu dầu của Iran. Sau sự kiện bắt giữ, Anh đã kêu gọi EU thực hiện sứ mệnh hải quân để đảm bảo việc đi lại an toàn trên eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu quốc tế quan trọng của các nước. Anh còn điều tàu khu trục HMS Duncan của Hải quân Hoàng gia Anh đến vùng Vịnh để tham gia hộ tống tàu Anh bị Iran bắt giữ đi qua eo biển.

Trước những diễn biến căng thẳng gần đây giữa Iran và các nước, cuộc họp khẩn được tổ chức mang thông điệp cho thấy các nước sẵn sàng mở lại các cuộc đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, Iran và lực lượng IRGC cũng cần phải có những nhượng bộ cụ thể như chấm dứt việc làm giàu nhiên liệu hạt nhân cũng như các hành động liều lĩnh tại eo biển Hormuz chỉ để nhằm tạo lợi thế trong đàm phán.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật