Thanh Hóa: Vất vả “hành trình” lên cạn của hàng trăm hộ dân vạn chài

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
26 hộ dân vạn chài được cấp ngành chức năng TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) bố trí tái định cư lên bờ. Thế nhưng họ lại “mắc cạn” vì không tìm được nghề nghiệp mới thay thế cho cái nghiệp sông nước. Trong khi, 110 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu còn lại đang “chông chênh” giữa dòng sông.
Thanh Hóa: Vất vả “hành trình” lên cạn của hàng trăm hộ dân vạn chài
Ước nguyện lên cạn của gia đình anh Hùng. Ảnh: Ngọc Hưng

Lên bờ rồi lại xuống sông

Chúng tôi tìm đến các hộ dân tái định cư khu Xuân Minh (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) trong một ngày nắng cháy da. Đã hẹn trước, ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch UBMTTQ phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đi cùng chúng tôi. Ông Thủy cho biết, trong suốt 10 năm qua, TP Thanh Hóa đã bố trí được 26 hộ thuyền chài lên bờ. Đây là con số chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế của hàng trăm hộ dân khác còn lênh đênh sông nước.

Ước mơ thoát nghèo của những hộ dân xóm vạn chài

//

Chúng tôi bước vào căn nhà rộng 52m2 đã được xây dựng từ mấy năm trước nhưng chưa được vôi ve của anh Nguyễn Văn Thanh. Anh Thanh rời tay vá lưới mời khách vào nhà mà vẻ mặt rầu rĩ. “Khó khăn lắm các anh ạ. Giờ xác định đoạn tuyệt hẳn với dòng sông nhưng không có đất nông nghiệp, không được học hành, không nghề phụ thì biết làm gì để sống? Bây giờ có xin đi làm lao động phổ thông người ta cũng cần người biết việc, thạo việc”, anh Thanh nói.

Vạn chài lênh đênh trong lòng phố

//

Bên bàn trà, người đàn ông này nhớ rõ cái ngày cả gia đình được cấp đất tái định cư, anh và vợ con vui lắm. Rồi đây sẽ không còn phải đối diện với những đêm mưa bão chòng chành, mưa hắt rát mặt, con cái sẽ được đi học, được hòa nhập với phố phường. Nhưng, đó là suy nghĩ về viễn cảnh lên cạn lúc đang còn ở dưới mạn thuyền cũ. Còn khi ước mơ thành hiện thực, lên bờ, vợ chồng anh mới thấm thía cái cảnh “con cá mắc cạn” khổ sở như thế nào. Bao dự định tan biến, không nghề nghiệp, tính đi xin làm lao động chân tay, nhưng không mấy người thuê vì anh chị không biết việc. Phần con cái thì thui thủi ở nhà chơi một mình. Kinh tế không có rồi chúng cũng đâu được đến trường.

Túng quẫn, anh Thanh lại dắt díu cả nhà trở lại dòng sông. Lên rồi xuống, xuống rồi lại lên, phải đến lần thứ ba, anh Thanh mới quyết định lên bờ ở hẳn. Bởi có quay lại với sông nước thì cái nghề cũng không thể nuôi sống gia đình anh được nữa. Lên cạn thỉnh thoảng anh vẫn xin được chân bốc vác ở các công trường xây dựng, có khi xin được làm phụ hồ, phần vợ thì chạy thêm con cá, con tôm… Công việc không thường xuyên, bữa no bữa đói, song vẫn còn hơn ở dưới sông, dưới nước đục ô nhiễm, bệnh tật.

Trong khi đó, nhiều hộ vạn chài khác sau khi làm xong căn nhà tái định cư họ đóng cửa cài then để trở lại sông nước, bất chấp cuộc sống dưới sông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn (phần nhiều ở những hộ trung niên ngoài độ tuổi lao động).

Thực tế cho thấy, chính sách chủ trương của thành phố thì không phải bàn cãi. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề vẫn là sinh kế cho người dân. Lên cạn nhưng người dân không có trình độ, không có nghề nghiệp, không có đất sản xuất. Được biết, với 26 hộ dân đã được cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà tại khu tái định cư Xuân Minh thì hiện chỉ còn khoảng 20 hộ ở cố định, số còn lại cho người khác thuê, mượn, thậm chí có người đã âm thầm bán (dù trước đó, UBND TP Thanh Hóa đã nghiêm cấm sang nhượng dưới mọi hình thức) để trở lại sinh sống trên sông.

Tương lai đầy trăn trở

Khu tái định cư cho người dân vạn chài đìu hiu dù nhà cửa kiên cố.

Men theo phía bờ tả con sông Hạc (TP Thanh Hóa), ông Thủy dẫn chúng tôi xuống xóm vạn chài trên sông, nơi vài chục nóc thuyền nằm chông chênh giữa dòng nước đục. Trước mắt tôi, những con thuyền cũ kỹ cách đây đã vài chục năm được lợp bằng những mái tôn xanh đỏ nhấp nhô nằm nép vào nhau. Sau các bậu thuyền, vài đứa trẻ lấm lem ngơ ngác nhìn khách lạ mà lẽ dĩ chúng đang phải tới trường. Thông tin thêm cho chúng tôi, ông Thủy bảo: “Tính đến thời điểm hiện tại, cả TP Thanh Hoá vẫn còn 110 hộ, với hơn 600 nhân khẩu trên sông chưa được bố trí đất để tái định cư. Khó khăn nhất hiện nay của chính quyền TP. Thanh Hóa là chưa thể tìm ra quỹ đất để tiếp tục triển khai xây dựng các mặt bằng tái định cư”.

Chúng tôi chui vào lòng con thuyền chật hẹp của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, nơi trú ngụ của 6 thành viên, chưa tính trẻ nhỏ. Anh Hùng nói trong tiếng thở dài: “Đói nhăn răng các chú ạ! Tổ tiên đã có bao đời gắn với sông nước, mình cũng như bao cư dân khác trong làng chài này nối nghiệp. Nhưng giờ đây các dòng sông ô nhiễm, cá tôm cũng không còn nhiều như xưa”. Để mưu sinh, anh Hùng cùng nhiều lao động khác trong xóm chài phải sắm thuyền vỏ sắt, vượt sông Hạc ra sông Mã, ngược sông Chu làm nghề.

Cách không xa con thuyền của gia đình anh Hùng là gia đình ông Trần Văn Ngọc. Chia sẻ với PV, ông Ngọc cho biết|: “Gia đình long đong ở trên thuyền này đã ba đời nay rồi, chẳng ai được ăn học gì cả, đẻ ra trên thuyền rồi sống ở đó. Trước kia, đi chở cát thuê kiếm được đồng ra đồng vào, nay khó khăn trở về dòng nước cạn bắt cá, cua quanh mạn thuyền sống qua ngày”. Bản thân ông Ngọc dường như phó mặc, ngoại trừ việc ông lo chuyện con cháu học hành. Cũng bởi lo nghĩ cho tương lai con cháu và mơ ước thoát khỏi cái nghiệp sông nước đói nghèo mà cả trăm nóc thuyền chưa được bố trí tái định cư đang mong mỏi từng ngày được thành phố quan tâm, tạo điều kiện.

Đó cũng là mong mỏi của cả trăm hộ dân đang từng ngày phải sống vật vờ với ô nhiễm giữa dòng nước đục. Những con thuyền cũ kỹ phải đối mặt với bão gió rình rập. Có lẽ mong mỏi lớn nhất của cả trăm hộ dân vạn chài nơi đây tới các cấp ngành TP Thanh Hóa, các khối đoàn thể hãy thực sự quan tâm hơn nữa, đồng hành hơn nữa với bà con. Ngoài việc hỗ trợ “an cư” thì vấn đề sinh kế và lập nghiệp chính là thước đo cho sự thành công của chính sách di dân lên cạn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật