‘Lời từ tim chảy xuống ngón tay’ của nhạc sĩ Quốc Bảo

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
100 lời ca, một phần trong số ca khúc Quốc Bảo viết trong suốt 30 năm được tuyển in trong tập “Những lời bình yên” vừa phát hành.
‘Lời từ tim chảy xuống ngón tay’ của nhạc sĩ Quốc Bảo
Sách Những lời bình yên của Quốc Bảo.

Không cứ phải là người hâm mộ mới biết đến và thích Quốc Bảo, những “bài tình” của anh từ lâu đã đi vào đời sống của những thị dân nghe nhạc pop, uống cà phê và đi đi về về trong phố.

Từ thập niên 1990, Quốc Bảo đã nổi lên với Em về tinh khôi, Em về tóc xanh… và sau này là những Bình yên, Tình ca phố, Địa đàng… Những ca khúc trở đi trở lại trong tâm trí người nghe nhạc, đôi khi đã kịp trở thành một phần của hoài niệm.

Lời bình yên được ghi lại từ những giấc mơ

Những lời bình yên được biên tập theo trình tự thời gian sáng tác của Quốc Bảo, bắt đầu với Em về tinh khôi (1992) và tạm kết với Bài đồng dao của ngày.

Xuyên suốt cuốn sách, người đọc sẽ phần nào hiểu được con người Quốc Bảo đã biến đổi theo thời gian, trong âm nhạc, từ một nghệ sĩ vốn “yêu đời”, vui tươi đã trở nên chiêm nghiệm, thâm trầm hơn.

Ngay ở trang đầu tiên, người nhạc sĩ ghi chú với độc giả: “đây là những lời hát, không phải thơ” và “giở một tập lời hát (Những lời bình yên), bạn ngân nga âm ư những giai điệu”. Nhạc tính trong lời bài hát sẽ trở lại khi bạn cầm lên cuốn sách, lần dở từng trang và mấp máy môi một cách vô thức theo những thanh âm đã in dấu trong đầu.

Sẽ có hai kiểu độc giả đọc Những lời bình yên của Quốc Bảo; hoặc là nghe nhạc hoặc không nghe nhạc của anh. Tuy nhiên, sẽ không có điều gì ngáng trở người đọc khám phá thế giới ngôn từ của Quốc Bảo, những lời ca khi trong trẻo khi trầm uất, khi thênh thang khi bóng tối bít lối, khi khai hoa nở nhụy, khi mục ruỗng, thậm chí chết chóc.

Nhạc sĩ Quốc Bảo thừa nhận, lời ca luôn là thứ sau cùng khi anh viết một bản nhạc. Những lời viết ra ở dòng phụ tờ giấy nhạc, trên mảnh giấy bạc bao thu‌ốc l‌á, mặt sau một trang ghi chú “thường được viết rất nhanh, có khi đúng bằng thời lượng bản ghi âm nháp mà tôi yêu cầu bật lên trong phòng thu”.

Tuy nhiên, những lời ca hiện ra ngẫu hứng, viết vội, ghi đè lên bất cứ đâu ấy đến từ thói quen ghi chép lại những giấc mơ tảng sáng của Quốc bảo. “Tôi chỉ đơn giản ghi lại những tỉnh thức, còn thì chúng đã có trong mơ”, nhạc sĩ chia sẻ.

Viết nhạc thêm 10 năm, sau đó nghỉ ngơi viết sách, du lịch

Nếu là người theo dõi Quốc Bảo (qua mạng xã hội, blog cá nhân), nhiều người đều biết anh hứng thú với máy ảnh Leica, nhiếp ảnh, đồ da, bút mực và viết chữ. Bên cạnh đó, ngoài viết lời ca, anh còn viết sách, viết báo và được công chúng yêu thích. Có thể nói, Quốc Bảo là nghệ sĩ đa tài, mà ở lĩnh vực nào anh “nhảy vào” đều ít nhiều tạo được dấu ấn của riêng mình.

Là người ít nhiều yêu thích và cập nhật công nghệ nhưng tất cả những gì anh làm đều rất cơ học, tối giản và tự nhiên. Những lời ca đều được anh viết bằng tay, mực chảy ra từ bút khi di tay trên giấy mà như anh nói “để những lời chảy từ tim chảy xuống ngón tay”. Và nhạc sĩ cũng thừa nhận, anh sẽ không bao giờ cần đến các ứng dụng di động hay một trợ lý ảo nào đó… Quốc Bảo cũng cho biết, anh sẽ duy trì thói quen viết trên giấy rời, ở quán cà phê hoặc trong phòng thu.

Nhạc sĩ Quốc Bảo.

Tuy nhiên, Quốc Bảo sẽ không sáng tác nhạc mãi. Anh đã lên kế hoạch cho mình, bên cạnh âm nhạc, còn là các hoạt động khác. Trên trang Facebook cá nhân, nhạc sĩ viết: “Năm nay tròn 30 năm từ khi tôi viết ca khúc đầu tay. Nếu không có gì biến động, tôi viết nhạc 10 năm nữa, sau đó là nghỉ ngơi viết sách, du lịch”.

Trong 30 năm sáng tác, Quốc Bảo đã có một sự nghiệp thành công. Anh là một trong những nhạc sĩ có nhiều album tác giả, và được công chúng đón nhận.

Sáng tác của Quốc Bảo hay nhất phải qua giọng hát của các ca sĩ Trần Thu Hà, Thanh Lam, Đức Tuấn… Nhưng ca từ của Quốc Bảo viết ra, bập trên môi của mỗi người đọc khi giở từng trang Những lời bình yên, sẽ mang chất hay riêng.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật