Hàng tỷ USD của châu Phi ở đâu?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các công ty và các trung tâm tài chính nước ngoài đã góp phần thúc đẩy tham nhũng tràn lan ở châu Phi, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) nhận định.
Hàng tỷ USD của châu Phi ở đâu?
Ảnh minh họa

Một phần bức tranh về tham nhũng ở châu Phi

Châu Phi là khu vực phát triển nhanh xếp thứ 2 thế giới và vẫn còn hơn 100 triệu người dân châu Phi đang phải sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khó. Đặc biệt, khu vực châu Phi hạ Sahara là nơi có tỷ lệ cao nhất người dân phải sống ở mức cực kỳ nghèo khổ.

tham nhũng tiếp tục gây cản trở cho những nỗ lực đưa người dân thoát nghèo.

Theo TI, trong những năm gần đây, nhiều chính quyền quốc gia cũng như Liên minh châu Phi đã tuyên bố chống tham nhũng là ưu tiên của họ.

Tuy nhiên, trái ngược với những cam kết chính trị, hơn một nửa số công dân châu Phi nghĩ rằng, tham nhũng đang trở nên tồi tệ hơn ở đất nước họ, và chính phủ của họ đang làm chưa tốt trong giải quyết vấn nạn tham nhũng (theo số liệu nghiên cứu Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) - châu phi công bố ngày 11/7).

Báo cáo GCB cũng tiết lộ rằng, các cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát tham nhũng vẫn còn hoạt động yếu kém và người dân trên khắp châu lục vẫn phải hối lộ để tiếp cận các dịch vụ cơ bản nhất như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Không có gì ngạc nhiên, nghiên cứu cho thấy, so với nhóm người giàu nhất, những người nghèo nhất có khả năng phải đưa hối lộ cao gấp 2 lần, và nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của những hành vi tham nhũng của các quan chức.

Tuy nhiên, những khảo sát này mới chỉ vẽ ra một phần bức tranh về tham nhũng ở châu Phi.

Chính phủ các quốc gia không phải những người duy nhất không làm tròn trách nhiệm với công dân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Theo TI, các tác nhân nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì tham nhũng ở châu Phi, phá vỡ sự phát triển bền vững của khu vực.

Hàng tỷ USD chảy vào... hối lộ

Hối lộ không chỉ xảy ra trong phạm vi các nước châu Phi. Một cách quá thường xuyên, các công ty thương mại toàn cầu cũng dùng lá bài hối lộ để có được giao dịch với các quan chức nhà nước và chính phủ. Nhưng không giống những công dân nghèo khó phải hối lộ để tiếp cận các dịch vụ công cơ bản, các công ty hối lộ để giành được quyền khai thác khoáng sản, hợp đồng cho các dự án xây dựng lớn và nhiều giao dịch khác. Những chính trị gia ở các nước châu Phi giàu tài nguyên, khoáng sản thường trở thành mục tiêu của các hoạt động kinh doanh tham nhũng như vậy.

Báo cáo gần đây của TI có tên “Xuất khẩu tham nhũng” đã chỉ ra, chỉ có 11 quốc gia xuất khẩu lớn (chiếm khoảng 1/3 xuất khẩu thế giới) tích cực hoặc hành động vừa phải để thực thi Pháp Luật về chống lại các công ty có hành vi hối lộ ở nước ngoài, trong đó có châu Phi. Số còn lại thất bại trong điều tra và xử phạt thỏa đáng các công ty thực hiện hối lộ ở nước ngoài.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế lớn nhất của châu Phi. Một số công ty Trung Quốc, trong đó có Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc, Công ty Viễn thông ZTE và Công ty Xây dựng Cầu Đường Trung Quốc, đã bị cáo buộc hối lộ các quan chức Chính phủ cấp cao ở Chad, Uganda, Zambia và Kenya.

Đáng chú ý, các cuộc điều tra đối với một số công ty này lại được kích hoạt tại các khu vực pháp lý khác (cụ thể ở đây là Mỹ và các nước phương Tây). Trong khi, Trung Quốc cũng có luật chống hối lộ ở nước ngoài, nhưng, theo TI, không có báo cáo nào về việc Chính phủ Trung Quốc điều tra những công ty này hay buộc các công ty về tội hối lộ ở nước ngoài trong thời gian đó.

Trường hợp khác, một công ty thương mại và khai thác hàng hóa Anh - Thụy Sỹ có tên là Glencore, được cho là bị kéo vào một cuộc điều tra tham nhũng của Bộ Tư pháp Mỹ về các hoạt động tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Tỷ phú người Israel Dan Gertler, người đã hợp tác với Glencore tại DRC và đầu tư vào 2 dự án khai thác khoáng sản của họ ở nước này, đã bị Bộ Tài chính Mỹ xử phạt theo Luật Magnitsky Toàn cầu năm 2017.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, tỷ phú Gertler đã sử dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Congo Joseph Kabila, đóng vai trò là người trung gian trong các hợp đồng khai thác khoáng sản. Năm 2018, Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ ra 14 công ty có liên kết với Gertler. Và, trong khoảng thời gian từ 2010 - 2012, DRC đã mất hơn 1,36 tỷ USD từ việc định giá thấp tài sản khai thác đem bán cho các công ty nước ngoài có liên kết với Gertler.

Đầu năm nay, Chính phủ Mỹ đã truy tố 3 cựu quan chức Chính phủ của Mozambique và 5 giám đốc điều hành doanh nghiệp về một kế hoạch lừa đảo, rửa tiền trị giá 2 tỷ USD. Nằm trong kế hoạch này, hơn 200 triệu USD bị cáo buộc là tiền hối lộ và lại quả đã được chi cho các quan chức Chính phủ và các ngân hàng đầu tư của Mozambique.

Tại Tây Ban Nha, một cuộc điều tra về DEFEX - một công ty sở hữu nhà nước chuyên quảng bá và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả vũ khí, đã được mở ra vào năm 2014. DEFEX bị cáo buộc hối lộ và rửa tiền liên quan đến một số quốc gia, trong đó có Angola và Cameroon. Tính riêng vụ án ở Angola, 27 người hiện đang chịu sự xét xử của tòa án.

Ở Italy, một vụ án cấp cao đang diễn ra, liên quan thỏa thuận dầu khí đáng ngờ ở Nigeria năm 2011. Vụ việc này có khả năng dẫn tới các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Shell và Eni - 2 đại gia dầu mỏ, hiện đang bị xét xử vì tội hối lộ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, TI cho rằng, việc điều tra cần được tiến hành nhanh hơn ở một số quốc gia.

Đơn cử như ở Australia, một số công ty khai thác mỏ hiện vẫn đang trong tiến trình điều tra về tội hối lộ các quan chức cấp cao để giành giấy phép khai thác ở Sierra Leone (năm 2016) và Cộng hòa Congo (2006-2007).

Hàng tỷ USD biến mất

Theo một số ước tính, các nước châu Phi mất ít nhất 50 tỷ USD mỗi năm vì các luồng tài chính bất hợp pháp.

Số tiền không nhỏ này, lẽ ra đã có thể được sử dụng để tài trợ cho các sáng kiến và các dịch vụ công nhằm giúp cải thiện cuộc sống của công dân châu Phi. Nhưng không. Thay vào đó, số tiền được tạo ra một cách bất hợp pháp đã chảy ra nước ngoài bằng cách sử dụng các cấu trúc tài chính ở nước ngoài và thường được trợ giúp “đắc lực” từ sự thông đồng hoặc cẩu thả của các ngân hàng, luật sư, kế toán và đại lý bất động sản.

Một trong những ví dụ điển hình là ở Guinea Xích đạo. Kể từ năm 1979, gia đình Obiang cầm quyền và những người bạn thân của họ đã bị cáo buộc lấy cắp hàng tỷ USD từ công quỹ và che giấu phần lớn của cải này ở nước ngoài.

Năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Phó Tổng thống Teodorín Obiang (con trai Tổng thống Guinea Xích đạo). Theo đó, Obiang giao nộp lại khối tài sản trị giá hơn 30 triệu USD có được từ tham nhũng. Năm 2017, sau một đơn kiện Hình Sự của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Pháp và Sherpa, chính quyền Pháp đã kết án Phó Tổng thống Teodorín Obiang tội tham ô và tịch thu tài sản trị giá 35 triệu USD, trong khi Thụy Sỹ đã tịch thu dàn siêu xe tổng cộng 25 chiếc của ông.

TI nhận định, các vụ bê bối tham nhũng trong quá khứ cũng đã làm sáng tỏ vai trò quan trọng của các khu vực tài phán bí mật trong việc “dung túng” cho tham nhũng và các hoạt động phi pháp, làm cạn kiệt tài sản của các quốc gia châu Phi.

Năm 2018, các cuộc điều tra về thất thoát ở Tây Phi cho thấy, các quan chức tham nhũng, rửa tiền và phạm tội khác ở Tây Phi dễ dàng che giấu hành vi sai phạm thông qua các công ty “ma” và cũng không khó khăn trong việc truy cập hệ thống tài chính toàn cầu. Các cá nhân có chức quyền và có mối quan hệ tốt được cho là đã sử dụng những khu vực pháp lý bí mật để che giấu xung đột lợi ích của họ, gây mất niềm tin của công chúng.

Theo TI, một giải pháp quan trọng để giải quyết dòng tiền bất hợp pháp xuyên biên giới, xuyên lục địa là nguyên tắc minh bạch quyền sở hữu lợi ích. Các công ty “ẩn danh” cho phép danh tính của chủ sở hữu thực sự của họ được giữ bí mật và cho phép những người muốn giấu sự giàu có bất hợp pháp, rửa tiền thực hiện điều đó một cách dễ dàng.

Cần hành động mang tính toàn cầu

Giải quyết tham nhũng là chìa khóa để giải bài toán xóa đói giảm nghèo. Châu Phi là khu vực xếp hạng thấp nhất về Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) 2018, trong đó, 7/10 quốc gia tham nhũng nhất là từ châu Phi.

Ở trong phạm vi quốc gia, các cơ quan, tổ chức yếu kém đã thất bại trong việc kiểm soát tham nhũng và di chuyển những nguồn thu bất chính ra khỏi khu vực.

TI cho rằng, chính phủ các nước châu Phi cần phải chú trọng đến quan điểm của người dân và nghiêm túc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi việc áp dụng và thực thi các khung pháp lý một cách toàn diện, củng cố các tổ chức của họ và bảo đảm khả năng chịu trách nhiệm trong quy trình mua sắm công, cấp giấy phép và quản lý tài chính công.

Cùng với đó, thiết lập việc đăng ký công khai nêu tên chủ sở hữu của các công ty và thu hồi tài sản bị đánh cắp cũng là những bước quan trọng.

Các quốc gia cũng cần bảo vệ người tố giác và hỗ trợ các quyền dân sự, chính trị; đồng thời, hợp tác với các quốc gia khác trong điều tra tham nhũng.

Ngoài ra, theo TI, các nền kinh tế hàng đầu và mới nổi trên thế giới cũng cần có trách nhiệm khi mà họ đã làm quá ít để ngăn chặn các công ty của họ mua chuộc quan chức ở các nước châu Phi.

Ưu tiên số 1 nên hướng tới các vụ tham nhũng lớn, liên quan đến các chính trị gia và quan chức cấp cao, những người gây ra hậu quả chính trị, xã hội nghiêm trọng và cản trở thành tựu của các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Để bảo đảm các công ty của mình không góp phần vào tham nhũng ở châu Phi, các nước phát triển cũng nên thực thi hiệu quả các quy định chống hối lộ ở nước ngoài theo Công ước Chống hối lộ của OECD và Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc, thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để trả lại khối tài sản cho đất nước bị đánh cắp và thiết lập khung pháp lý cho phép xã hội dân sự và các nạn nhân của tham nhũng đưa các vụ kiện thu hồi tài sản ra tòa.

Điều cuối cùng, hàng tỷ USD đã chảy ra khỏi châu Phi qua các hệ thống tài chính nước ngoài và đang nằm ở một nơi nào đó trên thế giới. Các quốc gia là điểm đến của những dòng tiền này có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chúng. Chính phủ của các nền kinh tế lớn, bao gồm các thành viên của G20 và OECD, cũng như các trung tâm tài chính nước ngoài khác cũng có thể giúp giảm thiểu tham nhũng ở châu Phi và giúp các quốc gia của họ thu hồi tiền bị đánh cắp.

Để ngăn chặn dòng tiền bẩn ra khỏi châu Phi, các Chính phủ này phải giải quyết vấn đề rửa tiền và thiết lập việc đăng ký công khai về quyền sở hữu lợi ích. Họ cũng nên sắp xếp để nhanh chóng, minh bạch và có trách nhiệm trong việc trả lại các khối tài sản.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật