Xét xử vụ tranh chấp tác quyền truyện Thần đồng đất Việt

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 12 năm liên tục thay đổi tòa thụ lý và thẩm phán phụ trách, vụ tranh chấp bản quyền bộ truyện Thần đồng đất Việt được TAND quận 1 đưa ra xét xử sáng nay.
Xét xử vụ tranh chấp tác quyền truyện Thần đồng đất Việt
Các nhân vật trong Thần đồng đất Việt.

Sáng 28/12, TAND quận 1 xét xử vụ tranh chấp quyền tác giả bộ truyện Thần đồng đất Việt, giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là Công ty Phan Thị (Giám đốc là bà Phan Thị Mỹ Hạnh).

6 ngày trước đó, họa sĩ Lê Linh đưa lên mạng xã hội thông tin về vụ tranh chấp tác quyền Thần đồng Đất Việt kéo dài 12 năm. Theo đó, họa sĩ Lê Linh bắt đầu vẽ Thần đồng đất Việt vào năm 2002. Đến năm 2006, giữa họa sĩ và Phan Thị xảy ra tranh chấp về tác quyền của truyện này.

Tháng 4/2007, Lê Linh chính thức gửi đơn kiện Công ty Phan Thị, yêu cầu Phan Thị công nhận ông là tác giả duy nhất với các hình vẽ các nhân vật trong truyện này chứ không phải là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như hồ sơ đăng ký bản quyền mà phía Phan Thị đưa ra. Tác giả Lê Linh cũng yêu cầu công ty Phan Thị không tiếp tục sáng tác bộ truyện Thần đồng Đất Việt.

Trong khi vụ kiện này chưa được giải quyết, thì phía Phan Thị kiện ngược lại họa sĩ Lê Linh đã dùng hình ảnh nhân vật Trạng Tý (theo Phan Thị nhân vật này thuộc quyền khai thác của họ) để tạo ra nhân vật Long Tinh trong truyện Long thánh.

Ngày 27/12, GS-TS Khoa học Luật Nguyễn Vân Nam - người bảo vệ quyền và lợi ích, đại diện cho Phan Thị - cho biết phía ông đã xin hoãn phiên tòa ngày 28/12 với lý do tòa gửi giấy triệu tập quá gấp. Theo đại diện Phan Thị, giấy triệu tập đương sự của TAND quận 1 TP.HCM được ký ngày 30/11, nhưng đến 16h ngày 24/12 mới đến tay ông.

Thần đồng Đất Việt là một bộ truyện dài hơi, thành công bậc nhất của làng truyện tranh Việt Nam. Từ 2002 tới nay, các ấn phẩm của Thần đồng Đất Việt vẫn tiếp tục ra mắt. Tác phẩm không chỉ vui vẻ, hài hước, mà còn mang tính giáo dục, đưa ra nhiều bài học lịch sử văn hóa, với câu chuyện gần gũi văn hóa dân tộc.

Bộ truyện không chỉ chiếm cảm tình của độc giả mà có sức ảnh hưởng trong cộng đồng truyện tranh.

Đồ họa: Như Ý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật