Nhà thơ Phan Vũ và những hoài niệm yêu thương “Ta còn em…” cùng Hà Nội

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù thời gian sống và làm việc tại Hà Nội không nhiều, nhưng những kỷ niệm, tình cảm của nhà thơ Phan Vũ với Hà Nội khiến người đọc thực sự xúc động. Hà Nội hiện lên trong mắt độc giả không chỉ ở “Em ơi Hà Nội phố”, mà còn ở những trang sách, những gì ông vẫn đau đáu, nhớ và nghĩ về Hà Nội.
Nhà thơ Phan Vũ và những hoài niệm yêu thương “Ta còn em…” cùng Hà Nội
Nhà thơ Phan Vũ

Ngày 19/7 là ngày tiễn đưa nhà thơ Phan Vũ - tác giả của bài thơ nổi tiếng “Em ơi Hà Nội phố” về với đất mẹ. Sự ra đi của ông gây bao tiếc nuối cho bạn bè, đồng nghiệp, nghệ sĩ trẻ cũng như những khán giả yêu mến ông. Xót xa bởi cá‌i tìn‌h trong con người ông với cuộc đời, với nghệ thuật. Cho dù số lượng tác phẩm của ông chưa phải là nhiều so với nhiều nghệ sĩ khác, nhưng mỗi tác phẩm của ông luôn để lại dấu ấn và sự khác biệt, đặc biệt là “Em ơi, Hà Nội phố” - có thể nói là một trong những bài thơ về Hà Nội hay nhất trong làng thơ Việt Nam.

Phan Vũ sinh ra ở Hải Phòng, định cư lâu dài ở Sài Gòn, nhưng tình cảm ông dành cho Hà Nội là một tình cảm đặc biệt, giống như là quê hương thứ hai của ông. Năm 1954, ông sống và làm việc tại Hà Nội. Khoảng thời gian ông gắn bó với thủ đô, dường như mảnh đất này đã cho ông nhiều cảm xúc, sự yêu mến, để rồi dù sau đó vào Nam sinh sống, trong tim ông vẫn có một điều gì đó khắc khoải, tràn đầy tình cảm, nỗi nhớ về Hà Nội.

Những kỷ niệm của Hà Nội được ông khắc sâu trong những bài thơ hay tản văn: “Chợ Đồng Xuân – một khu trắng xoá/Ô Quan Chưởng, Nắng trên màu đá ong thành cũ/Bến xe điện bờ Hồ, người vẫn nườm nượp với những kem quốc doanh…” - ("Hà Nội năm ấy" – trích trong cuốn "Ly rượu trần gian")

Cũng ít ai biết lý do thật sự của điệp khúc “Ta còn em…” trong bài thơ “Em ơi Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ là như thế nào. Trong cuốn “Ly rượu trần gian”, nhà thơ Phan Vũ đã từng chia sẻ lý do ra đời bài thơ bất hủ về Hà Nội. Theo nhà thơ, tháng 12/1972, khi B.52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm dọa “Cho Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, ông khởi viết những câu đầu tiên: “Em ơi, Hà Nội phố…ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa…”.

“Điệp từ “Ta còn em, ta còn em…” được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm doạ của Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường, nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. “Ta còn em…” là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội, mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về. Nhưng “Em ơi, Hà Nội phố” không phải là một thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết… Tháng Chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm…

Điệp từ “Ta còn em…” còn có nghĩa “Ta mất em…”, đó là sự tiếc nuối về những gì thật Hà Nội không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, khôn ngoại trừ sự quên lãng của thời gian đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được”, nhà thơ Phan Vũ từng chia sẻ

Theo nhà thơ, ông đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà ông đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần nhà máy điện Yên Phụ - một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian. Nhà thơ Phan Vũ như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở. “Em ơi, Hà Nội phố” với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B.52 vào thành phố...

Nói về tác phẩm của nhà thơ Phan Vũ, nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho biết: "Trong đau thương của chiến tranh và những dằn vặt tâm tư của một cảnh ngộ riêng, Phan Vũ đã biết nhìn ra và lọc ra một Hà Nội thanh lịch, duyên dáng, hào sảng, để gìn giữ cho mình và cho người, cho hiện tại và tương lai. Bây giờ đọc lại bài thơ, người đọc sẽ cảm ơn nhà thơ đã giữ lại một Hà Nội đẹp đẽ và đáng yêu đến thế, đó là điều tôi rất thích ở thơ của Phan Vũ”.

Còn nhà báo Nguyễn Trọng Chức nhận xét Phan Vũ là người dành nhiều tình cảm cho Hà Nội, ông kể lại nhiều chuyện buồn vui của Hà Nội, nơi một thời ông đã sống và làm việc. Theo nhà báo Nguyễn Trọng Chức, ông và nhà thơ Phan Vũ đã biết nhau 30 năm, và cả hai coi nhau như những người bạn thân tình, nhờ đó mà nhà thơ Phan Vũ đã chia sẻ với nhà báo Nguyễn Trọng Chức biết bao điều về cuộc đời gần tròn thế kỷ.

“Nhà thơ Phan Vũ đã chia sẻ với tôi về những người bạn cùng thời đã trải qua khốn khó, bất hạnh của một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã, cả về những bóng hồng đã từng gắn bó với ông, và tất nhiên không thể thiếu những chặng đường trên hành trình sáng tạo nghệ thuật dài lâu của ông ở nhiều lĩnh vực”, nhà báo Nguyễn Trọng Chức nói.

Ở tuổi ngoài 90, Phan Vũ vẫn miệt mài làm việc, tháng 4/2018, ông ra mắt tuyển tập “Ta còn em” gồm hai phần. Phần đầu là trọn vẹn bài “Em ơi, Hà Nội phố” với 24 khổ, 443 câu thơ.

Vẫn đau đáu một niềm thương nhớ, hoài niệm về Hà Nội, tháng 7/2018 ông tiếp tục mở triển lãm tranh “Em ơi, Hà Nội phố” tại tại TP.HCM, trưng bày 25 tác phẩm sơn dầu.

Một ngày trước khi ông ra đi, cuốn sách “Ly rượu trần gian” đã được phát hành. Nhưng cuốn sách vẫn chưa kịp vào đếnTp.HCM, ông chưa kịp đọc, cầm trên tay cuốn sách.

Ra đi ở tuổi 93, không còn di nguyện nào dang dở, ông thanh thản và chấp nhận số phận phải là như vậy. Vẫn biết sinh, lão, bệnh tử, nhưng những bạn bè, đồng nghiệp và khán giả yêu quý ông vẫn cảm thấy buồn thương, ngậm ngùi khi chứng kiến một cây đại thụ của làng văn học nghệ thuật từ giã cõi trần gian.

Vợ ông, nhà báo Diệp Chi đã bày tỏ: "Sinh thời, anh Phan Vũ được mọi người rất yêu mến. Có lẽ hôm nay, anh cũng rất hạnh phúc khi chứng kiến bạn bè tề tựu”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật