Giữ tiếng khèn vang mãi nơi biên cương

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghệ nhân Lương Văn Thêm là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của bản làng xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa biết chế tác khèn bè, tâm huyết truyền dạy người trẻ kế tục điệu khèn cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Giữ tiếng khèn vang mãi nơi biên cương
Nghệ nhân Lương Văn Thêm giảng giải về cách làm khèn bè. Ảnh: Thanh Thuận

Theo chân các cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương, BĐBP Thanh Hóa, chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân Lương Văn Thêm hiện sinh sống ở bản Xắng, xã Yên Khương. Bản Xắng là nơi cư ngụ của phần lớn người dân tộc Thái (chiếm 98%). Trở lại nơi đây sau hơn một năm kể từ khi xảy ra trận lũ lịch sử tháng 10-2017, cảnh vật tại Yên Khương khiến chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng. Dưới ruộng, lúa xanh mướt. Những con suối hiền hòa ôm ấp cánh đồng. Bản làng thanh bình như chưa từng có dấu tích của trận lũ lụt lịch sử.

Đón chúng tôi trên tầng 2 ngôi nhà sàn, vợ chồng nghệ nhân Lương Văn Thêm vui vẻ như gặp lại người thân lâu ngày. Nghệ nhân Lương Văn Thêm năm nay 67 tuổi. Là người dân tộc Thái, ngay từ nhỏ, ông Thêm đã thấm nhuần phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình từ ông bà, bố mẹ. Chứng kiến bàn tay khéo léo của người cha chế tác ra những chiếc khèn bè đã thôi thúc ông phải tiếp tục kế thừa và lưu giữ cách chế tác khèn. Năm ông 16 tuổi, với lòng đam mê văn hóa dân tộc, ông được bố truyền cho nghề làm khèn bè. Sau đó 1 năm, ông Thêm xung phong đi bộ đội. Đến năm 1977 xuất ngũ, ông trở về quê hương công tác trong nhiều vai trò khác nhau, nhưng vẫn gắn bó với nghề làm khèn bè đến tận bây giờ.

Chiếc khèn của người Thái có nhiều nét khác biệt so với những cây khèn của các dân tộc khác. Theo ông Thêm, làm khèn bè Thái với người mới học rất khó. Người học phải mất 2 năm mới có thể làm được khèn. Như ông, dù đã thành thạo cũng phải mất một tuần mới làm xong chiếc khèn. Làm khèn bè đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kỳ công, hiểu rõ từng ống nứa, lá khèn cũng như sự tinh tường trong thẩm âm. Mỗi chiếc khèn có đủ 14 ống nứa ghép lại với nhau thành bè từ thấp đến cao, 1 bầu gỗ và những lưỡi gà (lá đồng) ghép lại. Theo ông Thêm, không phải loại nứa nào cũng làm được khèn, làm khèn nhất thiết là loại nứa tép mọc tự nhiên trên rừng. Mỗi khi muốn làm khèn, để có được những đoạn nứa tép ưng ý, ông phải lặn lội đến xã Yên Thắng cách bản ông đang sống 18km.

Ông vào rừng chọn lấy những cây nứa già, thân nhỏ, mỏng, thẳng, ít mấu về phơi khoảng một tháng cho khô, hơ qua ngọn lửa, rồi mới cắt ra chế tác khèn để khèn không bao giờ bị mối mọt. Sau đó, ông dùng mũi khoan để thông các đốt cây nứa. Các ống nứa được xếp thành bè từ thấp đến cao. Kỹ thuật dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi với kích cỡ khác nhau trên những đoạn nứa tép cũng đòi hỏi sự chính xác đến tuyệt đối.

Bầu khèn được làm bằng gỗ không cong vênh, nứt nẻ, dễ bào gọt, thuận tiện trong chế tác khèn. Một đầu bầu khèn được khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong. Lưỡi gà của khèn được làm bằng đồng lá. Đây là bộ phận mất nhiều thời gian chế tác và cũng là bộ phận quan trọng nhất để tạo nên âm sắc của khèn. Ông phải xử lý các lá đồng, từ độ dày mỏng, độ dài, độ cong để làm sao âm thanh phát ra phải lúc trầm, lúc bổng, lúc lại da diết đến nao lòng. Chỉ nhỏ vậy thôi mà ông Thêm phải tốn nhiều thời gian chế tác, hết mài đi dũa lại rồi thử, rồi chỉnh âm đến khi nào thấy chuẩn mới thôi. Vì thế, một buổi sáng ông chỉ làm được từ 1 đến 2 lưỡi gà.

Chế tác khèn bè đã kỳ công, nhưng thổi khèn hay cũng là nghệ thuật. Ông Thêm bộc bạch: “Chiếc khèn bè được sử dụng làm nhạc cụ đệm, có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái trong những ngày lễ truyền thống, ngày tết, lễ mừng thọ, mừng nhà mới, cưới xin... hay làm nền đưa đẩy những điệu xòe, điệu khắp của đồng bào Thái. Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật của người Thái”.

Với mong muốn mang tiếng khèn phục vụ người dân trong bản, trong xã, ông Thêm đã tham gia đội văn nghệ của xã, được mời đi biểu diễn nhiều nơi, nhiều hội diễn. Ông trở thành nhân tố chính quảng bá những giá trị, nét đẹp của dân tộc Thái trong Liên hoan các làng du lịch cộng đồng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức 2 năm/lần. Ghi nhận những đóng góp của ông với văn hóa dân tộc, năm 2010, ông Thêm được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú.

Trong tâm trạng vui vẻ, nghệ nhân Thêm còn cho biết, đàn ông người Thái muốn được phụ nữ mến phải biết thổi khèn giỏi. Nhờ biết thổi khèn mà ông cưới được bà Ngân Thị Ếm xinh đẹp trong vùng về làm vợ. Nói rồi, ông đứng lên lấy cây khèn bè thổi cho chúng tôi nghe. Vừa thổi khèn, ông vừa nhảy theo nhịp khèn. Dù đã gần 70 tuổi, nhưng những động tác nhảy của ông vẫn còn dẻo dai lắm. Tiếng khèn lúc mượt mà, trầm bổng, khi réo rắt, nỉ non, lôi cuốn hồn người...

Với tình yêu văn hóa dân tộc Thái, nghệ nhân Lương Văn Thêm vẫn miệt mài gìn giữ nghệ thuật biểu diễn và chế tác khèn bè của người Thái, mong muốn truyền nghề cho lớp con, cháu để tiếng khèn luôn vang lên trên bản Thái nơi biên cương xứ Thanh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật