Phượng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tháng sáu. Chiều nào mưa cũng ném ngang nhà hát một trận nước trĩu trịt, lá cây rớt đầy quầy vé, người qua đường vắng càng thêm vắng.
Phượng
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Phượng ngồi gác chân lên chiếc ghế đạo cụ, kẻ mắt. Má hồng môi đỏ, tóc mái hỉ nhi, ngực vươn lên cao nhờ chiếc áo lót gọng cứng, thêm lớp kem nền che kỹ những nốt tàn nhang. Những đêm khuya lặng lẽ bước từng nhịp gạch xuống 5 tầng lầu sân khấu, Phượng bật cười. Thời gian. Từng bức hình gắn với từng vở diễn của Phượng treo trên lối cầu thang giống những vết dao. Mỗi vai diễn rạch vào đời Phượng một đường, lâu ngày đọng lại thành những vết chân chim nơi đuôi mắt. Tuổi này, Phượng vẫn gánh trên vai sứ mệnh thiếu nữ trên sàn gỗ, quả cũng là cơn tăng động của số phận.

Đêm nay, nhà hát diễn lại vở "Nước mắt chảy ngang buốt mặt người" - vở diễn đưa Phượng cùng kép chính Đào tiết bước vào cuộc đời ngôi sao sân khấu. Phượng đã nhường vai cho Tiểu Phụng, cô gái mới nổi lên từ một phim hài chiếu Tết. Rồi nhường cũng không xong. Đào non chê kịch nghệ ít người xem, khó viral trên mạng, sau đêm phúc khảo liền bỏ của chạy lấy người. Phượng gọi điện đủ bảy bảy bốn chín lần không một lời hồi đáp, liền cắt mặt Tiểu Phụng trên poster vở diễn, châm lửa đốt phong long.

Bữa Phượng đăng poster vở mới lên fanpage của nhà hát, khán giả vào chê đào kép gì mặt già như trái cà. Phượng đang uống rượu, khó kìm lại: "Tao sanh được cả đám mén mòng tụi bây, ở đó so già so trẻ với ai?". Chửi xong thì ngồi khóc. Nước mắt rớt tràn ly rượu, bết đầy vào tóc. Rồi cứ ôm bình rượu, gục ngủ lúc nào không hay.

Rồi sáng hôm sau, Phượng như quên hẳn. Mỗi buổi sáng, Phượng tự dọn đời mình, tự nhủ ít ra cũng phải tươm tất sống tới lúc nhắm mắt tắt hơi. Phượng diễn kịch cho một người cũng giống như vạn người. Từ mọi vui thú ở đời, nhưng không từ cái nghề mình được tổ độ cho. Tiền khi đủ khi thiếu, tình càng lúc càng vắng lặng, mặt lắm lần bỏng rát vì bị ruồng bỏ. Ôi cái nghề, bạc! Người ta phù thịnh chẳng ai phù suy. Chỉ có Phượng như cái cối xay, đứng giữa cánh đồng đầy gió…

… Đã là 6 giờ chiều, đường phố sau mưa bắt ánh đèn bật sáng lấp lánh như có ngàn vạn ngôi sao rớt xuống trước thềm nhà hát. Dẫu mưa nhưng hơn 300 vé đã bán sạch hết. Phượng quét qua cánh gà, nhìn Đào tiết đang ngồi im vẽ mặt. Hơn hai mươi năm, đời người ấm lạnh, Phượng từng trải qua những cơn điên rồ nhất của tuổi trẻ, phạm đủ mọi sai lầm, từng bỏ rơi tất cả. Vậy mà không hiểu sao, chỉ có nhà hát mục nát này, với thâ‌n hìn‌h gầy ốm kia, là Phượng không tài nào dứt được.

"Tôi chỉ là muốn diễn một lần cuối, trước khi bỏ đi" - Đào tiết nói. Phượng cười, câu này Đào tiết nói nhiều lần, sau mỗi cuộc sai lầm đến gục ngã. Làm gì có cánh cửa đỏ nào mở, cho đào kép già bước lên vinh quang hai lần. Diễn, là để giữ lấy cái nghề mà cha Phượng để lại. Diễn, cũng là giữ cho lòng mình một chút vàng son…

… Tám giờ tối. "Nước mắt chảy ngang buốt mặt người" khai diễn suất thứ năm trăm. Đó là câu chu‌yện tìn‌h yêu của hai con người ở giữa hai bờ chiến tuyến. Năm tháng đắng cay lẫn với ngọt ngào. Bao năm người đàn ông sống trong căn nhà có cây mù u trên bến nước, để chờ cô bán lụa ghé về. Nhưng cuộc đời mang theo biết bao bùa phép, đẩy cô ra thật xa khỏi cuộc đời anh, không còn một manh mối gì ngoài một chữ tình. Mấy chục năm, tình cũ như rêu, một lớp lại một lớp, phủ đầy lên vai người. Người trai tráng hóa lão già, giai nhân xưa thành góa bụa. Ngày gặp lại, người đàn bà ôm lấy cuộc tình cũ. Đó cũng là lần cuối họ nhìn thấy nhau. Người đàn ông đã nằm đó, nước mắt chảy ngang, như cuộc tình không nẻo về…

Phượng và Đào tiết đã diễn, đời nhân vật như lẫn vào đời mình, không thấy đường lùi. Lần đầu công diễn, khán giả nghẹt cứng, Phượng ôm hoa về nhà, ôm luôn cả gói kim tiêm mà Đào tiết bỏ quên trong giỏ hóa trang. Cha Phượng không tin, gọi anh tới, nghe anh nói rồi đuổi anh về, cấm cửa một kẻ xì ke không cho bước vô nhà. Không cho vào thì Phượng đi theo. Phượng bỏ mái nhà của cha, bước qua cầu Ông Lãnh, thuê một căn chung cư cũ, để được ở gần anh. Nhưng suốt nhiều năm, tình yêu của Phượng như một cái kênh đào, chỉ chảy xuôi chứ chưa bao giờ đón ngược vào lòng dù chỉ là một cơn bão. Đào tiết có thể nghe Phượng chửi, có thể chìa lưng cho Phượng đánh, có thể hứng mọi đòn roi của dư luận. Nhưng Đào tiết cứ đứng đó, như cây liễu lá mềm, không giết được người nhưng cũng chẳng cứu được người. Mỗi lần bị thương hay bị lên báo vì một vụ bê bối hay hiểu lầm, Đào tiết đều đến gặp, mặt thành thành thật thật mà nói với Phượng: "Tôi diễn nốt đêm này, rồi tôi sẽ bỏ đi". Muôn lần như một, nhìn mặt Đào tiết, Phượng nổi điên, tiếc là có thể giết được người nhưng không giết được chân tình. Yêu rồi hận, cứ thế mà cùng nhau đi qua tuổi hai mươi.

Mười năm sau, khi Phượng đã ở trên đỉnh cao, còn Đào tiết tự đào hố chôn mình trong một vũng lầy mỏi mệt. Nhờ Phượng, anh trúng vai lớn trong bộ phim về lính biệt động Sài Gòn. Một ngày kia, người đàn bà mang đứa con trai mắt đẹp dài như một bờ sông, tới tìm Phượng. Uống cà phê, ăn chè bà ba, uống bia rồi uống rượu, khóc cười như ngộ. Nhân sinh như mộng, đến chết Phượng cũng không nghĩ được, người này đến tìm Phượng để nhờ giải cứu con trai bà khỏi "vòng tay á‌i tìn‌h" của Đào tiết. Giữa cơn sặc bia, Phượng nhìn cậu trai mắt đẹp: "Là yêu?". Cậu trai nhìn mẹ rồi nhìn Phượng: "Là vì anh ấy đáng yêu". "Đã ngủ với nhau chưa?", Phượng quẹt miệng chai bia ngang qua miệng cậu trai nhỏ. Cậu trai vẫn nhìn Phượng, mắt rất thẳng: "Là tự em, bất chấp".

Phượng đã không hỏi Đào tiết về chàng trai mắt đẹp như sông dài. Bữa ấy đã là giáp Tết, Đào tiết đã không còn đóng chính "Nước mắt chảy ngang buốt mặt người" nhưng anh bất ngờ xuất hiện ở cánh gà, mang cho Phượng hai đòn bánh tét và hũ thịt heo ngâm nước mắm. Đó là những món ngon mẹ anh nấu nhưng bao năm anh bỏ quên chẳng thèm ăn. Từ khi mẹ mất, anh đã tự mình tìm lại công thức để nấu cúng mẹ. "Mang về cúng cho ông già giùm tôi" - Đào tiết nói, rồi đi. Phượng nghĩ tới cậu bé kia, không kìm được, bật khóc. Đào tiết không nhìn Phượng, cười mà mắt như có khói: "Là nghĩ chuyện tôi đang yêu ai và xấu xa đến thế nào à? Vứt tôi ra khỏi đời Phượng, và tự sủng hạnh đời mình đi".

Mười năm nữa vụt qua nhanh như xe tải chạy trên đường cao tốc. Kịch nghệ qua thời đỉnh cao, ông hoàng bà chúa lui về đóng dàn bao, danh hài khóc cười cùng những vai giả gái. Nhà hát không còn được cấp kinh phí, Phượng đành phục dựng kịch kinh điển, mời những gương mặt gạo cội tới tái diễn. Phượng đi tìm Đào tiết khắp thành phố, cuối cùng lôi được anh dưới cái thuyền cây trái ở bến Bình Đông.

"Tôi diễn một đêm này thôi, rồi tôi bỏ đi". Vở tái diễn vào tháng mười một, không khí ấm áp, báo chí chờ mong. Đào tiết xuất thần trở lại gây tiếng vang. Đêm ấy, sân khấu mở màn trễ vì phải tìm Đào tiết luẩn quẩn mãi trong cánh gà. Phượng diễn đến cảnh cuối cùng, chờ đổi cảnh, nghe tiếng bước chân chạy rầm rập dưới cầu thang kèm theo tiếng hét "Đào tiết bỏ trốn rồi". Cả một hàng ghế đầu của khán giả trống trơn. Trên mạng người ta nói lấp ló Đào tiết đang trốn giang hồ đòi nợ. Phượng một mình độc diễn trên sân khấu, tay cứ vuốt hoài lưng áo cái hình nhân. Có những món nợ, Phượng không vay, mà trả hoài chưa hết…

… Vở đã diễn tới màn hai, mà dưới hàng ghế khán giả chỉ có một người.

Phượng nhìn xuống, thấy một hình nhân quen thuộc, đôi mắt dài thật dài. À, bao cả một nhà hát để xem tình nhân diễn với tình nhân cũ, như một cuộc báo thù. Phượng bất giác thở dài. Ở tuổi này, Phượng chính là diễn vai góa phụ năm xưa mà không cần phải diễn. Phượng chính là người đàn bà bán lụa về lại bến sông năm ấy, ôm về một tấm lòng rỗng không. Phượng dằn mình. Và đi hết đêm diễn ấy, như thể sẽ không còn ngày mai nữa, sẽ không còn một ánh đèn nào trên sân khấu này cho mình nữa…

"Tôi đã xong đêm diễn cuối, mai là tôi đi rồi" - Đào tiết nói. Phượng bật cười. Nhưng tin thật lòng, sẽ không còn suất diễn nào của "Nước mắt rơi ngang buốt mặt người" dành cho anh. Và cả Phượng nữa…

***

Buổi sáng tháng sáu nắng chiếu ngang mặt người. Phượng đọc tin trên báo mạng. Có một người lặng lẽ buông thân mình trên sông Sài Gòn, như bay vào cõi mộng. Cả thành phố như chấn động. Phượng thấy lòng mình như một dải cát, nước bồi bên này nước lại xối bên kia…

Chàng trai mắt dài như bờ sông tìm Phượng vào một tháng sau, khi Phượng dựng vở kịch múa thể nghiệm mới cho nhà hát. Mắt bờ sông nhìn Phượng: "Tôi chỉ là giúp Đào tiết thực hiện ước nguyện, dùng số tiền cuối cùng còn lại để bao nguyên nhà hát, để diễn cùng chị một đêm diễn cuối cùng. Tôi không hiểu được sự si mê đến thân tàn ma dại vì kịch nghệ của các người. Yêu mà không thể yêu, ruồng bỏ mà rồi không thể từ bỏ, rốt cùng chị và Đào tiết, các người hệt như con sông Sài Gòn này, rẽ nhánh ba hồi lại cuốn vào bảy hồi, luẩn quẩn vào nhau đến khi chết"…

Phượng rất muốn biết, mắt bờ sông yêu Đào tiết vì điều gì. Nhưng rồi, Phượng lại im lặng. Mắt bờ sông chào Phượng: "Tôi sẽ không bao giờ quay lại nữa. Người muốn gặp, muốn cưng chiều, cũng đã rời bỏ cả"…

Sân khấu đời Phượng, đã vắng vẻ cả rồi. Người đi qua người, tình tan như pháo hoa thoáng chốc. Còn Phượng, sau rốt, vẫn là ở nơi này, cười khóc với những cuộc đời trên thánh đường này. Phượng ngồi trước thềm nhà hát, khẽ mỉm cười. Mắt Phượng nhìn tàng lá me bay. Trên cao ấy, tổ nghề vẫn dõi thấy Phượng. Ngày lại nối tiếp ngày…

Nghề hát luôn là một đề tài hấp dẫn đối với nhiều cây bút. Đứng ở bên ngoài nhìn vào, hay từ trong nhìn ra, nghề hát luôn thú vị, gọi mời.

Đi vào nghề hát là soi vào thân phận người nghệ sĩ, là thử tìm ra câu trả lời: "Điều gì đã khiến họ bị mê hoặc đến như vậy?". Như Phượng, trong truyện ngắn này, điều gì đã khiến cô trao cả tuổi thanh xuân, dồn hết cả tinh túy nghiệp diễn, cho một anh kép tài hoa mà cũng lắm tật?

Không dễ gì trả lời. Nhiều khi vai diễn như vận vào đời và ngược lại, đời cứ truân chuyên theo vai diễn.

Dương Bình Nguyên đã bất ngờ trở lại làng văn bằng một truyện ngắn dự thi viết rất chỉn chu nhưng cũng vô cùng bay bổng. Một truyện ngắn đẹp và ấm như nước mắt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật