Một thời thần công lưu lạc

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong lịch sử chống ngoại xâm, súng thần công được cho là xuất hiện vào thời nhà Hồ kháng chiến chống quân Minh. Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446), con trai Hồ Quý Ly (1336 - 1407), là tác giả thứ vũ khí hạng nặng mang tên “Thần cơ thương pháo” này.
Một thời thần công lưu lạc
Ảnh minh họa

Đi xem súng “Thần công”

Lịch sử triều Nguyễn chép rằng, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long ra lệnh tập trung tất cả khí dụng bằng đồng tịch thu đúc thành 9 khẩu thần công để “làm kỷ niệm muôn đời” về chiến thắng của mình. Chín khẩu thần công hay còn gọi là Cửu vị thần công (1803- 1804) đang “ngự” ở cửa Thể Nhơn và Quảng Đức, Thừa Thiên - Huế.

Năm 1816, vua Gia Long sắc phong cho cả 9 “Ngài” danh hiệu: “Thần oai vô địch thượng tướng quân”. Danh hiệu và nội dung bài sắc phong đều được khắc trên cả 9 khẩu. “Cửu vị” được đặt trước cửa Ngọ môn, đến đời vua Khải Định mới dời ra chỗ hiện nay, có một đội lính thường xuyên túc trực để bảo vệ. Hàng năm triều đình cấp tiền để tổ chức lễ cúng tế có cả trâu (hoặc bò), lợn và dê.

Từ năm 1886, lễ cúng tế này mới bị triều đình bãi bỏ do khó khăn về tài chính. Phía dưới các khẩu thần công là giá súng và bệ súng cũng được chạm trổ cực kỳ công phu và tỉ mỉ. Tên gọi 9 khẩu lần lượt theo bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông và ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trên thân súng chạm trổ tỉ mỉ, khắc danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách dùng súng, bài ký việc thu đồng đúc súng.

Các khẩu súng này chỉ dùng trong nghi lễ

Uy dũng như thế nhưng tất cả “Cửu vị” chưa từng ra chiến trường lần nào, cũng chưa nổ thử phát đạn nào, chỉ có đứng “giễu võ dương oai’ trấn giữ cổng cho kinh thành. Và đến bây giờ làm “mẫu” để cho du khách chụp ảnh lưu niệm.

Ngoài cửa Ngọ Môn, trong sân Nhà bảo tàng Cổ vật Cung đình ở số 3 đường Lê Trực (TP Huế) cũng trưng bày những khẩu súng khá dài. Ở đây có khá nhiều súng lớn, súng nhỏ, súng dài, súng ngắn thời Nguyễn mà các nhà khảo cổ nghiên cứu, phát hiện, sưu tầm được. Trên thân súng đúc nổi hai hình đầu rồng, bên dưới có giá đỡ. Kỹ thuật đúc đồng thời đó đã tinh xảo, các đường viền sắc sảo nổi bật trên nền láng mượt không một tì vết. Có những khẩu miệng và thân súng lớn hơn. Thân súng để trơn và tạo dáng thô ráp rất mạnh mẽ.

Kỹ thuật đúc đồng như thế dường như để phô trương khí thế hùng dũng của khí giới. Lại thấy những khẩu súng miệng rộng cực kỳ, dễ chừng trái đạn phải lớn bằng trái bóng đá. Thân súng ngắn cỡ 1 mét, đặt trên đế súng có bánh xe, chạm trổ hoa văn đẹp mắt. Tôi đoán chắc các khẩu súng này chỉ dùng trong nghi lễ. Chủ yếu là dùng thuốc súng bắn ra tiếng nổ thật lớn chào mừng, vì theo kích cỡ và nòng súng thì không có thể bắn ra đạn thật.

Vai trò trong đời sống chính trị

Trở lại với loại súng “thần công” của thời Nguyễn, ban đầu súng thần công được đúc bằng đồng có niên đại gần 200 năm được trang bị cho hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Gia Định, Sài Gòn. Sau này khi phát hiện, súng thần công còn nguyên vẹn với chiều dài 1,75m, đường kính đầu nòng 15cm, đường kính đuôi nòng 25cm, trọng lượng khoảng 200kg. Trên thân súng có hoa văn đường diềm, quai chạm vảy rồng, khắc chữ ở thanh trục quay. Đây là hiện vật rất có giá trị về mặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha giai đoạn 1858 - 1860.

Khi quân Pháp kéo quân từ Đà Nẵng vào miền Nam, cho đến khi chiếm được Sài Gòn đã xảy ra hai trận đánh có đấu pháo giữa quân đội nhà Nguyễn và quân đội Pháp cho thấy trình độ kỹ thuật và tác chiến rất thấp của nhà Nguyễn khi đó. Người Pháp ghi nhận là “người Việt Nam tự vệ mạnh mẽ, đường đạn của họ không phải là không chính xác, tàu La Dragonne bị trúng ba phát đạn, tàu Avalanche bảy phát” nhưng tàu không bị hư hại gì bởi đạn pháo chỉ là những cục tròn làm bằng gang, không có sức công phá. Súng thần công của nhà Nguyễn lúc đó bắn đạn tròn làm bằng gang bỏ vào đầu nòng, nhồi thuốc và đốt bằng dây mồi nên có tầm bắn ngắn dưới 1.000m.

Súng bắn đạn tròn làm bằng gang, có tầm bắn dưới 1.000m

Còn 6 khẩu súng thần công trưng bày ở Bảo tàng lịch sử thì đúng là loại pháo được sử dụng để bảo vệ thành Gia Định. Những khẩu súng thần công này được chế tạo vào thời Gia Long năm 1817 (Đinh Sửu), đặt tên là “Hùng uy tướng quân” và “Thắng uy tướng quân”. Chúng được đúc bằng đồng, chiều dài nòng súng loại ngắn là 1,35m, loại dài là 1,52m. Đường kính nòng súng 20cm, thành súng dày 5cm, đường kính họng súng 10cm, nòng súng trơn láng không có rãnh xoắn. Đạn bằng gang với đường kính gần 10cm. Mỗi viên nặng khoảng 4 - 5kg, đưa đạn vào đầu nòng, điểm hỏa bằng cách đốt lửa vào dây dẫn qua lỗ thông với khối thuốc nổ thường là 1,34kg được nén ở dưới đáy nòng súng. Tầm bắn xa khoảng 1.000m.

Nói chung, súng thần công giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, quân sự, quốc phòng của nhà Nguyễn. Đã được tôn vinh và thần thánh hóa, bên cạnh đó chính nó đã làm thay đổi biên chế tổ chức quân đội thời Nguyễn. Tuy nhiên, vấn đề súng thần công thời Nguyễn cho đến nay mặc dù đã được các nhà nghiên cứu tìm hiểu ở những khía cạnh khác nhau như hình dáng, cấu tạo, cách sử dụng nhưng mới chỉ dừng lại ở những phát hiện lẻ tẻ ở các địa phương hay một vài sưu tập trong bảo tàng.

Có lẽ cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn về những khẩu thần công như một thành tựu về kỹ nghệ đúc vũ khí thời nhà Nguyễn - chứ không cứ để chúng "lưu lạc" mãi trên nền di tích cũ như hiện nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật