Ngành du lịch: Giữ mức tăng thị trường trọng điểm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên tục đạt mức hơn 1,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế/tháng kể từ đầu năm đến nay, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế. Tuy nhiên, để giữ được mức tăng trưởng ổn định đến hết năm và hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, ngành du lịch phải tận lực hơn nữa.
Ngành du lịch: Giữ mức tăng thị trường trọng điểm
Du khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng

Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6 triệu lượt người, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan là quốc gia có lượng khách đến Việt Nam tăng cao nhất (46,5%), tiếp theo là khách đến từ Hàn Quốc (đạt gần 1,5 triệu lượt người, tăng 23,2%); Nhật Bản (hơn 302.000 lượt người, tăng 8,2%); Đài Loan (284 nghìn lượt người, tăng 25%)... Khách đến từ châu Âu trong 4 tháng đầu năm cũng tăng 5,7%, từ châu Mỹ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, từ đầu năm đến nay, hầu hết khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường chính, thị trường Việt Nam coi là trọng điểm đều tăng cao, nổi bật nhất là khách đến từ các nước châu Á, với gần 4,5 triệu lượt người, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, để giữ mức tăng trưởng ổn định của các thị trường du lịch trọng điểm, cũng như đạt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, từ nay đến cuối năm, ngành du lịch Việt Nam phải dồn sức mới hoàn thành.

Tại buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của Tổng cục Du lịch về những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2019, diễn ra mới đây, ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - yêu cầu: Toàn ngành tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Đặc biệt, chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước.

Liên quan đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho hay, ngành du lịch cần tập trung đầu tư kinh phí và nguồn lực con người vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường quản lý điểm đến…; phải tập trung được các nguồn lực và thể hiện rõ vai trò chủ đạo của Tổng cục Du lịch ở các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài. Tổng cục Du lịch khi tổ chức roadshow, tham gia hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài cần lưu ý, ngoài việc gặp gỡ, hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp các nước…, cũng cần tiếp cận và truyền thông tốt trên báo chí ở thị trường đó để hình ảnh Việt Nam được lan tỏa rộng hơn, đến gần hơn với người dân các nước. Ở trong nước, Tổng cục Du lịch phải thể hiện được vai trò "kiến trúc sư trưởng" của ngành trong việc tham mưu xây dựng các thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trên thế giới.

Theo Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2025, Việt Nam đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách quốc tế, hơn 130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật