Mẹ Hải Phòng đi đẻ thập tử nhất sinh, nhưng chuyện anh chồng ‘khóc muốn banh bệnh viện’ mới đáng chú ý

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trường hợp mắc đủ hội chứng hel‌lPS, rau tiền đạo, tiền sản giật, ngộ độc thai nghén, băng huyết, máu khó đông, suy đa tạng cấp như chị Hà My thì nhiều phần chết hơn sống.
Mẹ Hải Phòng đi đẻ thập tử nhất sinh, nhưng chuyện anh chồng ‘khóc muốn banh bệnh viện’ mới đáng chú ý
Ảnh minh họa

Những câu chuyện đi đẻ có thêm hình bóng của người chồng vẫn luôn mang lại rất nhiều trạng thái cảm xúc. Nhiều người chồng vô tâm trước sự đau đớn, kiệt quệ và nguy hiểm của vợ. Nhưng cũng có những người chồng lại lo lắng nghẹt thở, thà đánh đổi hết tất cả để cứu lấy vợ. Giống như câu chuyện đi đẻ thập tử nhất sinh vì gặp đủ mọi loại biến chứng sản khoa của chị Hà My (29 tuổi, hiện đang sống ở Hải Phòng). Khi bác sĩ hỏi tình huống xấu, giữ mẹ hay giữ con, anh chồng khóc "muốn banh cái bệnh viện", cứ liên miệng: "Cứu vợ, cứu vợ, cháu chỉ cần vợ cháu thôi!".

Gia đình hạnh phúc của chị Hà My.

Chị Hà My và 2 em bé thiên thần của mình.

Hãy cùng đọc lại chuyện đi đẻ nghẹt thở và chạm đến tột cùng cảm xúc của chị Hà My:

"Mình từ trước đến nay là một người khá tự tin về sức khỏe bản thân. Một phần vì mình ăn uống và sử dụng sản phẩm bổ sung rất đầy đủ, một phần là khi sinh bé thứ nhất mình rất khỏe, ăn khỏe ngủ khỏe và lên bàn đẻ nặng tới 80 kg. Bé đầu nhà mình sinh được gần 4kg trộm vía khỏe mạnh bụ bẫm.

Khi bầu bé thứ 2, do công việc bận rộn hơn nên mình cũng ít có thời gian chăm sóc kĩ lưỡng như lần bầu thứ nhất. Tuy nhiên mình hoàn toàn tuân thủ các lần khám định kì cũng như các xét nghiệm thai kì. Kết quả luôn là không có vấn đề gì. Tuần thai thứ 32, mình đi khám định kì và sức khỏe của 2 mẹ con vẫn hoàn toàn ổn định, em bé đã nặng gần 2,3kg. Bác sĩ hẹn tuần thai 36 khám lại.

Tuy nhiên, đến khoảng 35 tuần, mình cảm thấy bị phù tay chân. Bé thứ nhất mình không bị phù nên cũng thấy lạ, nên mình chụp ảnh lại và hỏi bạn bè. Các bạn của mình đều nói đó là bình thường, ai cũng bị, gần sinh đều thế. Khoảng 2-3 ngày sau tình trạng không giảm, mình định đi khám tuy nhiên nghĩ là còn 2-3 hôm nữa là đến lịch hẹn nên chờ rồi đi luôn.

Chị Hà My bắt đầu cảm thấy bị phù chân khi ở tuần 35.

Mang thai tháng thứ 5, chị vẫn rất thon gọn.

Nào ngờ tối hôm ấy, vợ chồng mình đi ăn tối về tới nhà, thì khoảng 30 phút sau mình bắt đầu đau bụng. Vì mình ăn hơi ít, cơn đau lại ở thượng vị, y hệt như cơn đau dạ dày nên mình nghĩ là do mình đói. Mình bảo chồng đi mua phở cho ăn, nhưng sau 20 phút, chồng về tới nhà thì thấy mình đau vật vã. Ở trong phòng điều hòa 20 độ nhưng mồ hôi đổ thành giọt khắp mặt, lưng áo ướt sũng. Mình vẫn gan lì nói: ’Đau thế này không phải đau đẻ, để em ăn’ nhưng lại không cầm nổi đũa.

Chồng mình sợ quá, cho dù mình không chịu vẫn kéo mình đi bệnh viện. Đoạn đường từ nhà tới bệnh viện chắc là đoạn đường dài nhất mình từng đi. Tới bệnh viện phụ sản, mình chỉ nói được một câu duy nhất là: ’Mổ cho em, em đau lắm rồi, đừng khám nữa!’ rồi ngất đi hoàn toàn không còn biết gì.

Hai vợ chồng chị Hà My luôn hạnh phúc bên nhau.

Đến khi tỉnh dậy đã là 2h đêm, bác sĩ nói con khỏe, đang nằm riêng. Lúc ấy cảm giác trong mình không hề mệt mỏi hay đau đớn chỗ nào hết. Mình hoàn toàn tỉnh táo, hỏi bác sĩ là con cháu nặng bao nhiêu. Bác sĩ nói 1,7kg, mình liên tục hỏi tại sao lại là 1,7kg, có nhầm không. Vì tuần 32 mình đi siêu âm là con đã gần 2,3kg. Bác sĩ bận việc nên cũng không trả lời mình nữa.

Mình lúc này chưa được gặp người thân, chưa được gặp con. Mình thấy lạ là tại sao các sản phụ khác đều nằm 1 mình, còn riêng mình lại có quá nhiều máy móc trên người, điều dưỡng liên tục thay ga giường của mình. Một lúc sau mới có bác sĩ vào giải thích tình trạng của mình huyết áp đang lên rất cao kèm theo băng huyết. Bác sĩ còn bảo mình đừng hỏi nhiều nữa nên nằm nghỉ ngơi đi, con khỏe nhưng sinh non nên 1,7kg và đang được nằm lồng ấp.

Thơi gian trôi qua thật chậm. Đến 6h sáng, mình nghe thấy các bác sĩ nói về mình và nói chuyển viện, mình vẫn nghĩ là à ổn rồi nên chuyển về nằm thôi. Lúc đẩy giường mình ra, có bác sĩ cười với mình bảo là: ’Cố lên, không sao đâu!’, mình cũng cười lại vì thực sự lúc đó mình không hề hiểu được tình trạng của mình.

Ra đến hành lang, tất cả người thân ai cũng mắt đỏ hoe vây quanh giường của mình. Mình được đẩy lên xe cấp cứu, chuyển về khoa hồi sức bệnh viện đa khoa, chồng mình ngồi bên cạnh hỏi: ’Em có đau ở đâu không?’. Mình nói: ’Em không, em thấy bình thường hết, không đau ở đâu cả. Em bị sao hả anh?’. Chồng mình nói: ’Em không sao cả, em ngủ đi. Em không làm sao hết’.

Sang đến viện là 3 ngày đấu tranh với đủ loại máy móc thiết bị, mỗi ngày chọc không biết bao nhiêu kim tiêm. Lúc nào cũng truyền thuốc hạ huyết áp, mình phải tiến hành lọc máu 2 lần, việc chuyển biến xấu khiến sinh non làm cho mình bị ngộ độc thai nghén, suy đa tạng cấp, lọc máu kịp thời mới giữ được tính mạng. Rồi những ngày nằm viện dài lê thê, em bé vẫn nằm bên khoa sản, trong lồng kính, được các cô cho bú sữa.

Tình trạng của mình tốt lên thì mới bắt đầu được người thân kể lại. Ngày mình chuyển viện, cả họ nhà mình trai gái lớn bé xếp hàng chờ hiến máu vì bệnh viện nói không đủ máu dự trữ (do mình băng huyết nên cần nhiều máu). Mình truyền tới bao nhiêu bịch máu và huyết tương mà giờ cũng không nhớ nổi nữa. Rồi mọi người kể, cái đêm chồng đưa mình vào viện, bác sĩ bắt kí giấy cam kết tình huống xấu nhất là không đảm bảo được tính mạng cả 2 mẹ con. Trong lúc mổ, bác sĩ lại tiếp tục hỏi tình huống xấu là giữ mẹ hay giữ con, đêm hôm ấy chồng mình khóc muốn banh cái bệnh viện.

Để có được 2 đứa con, chị Hà My đã phải trải qua thử thách theo cách khó ngờ nhất.

Đến giờ đi khám lại, các y tá vẫn nhớ và kể lại, chồng mình vừa khóc vừa nói: ’Cứu vợ, cứu vợ, cháu chỉ cần vợ cháu thôi!’. Mẹ chồng, mẹ đẻ, 2 bố, thậm chí ông bà ngoại chồng mình nữa đều khóc hết nước mắt.

Nhưng phải nói là nhờ phước phần tổ tiên mà cả 2 mẹ con đã đều qua khỏi giây phút ấy. Mình chắc là người duy nhất không nắm rõ về tình trạng bệnh lí của mình nhất, chỉ được chồng kể lại lời giải thích của bác sĩ là mình bị mắc hội chứng hel‌lPS rất hiếm gặp. Đây là hội chứng khiến thai phụ bị đau vùng thượng vị trong khoảng tuần 30-36 và sinh non. Tuy nhiên mình lại bị rau tiền đạo mà tuần 32 khám không phát hiện ra, khiến em bé bị suy thai, nhỏ hẳn đi so với tuần 32 đi khám.

Các bác sĩ đều nói các trường hợp chuyển viện như mình thì 9/10 trường hợp là không còn cứu được nữa. Và mình thực sự biết ơn sự sống có được ngày hôm nay. Sau khi xuất viện khoảng 1 tuần, mình được đón con về nhà. Trộm vía con rất ngoan, ngay từ tháng thứ 2 đã ngủ xuyên đêm".

Hiện tại, bé thứ 2 nhà chị Hà My đã tròn 1 tuổi, còn bé gái đầu đã hơn 5 tuổi. Qua câu chuyện đi sinh đầy biến động và nguy hiểm của mình, chị Hà My muốn gửi lời khuyên đến các mẹ khác. Chị mong đừng mẹ bầu nào chủ quan như chị, thấy dấu hiệu bị phù dù ít hay nhiều đều phải đi khám ngay. Ngoài ra, trong thai kỳ đặc biệt không nên làm việc quá sức, phải điều độ để đảm bảo sức khỏe thai kỳ. Khi có cơn đau bất thường, dù ở vị trí nào cũng phải đi viện ngay chứ không được gan lì ở nhà. Bởi cha ông ta vẫn có câu "cửa chửa là cửa mả", nên dù khỏe mạnh đến mấy cũng không được chủ quan.

Xem Video: Chồng đau khổ khi vợ cũ không nhận ra mình 

//

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật