Nỗi hoang mang ở “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TP. Thâm Quyến, được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc vì là nơi đặt đại bản doanh của nhiều tập đoàn công nghệ có “máu mặt” của đất nước, dẫn đầu là hãng thiết bị viễn thông và smartphone Huawei.
Nỗi hoang mang ở “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc
Một cửa hàng của Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Nhưng giờ đây, đòn đánh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Huawei đang phủ bầu không khí u ám lên thành phố này và các thành phố vệ tinh, nơi các nhà cung ứng của Huawei đang hoạt động.

Tại các nhà hàng và quán cà phê ở TP. Thâm Quyến, trung tâm công nghệ Trung Quốc, chủ đề chính trong các cuộc trò chuyện hàng ngày không còn là những tin tức từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), các vụ thâu tóm, sáp nhập hay các sáng tạo mới mà thay vào đó là cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và cuộc vận động chống lại Huawei của Washington.

chiến tranh thương mại là chủ đề bao trùm trong các cuộc bàn luận ở khu Việt Hải, quận Nam Sơn, phía Tây Thâm Quyến, nơi đặt đại bản doanh của tập đoàn truyền thông xã hội và internet Tencent, hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE và hãng sản xuất máy bay không người lái DJI.

Người dân địa phương nói đùa các cuộc bàn luận này nóng đến nỗi dường như mọi người không xem đây là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nữa mà là cuộc chiến giữa Mỹ và Thâm Quyến.

Trong vòng 40 năm qua, Thâm Quyến đã chuyển mình mạnh mẽ từ một làng chài hoang vắng ở tỉnh Quảng Đông trở thành một thành phố hơn 12 triệu dân, nơi ngành công nghệ cao đang đóng góp hơn 1/3 GDP của thành phố này.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lan sang ngành công nghệ, nhân viên ở các công ty công nghệ tại Thâm Quyến thức tỉnh trước tác động đối với tương lai của thành phố này.

Một nhân viên công ty công nghệ họ Lin cho biết: “chiến tranh thương mại gây ra tác động kéo dài bao gồm tác động đến hoạt động kinh doanh và toàn bộ thị trường công nghệ ở Thâm Quyến”.

Một nhân viên khác, người đang làm việc cho một công ty internet, cho biết anh đang lo ngại về việc liệu các sản phẩm và chiến lược kinh doanh của công ty anh có bị ảnh hưởng hay không.

Bắc Kinh đã vạch ra các đề án lớn cho Thâm Quyến và chọn thành phố này làm trung tâm trọng yếu của hoạt động sáng tạo trong quy hoạch phát triển Khu vực Vịnh mở rộng để kết nối các thành phố ở tỉnh Quảng Đông với Hồng Kông và Macau, cạnh tranh với các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới chẳng hạn Vịnh San Francisco (Mỹ) hay Vịnh Tokyo.

Tuy nhiên, giữa lúc đối mặt với các đòn thuế của Mỹ và đòn tấn công nhằm vào Huawei, một trụ cột trong kế hoạch triển khai mạng lưới 5G của Trung Quốc, các cơ quan chính quyền, các tổ chức tư vấn và các công ty công nghệ ở Thâm Quyến đang lo lắng về một tương lai bất ổn.

Một nhà nghiên cứu chính sách giấu tên của chính quyền TP. Thâm Quyến nói: “Điểm mấu chốt là Huawei. Huawei là công ty quan trọng nhất, nằm ở vị trí cao nhất của chuỗi cung ứng đồng thời là nhà lãnh đạo và là trung tâm của ngành công nghệ ở Thâm Quyến. Công ty này là “đầu rồng” của chúng tôi”.

Nhà nghiên cứu cho biết chính quyền Thâm Quyến sẽ “làm mọi thứ có thể” để giúp Huawei và các công ty liên kết vượt qua “cơn bão” chiến tranh thương mại hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Như bạn biết, chìa khóa cho các vấn đề của Huawei không nằm ở chính quyền Thâm Quyến mà nằm ở Washington. Thâm Quyến không thể giúp khắc phục sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và thị trường nước ngoài của Huawei”.

Washington đã cấm Huawei mua linh kiện và công nghệ của các công ty Mỹ, gạt công ty này ra khỏi mạng lưới 5G của Mỹ vì các lo ngại an ninh đồng thời kêu gọi các nước đồng minh theo gương Mỹ, vì vậy, chính quyền Thâm Quyến không thể làm được nhiều để hỗ trợ Huawei.

Thâm Quyến được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Ảnh: valoroustv

Một báo cáo mà Cục Thống kê của TP. Thâm Quyến công bố vào năm 2016 cho biết Huawei là công ty đóng góp lớn nhất cho GDP của thành phố này với mức 7%, tương đương 143 tỉ nhân dân tệ (20,6 tỉ đô la Mỹ). Các chuyên gia ước tính mức đóng góp hiện nay của Huawei đã lên đến mức hơn 10% GDP của Thâm Quyến.

Huawei và các công ty liên kết của Huawei là chủ sử dụng lao động lớn nhất của thành phố này với khoảng 80.000 nhân viên làm việc ở trụ sở của Huawei tại quận Long Cương, Thâm Quyến và 3.000 nhân viên làm việc ở một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở thành phố láng giềng Đông Hoản.

Các công ty công nghệ khác ở Thâm Quyến cũng có thể bị lọt vào tầm ngắm của Washington khi cuộc đối đầu Mỹ-Trung leo thang. Chẳng hạn, một trong những mục tiêu có thể bị Mỹ nhắm đến là công ty sản xuất máy bay không người lái DJI, đang cung cấp gần 80% máy bay không người lái ở Mỹ và Trung Quốc. Dù không nêu tên DJI nhưng gần đây Bộ An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo các công ty Mỹ về các rủi ro an ninh nếu họ sử dụng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất.

Một nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận ở Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Đông cho biết chính quyền tỉnh đã thành lập một nhóm chuyên trách để làm việc với các ban ngành liên quan ở Thâm Quyến, Đông Hoản, Quảng Châu. Nhóm chuyên trách này đã gặp gỡ các công ty công nghệ đang hoặc có thể bị tác động bởi cuộc đối đầu thương mại và công nghệ Mỹ-Trung để thảo luận giải pháp hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của họ.

Gần đây, Huawei đã lên các kế hoạch khẩn cấp, chuẩn bị ứng phó nguy cơ bị gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu. Huawei đã liên lạc với các công ty cung ứng ở Trung Quốc và các nước khác ngoài Mỹ để xác minh xem liệu họ có sử dụng linh kiện hay công nghệ của Mỹ hay không. Nếu có, họ sẽ không thể tiếp tục làm nhà cung ứng cho Huawei vì Mỹ đã cấm bán linh kiện và công nghệ của Mỹ cho Huawei.

Qiu Dongmin, nhà tư vấn ở công ty kế toán công chứng Defangxin ở Đông Hoản, cho rằng Huawei khó có thể xác minh tất cả các nhà cung ứng vì họ không muốn để Huawei nắm bắt tất cả thông tin chi tiết về công nghệ của họ.

Ông nói: “Một điều chắc chắn là tất cả mọi người đang lo lắng. Một số công ty cung ứng đang lo ngại về tương lai của họ, một số công ty cung ứng khác lo họ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Mỹ”.

Năm ngoái, Huawei chi 70 tỉ đô la để đặt mua linh kiện và công nghệ từ 13.000 nhà cung ứng trong nước và trên toàn cầu, trong đó có 92 nhà cung ứng có vai trò cốt lõi đối với hoạt động kinh doanh của Huawei bao gồm 33 ở Mỹ, 25 ở Trung Quốc, 11 ở Nhật Bản, 10 ở Đài Loan và số còn lại đến từ Đức, Hàn Quốc và Hồng Kông.

chiến tranh thương mại cũng giáng đòn vào các công ty xuất khẩu ở Thâm Quyến và Khu vực Vịnh mở rộng. Dù chính quyền Thâm Quyến đã cung cấp tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp địa phương để giúp họ trang trải các chi phí thương mại, kim ngạch xuất khẩu của thành phố này sang Mỹ trong quí 1-2019 vẫn rơi về mức 57,4 tỉ nhân dân tệ, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Guo Wanda, Phó Chủ tịch viện Phát triển Trung Quốc, có trụ sở ở Thâm Quyến, nói: “Các công ty có thể phải cắt giảm nhân viên và một số công ty nhỏ thậm chí có thể đóng cửa. Nhưng nhìn tổng thể, tác động của chiến tranh thương mại đối với Thâm Quyến là có thể kiểm soát. Nó chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế của Thâm Quyến nhưng không có nghĩa là nền kinh tế địa phương sẽ suy giảm mạnh”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật