Lời hứa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một buổi sáng, trời trong xanh, ánh nắng ấm áp xuyên qua lớp học. Trong phòng, anh - một thầy giáo trẻ mới ra trường - ngồi trên bục giảng giáo viên cho học sinh tập làm văn.
Lời hứa
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúc đầu các em nhao nhao quay hỏi nhau, sau bắt đầu cắm cúi viết, lớp học im phăng phắc. Anh nhìn xuống các em học sinh của mình, mỗi đứa một nét mặt ngây thơ, trong trẻo, hồn nhiên trông thật đáng yêu. Anh nhìn ra bên cửa sổ, xa xa cánh đồng mía xanh rì, già có trẻ có, đàn ông lẫn đàn bà, đang hăng say thu hoạch. Nhìn cảnh tượng ấy, bỗng dưng anh chợt nhớ đến quê mình, nhớ thời niên thiếu…

Anh nhớ lại thuở nhỏ, ở quê nhà anh thuộc diện mẹ góa con côi, một mình mẹ nuôi bốn con nhỏ, nghèo nhất xóm. Ban đầu căn nhà tranh vách đất, nền cũng đất. Căn nhà này là nhờ hàng xóm làm cho, người giúp vài gánh tranh, người giúp ít tre rơm, rồi xúm xít đào đất gò mối, trộn rơm, ngâm nước, giậm đất cho nhuyễn, cùng nhau trét vách nhà khoảng một tuần là xong. Chủ nhà chỉ lo bữa trưa bữa xế, không tốn tiền công cán chi cả. Tuy đơn sơ vậy nhưng căn nhà ở rất mát. Sau lâu ngày tranh mục, nhà dột, bấy giờ anh chị em đã lớn hơn quyết định xây căn nhà khác nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Ấy là căn nhà bằng mái tôn, tường gạch xây chưa tô, chưa có cánh cửa sổ, nền láng xi-măng. Mái tôn là mua rẻ lại cái trang trại người ta giải thể, tôn Mỹ cứng và bền, nhưng đã qua nhiều người dùng, có nhiều lỗ đinh. Thợ lợp nhà bày: "Mua về, lấy vải với dầu hắc trám lại các lỗ đinh, sẽ giống tôn y chang mới…". Đúng vậy, thời gian đầu không sao cả. Một năm sau, vào mùa hè trời nắng nóng, trên mái tôn càng nóng hơn, dầu hắc chảy ra trống các lỗ đinh, trời mưa đến, nhà lại dột tứ tung. Anh chị em hối hả lấy tấm bạt giăng, lấy thau, lấy xoong nồi ra hứng nước nhưng vẫn không xuể. Trời mưa to, gió lớn, nước mưa tạt từ cửa sổ vào, trong nhà chỗ nào cũng dột, cũng ướt.

Cuộc sống khó khăn, trong nhà anh chị em đều học đến lớp 9 rồi nghỉ học, lang bạt đi làm mướn khắp nơi. Riêng anh, con Út, còn nhỏ nên được ưu ái cho đi học tiếp. Anh học không giỏi nhưng kiên nhẫn, cần cù bù thông minh. Sở dĩ cố gắng học vì anh nghĩ nhà mình nghèo, đất đai không có, chỉ đi học mới có cơ hội tiến thân. Từ nhỏ anh đã rất yêu nghề giáo. Hình ảnh ông thầy giáo mặc áo sơ-mi, quần tây, bỏ áo trong quần, có cuộc sống chuẩn mực, làm cho anh luôn kính trọng. Đặc biệt, hình ảnh cô giáo mặc áo dài thướt tha, thùy mị, ân cần dịu dàng với học sinh, anh luôn có cảm giác gần gũi, thân thương giống như mẹ mình.

Một lần, năm đó học lớp 11, vào mùa thi anh ngày đêm chú tâm học bài. Buổi tối, thấy anh học khuya quá, mẹ nấu cháo đậu xanh bưng lên cho anh ăn. Mẹ đứng gần bên, quan tâm hỏi: "Lớn lên con thích làm nghề gì?". Anh nhanh nhảu nói: "Con thích làm thầy giáo. Vì nghề giáo là người thầm lặng đưa đò, một người hùng vô danh. Nghề giáo cao quý nhất trong những nghề cao quý…". Mẹ chậm rãi: "Ừ, nghề nào con thích, nghề ấy mẹ yêu!".

Cùng xóm, có thằng Tèo lé. Ở nhà quê có cái lạ, không hiểu sao người ta hay đặt tên Tèo, tên Cu… Người xưa quan niệm những tên xấu xí dễ nuôi, ma quỷ không bắt, cho nên hay đặt tên xấu, chẳng hạn như tên Cu. Còn tên Tèo chẳng liên quan hay ho gì, không hiểu sao người ta hay đặt. Có gia đình đặt tên hết cả các con, nào Tèo anh, Tèo em… Tên trong giấy khai sinh của thằng Tèo là Hùng, nhưng mắt nó lé nên hàng xóm gọi là Tèo lé. Từ lúc học lớp một, anh và thằng Tèo đã học chung và chơi với nhau, đều hoàn cảnh nghèo. Đến năm cấp ba, thằng Tèo nghỉ học, đi làm thuê làm mướn, phụ giúp gia đình. Năm nào đến mùa hè, thằng Tèo cũng rủ anh đi nhận khoán hay làm mướn, đủ thứ việc như phát mía, xắt mì, cắt lúa, nhổ sắn nước… Tất cả những gì người ta mướn hoặc khoán đều làm. Làm mướn và làm khoán, làm khoán có tiền nhiều hơn nhưng mệt hơn.

Được bao nhiêu tiền, anh đều đưa cho mẹ mua quần áo, sách vở để hết hè vô học. Còn thằng Tèo vẫn đi làm mướn khắp nơi.

Năm anh thi đậu đại học sư phạm, cũng là lúc thằng Tèo bỏ đi làm mướn, học nghề sơn sửa xe đạp.

Ở thành phố, các bạn sinh viên ở quê được gia đình gửi tiền lên cho ăn ở trọ học, tùy hoàn cảnh gia đình giàu nghèo, song mỗi tháng ít nhất từ 3 đến 4 triệu đồng tằn tiện mới đủ sống. Còn anh, anh chị mỗi người đóng góp cho em ít trăm, nhưng lúc có lúc không, hầu như tháng nào cũng thiếu. Anh phải làm thêm nhiều việc như bán cà phê, bán báo, gia sư, phụ nhà hàng tiệc cưới. Mấy lần rảnh rỗi, anh tranh thủ về quê thấy nhà cửa sơ sài, mẹ gầy đi, bao năm vẫn mặc chiếc áo bạc màu đó, lòng xót xa vô hạn. Anh muốn giúp đỡ mẹ nhưng chẳng biết làm thế nào. Ở được mấy hôm, anh lại lên thành phố đi làm kiếm tiền học, mẹ nhét trong túi mấy trăm nghìn và chuẩn bị những thứ lỉnh kỉnh, chục ký gạo, thịt kho, cá kho, bầu bí, đu đủ, có cả chục ổi nữa. Mẹ bảo: "Con cầm lên cho bạn ăn…".

Ngồi trên chuyến xe về thành phố, nghĩ mẹ thương chắt chiu lo lắng cho con từng thứ, cổ anh nghẹn lại, nước mắt muốn chảy ra. Anh thầm hứa trong lòng: "Mẹ ráng chịu khổ cho con mấy năm nữa, học xong, đi làm có tiền, con sẽ phụ giúp gia đình, đỡ đần cho mẹ phần nào!".

Mấy năm vất vả cũng trôi qua, so với người ta anh thuộc diện may mắn, ra trường nhận nhiệm sở ở miền núi. Song lương viên chức chỉ 2,34, mới vào còn hợp đồng 85% lương, thêm 30% phụ cấp, tổng thu nhập một tháng gần 4 triệu. Cuộc sống xa nhà, ăn uống tự túc, còn khó khăn hơn thời đi học. Thời sinh viên, ở phố lúc kẹt tiền, anh còn có thể tranh thủ đi làm tăng ca. Còn giờ đây anh đi làm rồi, dù sao cũng là thầy giáo, hơn nữa ở miền núi muốn đi làm thêm chẳng có việc gì làm. Đã vậy, càng lớn con người ta càng sinh hoạt cao hơn, nào là xăng xe, bạn bè, cưới hỏi, giao lưu với đồng nghiệp cơ quan. Anh càng chắt chiu, tằn tiện hơn. Song anh tự nhủ: Ráng một vài năm sau, lương sẽ dần dần tăng lên. Cái chính là anh đã thực hiện được mơ ước từ nhỏ của mình, được đứng trên bục giảng, dạy học.

Cái khổ vật chất, tuy vậy nhưng không bằng cái buồn về tinh thần. Cuối tuần, anh thường chạy xe máy về thăm nhà. Chiếc xe này cũng của anh chị em cho mượn tiền, sắm cho để tiện bề đi làm. Ở nhà, cảnh vật bao năm vẫn như cũ, chỉ có điều mẹ ngày càng lớn tuổi, anh muốn có tiền để lo cho mẹ, song chẳng biết làm gì hơn. Anh cảm thấy bất lực, đau đớn. Ở quê, những người bạn học cùng lứa đa phần ở lại thành phố, còn lại những người học ít mới quanh quẩn trong làng, ấy là thằng Tèo lé. Thằng Tèo giờ đây thuộc diện khá giả. Ban đầu, nó theo người ta học nghề sửa xe đạp. Học xong, nó thuê mảnh đất nhỏ ở ngã ba đầu làng, mở tiệm hàn gió đá, sơn sửa xe đạp. Vừa làm nghề, nó vừa mua xe cũ, sơn sửa bán lại kiếm lời. Sau xe đạp ít đi, nó chuyển sang đi học nghề sửa xe máy, làm cửa sắt. Nhờ có nghề sơn sửa sẵn nên nó vừa làm vừa học nghề rất nhanh. Trong làng ai có sơn sửa, hàn hiếc, làm cửa sắt đều đến tiệm của thằng Tèo. Mảnh đất thuê mở tiệm ngày nào, giờ đây nó đã mua lại, xây cất thành cái tiệm lớn khang trang. Trong tiệm luôn có hai, ba đứa học trò theo học nghề. Hằng tháng, ngoài tiền để dành riêng cho mình, nó còn cấp tiền lo cho cha mẹ.

Mỗi lần biết anh về nhà, thằng Tèo thường qua rủ đi uống cà phê. Một lần, hai đứa ngồi với nhau, Tèo thân mật hỏi: "Lương của mày mỗi tháng bao nhiêu?". Anh nói thật lương ít, sợ bạn không tin, ái ngại trả lời: "Đủ sống à". Bạn góp ý: "Chỗ bạn bè thân nhau, tao khuyên mày nên để dành tiền, không nên tiêu xài hoang phí. Từ ngày đi làm, tao thấy mày chẳng sắm sửa gì cho gia đình cả. Gia đình, cha mẹ vất vả nuôi con khôn lớn, mày làm như thế tao thấy không được!...". Tuy ít học nhưng có tiền, thằng Tèo nó lại dạy ngược anh là ông thầy giáo về lòng hiếu thảo, bài học trách nhiệm. Anh biết nó nói thật lòng nên không giận, nhưng vô tình đã chạm vào vết thương thầm kín trong lòng. Chợt nhớ lại lời hứa ngày nào, giờ đây không thực hiện được, anh cảm thấy xấu hổ với bản thân vô cùng.

* * *

Đến giờ ra chơi, anh ngồi luôn trong lớp học, chờ dạy giúp đồng nghiệp hai tiết sau. Ở dưới lớp, có mấy em không ra ngoài chơi ngồi rù rì, nhỏ to với nhau: "Ông thầy đẹp trai, ăn mặc lịch sự, giảng bài hay ghê!". Có đứa khác: "Sau này lớn lên, có chồng, tao thích mẫu người như thầy vậy". Có một em với giọng lên hỏi:

- Thầy ơi, quê thầy ở đâu vậy?

- Cách đây 50 km.

- Sao thầy không dạy gần nhà, lên đây chi cho xa xôi?

- Thầy muốn truyền đạt kiến thức học của mình, cho các bạn miền núi.

Anh hỏi lại:

- Lớn lên tụi em thích làm nghề gì, để góp phần xây dựng đất nước?

- Dạ, nghề giáo.

- Vì sao?

Một cậu học trò nhanh nhảu, giống như anh trả lời với mẹ ngày nào:

- Vì nghề giáo là người thầm lặng đưa đò, một người hùng vô danh. Nghề giáo cao quý nhất trong những nghề cao quý!…

Anh ngập ngừng, im lặng!... Rồi giây lát sau, anh đứng lên, bước ra ôm lấy vai cậu học trò nhỏ trong sự ngỡ ngàng của nó. Anh thấy giọng mình rung lên, nhưng quả quyết, nói với trò mà như nói với chính mình:

- Đúng vậy! Thầy cảm ơn em!

Thông báo về trường hợp truyện "Biến mất" của Kai Hoàng

Trên Báo Báo Chủ nhật, ngày 26-5-2019, có đăng truyện ngắn dự thi "Biến mất" của tác giả Kai Hoàng.

Sau khi báo đăng, BTC có nhận được phản ánh của một số bạn đọc về việc truyện này có nội dung và tình tiết khá giống với truyện "Những biển" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (có in trong tập truyện ngắn "Cố định một đám mây"; Phanbook & NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2018).

Sau khi đọc lại và so sánh hai văn bản, BTC nhận thấy truyện "Biến mất" của Kai Hoàng có tứ truyện, nội dung và nhiều tình tiết gần như sao chép từ truyện "Những biển" của Nguyễn Ngọc Tư. Qua trao đổi, tác giả Kai Hoàng cho rằng do đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư nhiều, có thể anh đã bị ảnh hưởng mà không biết, khi viết ra thì không kiểm soát được. Kai Hoàng cũng gửi lời xin lỗi tới nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Báo Người Lao Động, đồng thời cho biết: "Xin nhận mọi quyết định từ Báo Người Lao Động".

BTC đã trao đổi với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về trường hợp này. Xét thấy truyện "Biến mất" của Kai Hoàng có sự sao chép khá rõ rệt từ tác phẩm của nữ nhà văn quê Cà Mau, BTC quyết định gỡ bỏ truyện "Biến mất" khỏi Báo Báo Điện tử, đồng thời loại ra khỏi cuộc thi và không chấm nhuận bút cho truyện này.

BTC chân thành gửi lời xin lỗi đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và quý bạn đọc, bạn viết!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật