Cố đẻ con trai chiều chồng, mẹ Ninh Bình trắng tay một mình nuôi 4 con nheo nhóc

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù chồng 5 lần 7 lượt bỏ rơi 5 mẹ con nhưng chị Liên quyết không ly hôn vì không muốn chứng kiến cảnh “con anh con tôi“.
Cố đẻ con trai chiều chồng, mẹ Ninh Bình trắng tay một mình nuôi 4 con nheo nhóc
Chị Liên rất cần mẫn và chăm chỉ làm lụng, chỉ mong có được sức khỏe tốt để tiếp tục làm thuê có tiền nuôi con.

Không ít lần bụng mang dạ chửa vẫn phải làm lụng vất vả để có tiền trả nợ, chị Liên đã từng nghĩ đến cái chết rũ sạch mọi đau khổ cuộc đời. Thế nhưng vì 4 đứa con thơ, người mẹ ấy lại ngày đêm nai lưng đi quét vôi ve, làm phụ hồ, lắp bóng đèn… để có tiền nuôi con.

Đi làm thuê kiếm tiền trả nợ cho chồng vẫn phải cố có đứa con trai

Cách đây 10 năm, chị Nguyễn Thị Liên (30 tuổi, quê ở Ninh Bình) ngày ấy vừa mới chập chững bước qua tuổi trăng tròn, đi theo bạn bè cùng trang lứa, chị lên Hà Nội làm công nhân. Tại đây, chị gặp người đàn ông hơn mình một tuổi rồi đem lòng cảm mến.

Vẻ mặt phấn khởi của bốn đứa con của chị Liên khi được nhận quà đến từ các nhà hảo tâm ủng hộ

Sau một thời gian tìm hiểu anh chị tiến tới hôn nhân. Thế nhưng, chỉ hai năm sau ngày cưới, người chồng đầu ấp tay gối với chị từ một thanh niên chịu khó làm việc, thương yêu vợ con trở nên đổ đốn hư hỏng, lao vào cờ bạc, rượu chè.

Chị Liên chia sẻ: “Năm 2008 anh chị cưới nhau, những tưởng anh sẽ chuyên tâm làm ăn cùng vun đắp hạnh phúc gia đình. Nhưng ngờ đâu sau khi đứa con gái đầu N.T.P.T (SN 2009) chào đời, anh trở nên bê tha. Lúc đó mình chỉ nghĩ do con kém may mắn sinh ra mắc bệnh phải hội chứng down nên anh chán nản. Nghĩ thương chồng nên một năm sau đó mình sinh tiếp bé N.T.K.H (SN 2010), may mắn trời thương cho bé được làm người lành lặn khỏe mạnh”.

Có với nhau hai mụn con, chị Liên hy vọng chồng sẽ thay đổi để lo cho cơm áo gia đình nhưng cũng sau ngày bé thứ hai nhìn thấy ánh mặt trời, anh bỏ đi phiêu bạt, để lại mái nhà cấp 4 với mẹ già, vợ trẻ và hai đứa con nheo nhóc. Chưa kể món nợ nần anh vay nặng lãi chưa trả được.

Vừa hạ sinh con chưa bao lâu, khoảng thời gian mà với người ta gọi là gái đẻ ở cữ thì chị phải sớm “xuống ổ” để chạy vạy vay mượn, đi làm thuê lấy tiền trả nợ cho chồng.

Chị Liên đi quét vôi, sơn tường, làm phụ hồ cùng rất nhiều công việc khác nhau để có tiền nuôi con.

Gạt nước mắt chảy dài trên gương mặt già nua vì vất vả của người đàn bà ở ngưỡng tuổi 30, chị nói: “Anh ấy mang đồ đạc đi cắm. Đến lúc trong nhà không còn thứ gì giá trị để cầm cố được nữa, anh bỏ nhà đi biệt tích, chủ nợ đến đe nạt. Nhiều hôm họ nhỏ keo 502 vào khóa cổng để mấy mẹ con không vào được nhà. Túng quẫn quá mình phải quỳ gối xin khất và đi vay tiền trả nợ cho chồng, lúc đó mới yên ổn”.

Thấy con trai vẫn chứng nào tật ấy, bố mẹ chồng của chị Liên động viên chị sinh thêm đứa con trai để mong anh chồng quay về nhà nên nghĩa vợ chồng lo làm ăn nuôi dạy con cái. Chị nghe theo lời ông bà nên sinh bé thứ ba là bé trai N.A.K (SN 2014) mong anh chồng thay đổi bản tính.

Thế nhưng cuộc đời có lẽ đã quá bất công với người đàn bà bạc mệnh ấy, suốt 9 tháng mang nặng đẻ đau chị vừa một thân lam lũ đi làm thuê, chị chọn những công việc mà lẽ thường là chỉ có đàn ông mới làm được vì cần sức khỏe. Chị không nề hà nặng nhọc, cần mẫn làm để có tiền nuôi con. Những lần người chồng trở về nhà xin tiền ngay cả khi bụng chị đang mang hình hài sinh linh bé nhỏ, chị không thể nào quên.

Dường như số phận đã bắt 4 đứa trẻ trưởng thành từ rất sớm, chúng như ý thức được việc phải ngoan ngoãn và lớn lên trong thầm lặng.

Tủi phận kiếp chung chồng

Năm 2016 trong một lần trở về nhà sau thời gian biệt tích, vợ chồng anh chị lỡ kế hoạch sinh thêm một bé trai mang tên N.H.A. Vai gầy nhỏ bé của chị thêm lần nữa nặng trĩu đôi gánh trách nhiệm của cuộc đời làm mẹ 4 đứa trẻ.

Ngày chị mang thai bé thứ 4 cũng là thời điểm cả gia đình chị đón nhận cuộc điện thoại từ một người phụ nữ nói rằng “Anh C. (tên chồng chị Liên) đã có con với một người đàn bà ở miền Tây”.Không muốn tin vào mắt mình, chị liên tục gọi anh về để xác nhận nhưng anh chồng một mực chối đẩy.

Như muốn làm sáng tỏ mọi chuyện, chị mang bụng chửa bắt xe khách vào Sài Gòn để xem thực hư ra sao. “Lúc mình đến nơi ở của anh ta và người đàn bà kia thì mọi sự thật đã được phơi bày, họ đã sống và có con với nhau” – chị Liên nói.

Cuộc sống khổ nhục và đau đớn là vậy nhưng chị Liên chưa bao giờ có ý định ly hôn, bởi ở chị vẫn khao khát có được sự hối cải của người chồng. Chị mong dẫu về già vẫn có người chở che và yêu thương, hơn nữa chị không muốn các con phải chia ly, sống cảnh con anh con tôi.

Sáu năm trời đằng đẵng bỏ nhà đi, người đàn ông mà họ vẫn coi là chồng, là bố của 4 đứa nhóc đó không một lời hỏi thăm, không một phần quà bánh, 4 đứa trẻ lớn lên chỉ biết có mẹ và ông bà.

Thời điểm các con của chị cần tiền đi bệnh viện vì nay ốm mai đau, chị liên hệ với bố của 4 đứa trẻ nhưng chỉ nhận được những lời khó nghe: "Không có tiền đâu! Cô tự mà xoay sở…".

Mẹ ốm không dám mua thuốc để tiền nuôi các con

Giờ đây những tài sản có giá trị trong nhà đều bị người chồng bán hết. Chị liên tiếp những ngày tháng làm mướn làm thuê không biết mệt mỏi để nuôi con.

Ông bà hai bên đều già yếu, bệnh tật không giúp đỡ được nhiều cho con gái. Chị trắng tay ôm bốn đứa con sống riêng trong căn nhà cấp 4 chưa đầy 20 mét vuông. Hàng ngày, gửi con sang nhà ông bà nội trông giúp, chị tranh thủ đi làm quét vôi ve, sơn tường, phụ xây, lắp bóng đèn, dọn dẹp nhà cửa thuê để sống qua ngày.

Với đứa trẻ bình thường thì mười tuổi đã có thể phụ giúp mẹ việc trông em, nhưng còn với Phương Trinh thì em mắc hội chứng down không ý thức được hành vi bản thân

"Mỗi ngày mình kiếm được 200 ngàn nhưng không phải lúc nào cũng có người thuê. Cuộc sống của 5 mẹ con khổ cực quá. Nhiều lần muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến các con lại phải gắng gượng vượt qua!”, chị Liên mệt mỏi chia sẻ.

Lam lũ là vậy nhưng những lúc trái nắng trở trời ốm đau chị Liên không dám lấy một đồng nào đi mua thuốc cho mình. Số tiền kiếm được chị dành nuôi con. Hàng ngày chị vẫn phải khó nhọc cho con tiền ăn học, thuốc thang. Bé H.A là con trai út của chị vì không có đủ tiền cho cháu theo kịp trường công nên phải gửi trẻ ở một cơ sở tư nhân với chi phí 1 triệu 2 trăm nghìn/ tháng, khá đắt đỏ so với hoàn cảnh của chị.

Thương con, chị chỉ biết ngậm đắng nuốt cay lam lũ làm thuê chắt bóp nuôi chúng sống qua ngày. Bé đầu hiện giờ đã 10 tuổi nhưng mắc hội chứng down, không ý thức được hành vi của mình, sức khỏe không được bình thường nên những lúc người lớn dời mắt là bé quậy phá.

Chị Liên trải lòng: “Bé T. lớn rồi nhưng không giúp được gì cho mẹ, nhiều hôm để con bé ở nhà một mình, nó lấy nước đổ hết vào thùng gạo, mẹ đi làm về mệt mỏi lại chứng kiến cảnh này chỉ muốn đánh chửi cho hả hê. Nhưng nhìn vào ánh mắt 4 đứa con thơ, mình lại không nỡ làm chúng thêm tổn thương.

Vừa mới hôm qua, mẹ mải đưa em đi bệnh viện khám bệnh, bé T. chạy xuống xóm dưới chơi nên bị chó đẻ cắn chảy máu nhưng một phần chưa có tiền, lại sợ tiêm thuốc ảnh hưởng nên mình vẫn chưa cho cháu đi kiểm tra”.

Có lẽ hoàn cảnh đã bắt những đứa trẻ của chị Liên trưởng thành khá sớm dù độ tuổi vẫn đang ở lớp mầm lớp lá. Mỗi khi thấy mẹ buồn khóc một mình là chúng tự giác nhắc nhau lên giường nằm ôm mẹ.

Một nách bốn con, họ lặng lẽ sống trong cảnh bữa đói bữa no giữa một làng quê của ngoại thành Hà Nội, chẳng dám khao khát gì nhiều, chị Liên chỉ mong các con được khỏe mạnh và được đến trường đầy đủ.

Chị muốn mình có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đi làm thuê, ước mong hơn cả là có được một công việc ổn định để có tiền nuôi con. Lại thêm một cái Tết nữa sắp về, với nhiều người đó là niềm hân hoan nhưng với chị Liên có lẽ sẽ lại là những ngày tết chưa thôi khó nhọc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật