Bộ GDvàĐT tổ chức biên soạn, kiểm duyệt sách giáo khoa khác thế giới

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cơ quan quản lý ở nhiều nước không tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa (SGK).
Bộ GDvàĐT tổ chức biên soạn, kiểm duyệt sách giáo khoa khác thế giới
Ảnh minh họa

Báo cáo kết quả khảo sát một số nội dung về xuất bản, in, giai đoạn 2012-2017 do Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa ký chỉ ra nhiều mặt còn hạn chế.

Bộ GD&ĐT tạo ra thế độc quyền khép kín

Cụ thể, trong thời gian dài, chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam được cấp phép, có chức năng xuất bản SGK, làm cho hoạt động xuất bản, in, phát hành thiếu khách quan, công bằng, cạnh tranh. Cách làm này cũng hạn chế vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việc thực hiện thí điểm chuyển NXB Giáo dục Việt Nam sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đã hơn 15 năm, có điểm chưa thật phù hợp, thống nhất với hệ thống Pháp Luật hiện hành.

Tháng 8/2017, NXB Giáo dục Việt Nam đã vướng sai phạm liên quan vấn đề bản quyền SGK vì miễn phí quản lý xuất bản, cho phép Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Công nghệ Việt Nam không phải trả bản quyền tác giả SGK khi phát hành 41 đầu sách song ngữ Việt - Anh thiếu căn cứ, minh bạch.

dư luận rất băn khoăn, cho rằng việc Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK. Điều này tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, đáp ứng yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.

Việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. Cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.

Làm rõ việc NXB Giáo dục Việt Nam báo lỗ

Báo cáo cũng nêu sản lượng in SGK những năm gần đây rất lớn, chỉ tính riêng năm 2017 là 107 nghìn bản sách. Doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ SGK tăng mỗi năm. Mức chi chiết khấu phát hành SGK giáo dục phổ thông 25% (khoảng 250 tỷ đồng/năm) là khá cao.

Điều này chưa phù hợp cơ cấu giá thành, ảnh hưởng việc chi trả của học sinh, giáo viên. Con số này cũng mâu thuẫn với việc NXB Giáo dục Việt Nam báo lỗ liên tiếp trong ba năm gần đây, cần được Bộ GD&ĐT làm rõ.

Giá bán SGK tuy thấp nhưng hệ thống sách bài tập in sẵn và tài liệu bổ trợ lại tương đương hoặc cao hơn. Quy trình phát hành SGK chưa hợp lý do phải qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí vận chuyển, các chi phí trung gian.

Nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, tăng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân là việc biên soạn, thiết kế chưa hợp lý, sách có các bài tập thiết kế để học sinh điền vào, chất lượng in sách mỏng, chỉnh sửa nội dung sách…

 Sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục nhiều bất cập

Theo khảo sát, tuy là sách thí điểm, mỗi năm, sản lượng in, phát hành sách VNEN và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục tăng đột biến. Năm 2017, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục in 5 triệu bản, tăng 13 lần so với năm 2012. Sách VNEN là hơn 10 triệu bản, tăng gấp 5 lần so với 2014.

Trong khi đó, giá bán một bộ sách VNEN cao gấp 3-4 lần SGK. Nếu tính tổng sách bổ trợ, một bộ sách VNEN tăng gấp 1,6 lần. Ngoài ra, do sách VNEN còn thiếu một số môn, học sinh phải mua thêm SGK hiện hành, tạo gánh nặng chi phí của phụ huynh học sinh và giáo viên. Qua khảo sát cho thấy báo cáo của phần lớn tỉnh đều kiến nghị giảm giá bán sách VNEN.

Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục cũng do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, in và phát hành. Tuy nhiên, sách không được bán trên thị trường mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con, công ty thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam và sở GD&ĐT các tỉnh, địa phương trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này.

Hai loại sách này được NXB Giáo dục Việt Nam chỉnh sửa, thay mỗi năm, không sử dụng lại, gây lãng phí. Việc tổ chức thí điểm/thực nghiệm bộ sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục trong nhà trường phổ thông thời gian qua cũng gây ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, đòi hỏi Bộ GD&ĐT quan tâm làm rõ.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật